Bà Chín Hoa kể chuyện bị trưởng ấp Trường “bóp nặn” 50.000 đồng |
Quá khứ hào hùng vẫn được nhân dân trân trọng, giữ gìn, tuy nhiên cuộc sống thực tế của người dân Phương Bình hôm nay thì có không ít chuyện buồn đang day dứt đặt ra nhiều câu hỏi.
Cán bộ ấp sai phạm được điều lên xã
Bà Chín Hoa (Phan Thị Hoa), 70 tuổi ở ấp Phương Lạc, sống côi cút một mình trong căn nhà tạm bợ nhờ vách nhà hàng xóm. Bà có một người anh và một người em là liệt sỹ.
Năm 2005, bà được ông trưởng ấp Lê Võ Trường đến bảo: Bà photocopy hộ khẩu để được gắn điện kế. Bà mừng quá, vội làm ngay và chờ gần năm không thấy động tĩnh gì.
Bà đi hỏi ông trưởng ấp Trường. Sau đó, có người đến nhà gắn điện kế cho bà. Nhưng gắn xong điện kế thì ông trưởng ấp Trường tìm bà, nói thẳng thừng: “Chiều bà mua con gà đem lại nhà thằng Nguyên cho anh em người ta nhậu”.
Chiều đó bà Chín xách con gà lại nhà ông Nguyên (đại diện tổ điện ở địa phương). Ông Nguyên bảo bà xách gà về. Bà Chín thật thà xách gà về.
Qua bữa sau, ông trưởng ấp Trường lại gặp bà Chín, hoạnh họe: “Tui kêu bà mua con gà đem lại thằng Nguyên, sao bà không mua?”. Bà Chín vội kể lại sự việc để thanh minh.
“Vậy bà đưa tiền cho anh em người ta uống nước”, trưởng ấp Trường phán. “Đưa bao nhiêu?”, bà Chín hỏi. “Năm chục ngàn”, trưởng ấp Trường ra giá và chìa tay. Bà Chín móc năm chục ngàn đưa cho ông trưởng ấp Trường.
Cách đây hơn 6 năm, người con gái tuổi 35 Lê Thị Tuyết Minh ở ấp Phương Quới đến lò đường ông Ba Thanh ở ấp Phương Lạc (cùng xã Phương Bình) để xin bột đường.
Chị chạy xe giữa đường thì gặp ông trưởng ấp Lê Võ Trường và ông Trường xin quá giang. Chị Minh vui vẻ đồng ý. Sau đó nửa tháng, ông Trường lại gặp chị Minh chạy xe giữa đường và xin quá giang nữa.
Rồi ông Trường rủ chị Minh đi uống nước. Lần thứ ba thì ông Trường rủ chị Minh đi chơi. Sau này chị Minh kể lại: Chị đã lớn tuổi nên cũng mong muốn có bạn trai để đi đến hôn nhân xây dựng tổ ấm riêng tư.
Thấy ông Trường nhiệt tình với chị, chị cũng hy vọng. Chị hỏi ông Trường: “Anh có vợ chưa?”. Ông Trường trả lời mau mắn: “Chưa. Tui chưa có vợ”.
Chị Minh tin lời ông Trường. Hai người đi chơi và trở nên thân thiết với nhau. Sau đó, ông Trường ra nhà chị Minh chơi. Ông Trường lại rủ chị Minh ra quán cặp bờ kinh Lái Hiếu uống nước.
Lần đi đó, trên đường trở về, theo lời chị Minh kể, ông Trường ngỏ lời với chị: “Tui chưa có vợ, tui thấy thương em quá hà”. Chị Minh trong lòng vẫn hồ nghi ông Trường đã có vợ nên nói: “Thôi, tui không quen với anh đâu. Anh có vợ rồi. Anh đừng có làm bộ”. Ông Trường khẳng định: “Tui chưa có vợ thiệt mà”.
Rồi hai người quan hệ với nhau tại một đoạn đường vắng. Chị Minh nhớ lại: “Anh có hứa là sẽ lo hết cả cho tôi sau này. Nên tôi và anh tiếp tục quan hệ với nhau thêm 4 lần nữa cũng tại đoạn đường vắng trước nhà ông Tám Hoàn.
Đến tháng 9/2000, anh Trường ra nhà tôi, lại rủ tôi đi quán bên bờ kinh Lái Hiếu uống nước. Rồi sau đó, anh Trường rủ tôi ra vườn ông Hai Thận quan hệ với nhau thêm 3 lần nữa. Sau nữa, anh Trường rủ tôi lên căn chòi, ngoài ruộng nhà tôi thuộc ấp Phương Quới, tiếp tục quan hệ với nhau thêm mấy lần”.
Đến khi chị Minh có bầu, chị gặp ông Trường, nói: “Tui có bầu rồi”. Lúc này, ông Trường trả lời tỉnh queo: “Tui có vợ con rồi”.
Nay ngồi trước mặt tôi, người đàn bà 41 tuổi có gương mặt trẻ hơn tuổi, gương mặt đẹp không giấu được vẻ thẹn thùng, cặp mắt thẫn thờ, lúc nào cũng ướt đẫm nước mắt.
Chị nói tiếng được, tiếng mất: “Năm 2001, sợ sự dèm pha của xóm giềng, mẹ đưa tôi đi xa xứ để sanh nở. Ngày đưa con về quê nhà, tôi tìm đến anh Trường cho hay là đứa con đã chào đời và hỏi anh tính thế nào đây? Anh Trường hứa sẽ lo cho mẹ con tôi.
Nhưng cuối cùng anh Trường cố tình lánh mặt, anh nhờ cô Sáu Đông đưa cho tôi 20.000 đồng để mua sữa cho con. Năm 2002, mẹ tôi có tìm đến gặp anh Trường, được anh hứa sẽ chu cấp gạo, tiền nuôi con. Nhưng mãi đến bây giờ, anh Trường vẫn tìm mọi cách lánh mặt, không giúp cho mẹ con tôi chút gì”.
Chị Minh vén tà áo quệt nước mắt ướt đẫm má từ lúc nào. Chị nói tiếp: “Một mình làm mướn nuôi con, thân thì đau ốm hoài nên rất vất vả. Đến nay đứa con đã 6 tuổi, đã đến tuổi đi học lớp 1, phải mang họ mẹ. Tôi chỉ mong các cấp chính quyền xem xét giúp đỡ, nhất là bảo anh Trường có phần trách nhiệm với con của mình”.
Trong tờ trình số 01-2007/TTr.ĐU gửi Ban thường vụ Huyện ủy Phụng Hiệp, Bí thư xã Phương Bình Nguyễn Văn Tình viết: “Qua hiểu biết của xã và trình bày của đồng chí Lê Võ Trường thì đồng ý là có quan hệ với chị Lê Thị Tuyết Minh. Đồng chí Trường không thống nhất là sống với chị Minh như vợ chồng, bởi vì đây là sự lén lút trong quan hệ nam nữ trong một thời gian nhất định chứ không phải công khai như vợ chồng.”(?).
Ông trưởng ấp Lê Võ Trường thú nhận là có “quan hệ” với chị Minh, nhưng ông cho rằng đó là “lén lút” và “trong một thời gian nhất định” chứ không phải là “vợ chồng”. Thế rồi… xong! Vấn đề đạo đức của ông Trường cũng như trách nhiệm của ông Trường với đứa bé sinh ra không được xem xét đến nơi đến chốn.
Trớ trêu là từ khuyết điểm nghiêm trọng của trưởng ấp Lê Võ Trường lại thành tai họa cho một cán bộ trẻ là Phó công an ấp Phương Lạc Nguyễn Hoàng Thanh.
Trong các cuộc họp cán bộ cũng như họp dân ở ấp, anh Thanh yêu cầu làm rõ trách nhiệm của ông Trường để củng cố lòng tin của dân với cơ sở Đảng và chính quyền.
Đột ngột, ngày 29/10/2007, anh Nguyễn Hoàng Thanh bị đình chỉ chức vụ Phó công an ấp. Quyết định này do Trưởng công an xã Phương Bình Phạm Măng Non ký.
Trong quyết định viết căn cứ để đình chỉ chức vụ Phó công an ấp của anh Thanh là: “Xét đề nghị của trưởng ấp Phương lạc”. Và nay trưởng ấp Lê Võ Trường lại được cất nhắc lên làm cán bộ Ban VH-TT xã Phương Bình.
Ông Năm Nước, nguyên Trưởng công an xã Phương Bình phải về nhà nuôi vịt với câu hỏi: “Có phải tôi bị trù dập?” - Ảnh: Gia Thọ |
Cán bộ xã sai phạm được điều lên huyện
Theo hướng dẫn của một số người dân xã Phương Bình, tôi đến nhà ông Mười Tiến (Nguyễn Văn Tiến). Tôi vào nhà một lúc, ông Tiến mới rời khỏi cái bàn học sinh kê ở một góc căn nhà tình nghĩa do Ban liên lạc Tiểu đoàn Tây Đô cất tặng năm 2003.
Trên tay ông cầm theo lá đơn. Ông cho biết, lá đơn ông vừa viết xong. Nói rồi, ông cho tôi xem lá đơn. Tôi hơi ngạc nhiên thấy đơn ông đề: “Kính gửi nhà báo”.
Tôi hỏi tại sao ông không gửi các cơ quan chức năng của chính quyền mà gửi nhà báo? Ông liền trở vào ôm ra cho tôi một xấp đơn thư cũ. Rất nhiều đơn, thư gửi: Chủ tịch UBND tỉnh, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH… Trong đó, đơn thư mới nhất là gửi ông Trần Thanh Kháng, Bí thư huyện ủy Phụng Hiệp.
Ông chờ tôi lướt qua các đơn thư rồi bắt đầu câu chuyện của mình. Ông nói: “Tôi là Nguyễn Văn Tiến, sinh năm 1947, đảng viên, hiện ở ấp Phương Thạnh, xã Phương Bình. Đang làm Thư ký Ban liên lạc cựu chiến binh Tiểu đoàn Tây Đô, huyện Phụng Hiệp. Là thương binh 4/4, phân hội phó phân hội 1, Hội cựu chiến binh ấp Phương Thạnh”.
Ông đi bộ đội năm 1963. Ở Tiểu đòan Tây Đô 6 năm, từ ngày 13/2/1963 đến ngày 20/7/1969. Sau đó lần lượt được chuyển công tác làm Phó đoàn Văn công II tỉnh Cần Thơ. Sau giải phóng, ông làm cán bộ ngành VH-TT ở huyện. Từ năm 1988 đến tháng 6/2002 làm Trưởng ban VH-TT xã Phương Bình.
Kể đến đây, ông Tiến đưa cho tôi xem Quyết định số 40/QĐ.CT.UB ngày 17/6/2002, do ông Lê Thanh Bình lúc đó là Chủ tịch UBND xã Phương Bình, nay là chuyên viên HĐND huyện Phụng Hiệp, ký buộc ông thôi giữ chức Trưởng ban VH-TT với hai lý do: tuổi cao sức yếu và hoàn thành nhiệm vụ chưa cao.
Với cặp mắt còn khá tinh anh, ông Tiến nhìn tôi đọc tờ Quyết định, rồi bằng những động tác nhanh nhẹn, ông Tiến mở tủ lấy ra một xấp dày bằng khen, giấy khen, các lọai chứng nhận thành tích nọ kia.
Như bằng khen của Bộ VH-TT năm 1997 và 1998; bằng khen của UBND tỉnh năm 1997 và năm 2001; bằng khen của Đài Tiếng nói Việt Nam năm 1999, 2000; giấy khen của Đài PT-TH tỉnh ký ngày 1/1/2002…
Thế rồi, ông Tiến ngừng tay soạn xấp giấy khen bằng khen, ngước cặp mắt đầy đau khổ lên, khàn giọng hỏi một câu mà 6 năm qua, từ khi ông bị cho nghỉ việc, chưa có cơ quan chức năng nào trả lời cho ông: “Tôi hoàn thành nhiệm vụ chưa cao thì làm sao có những giấy khen, bằng khen này?”. Ánh mắt ông thảng thốt, bơ vơ nhìn vào khoảng không đâu đó phía trên đầu tôi hay sau lưng tôi, khoảng không ngoài sân đầy nắng.
Tôi đọc lại các mốc thời gian công tác của ông. Ngạc nhiên vì thấy suốt 14 năm (từ 1988 - 2002), ông làm Trưởng ban VH-TT xã Phương Bình. Đột ngột, ông lại phải ký hợp đồng làm chính cái chức danh ấy, Trưởng ban VH-TT xã Phương Bình. Để rồi 6 tháng sau khi ký hợp đồng, ông bị buộc nghỉ việc bằng cách… chấm dứt hợp đồng! Một cách đuổi việc thật… nhẹ nhàng nhưng không rõ ràng.
Tuy nhiên, có một thực tế khác lại rất rõ ràng, không thể che giấu là việc ông Tiến đấu tranh với một cán bộ xã tham lạm tiền chính sách. Đó là ông Lương Thanh Hải, cán bộ Ban thương binh - Xã hội xã Phương Bình tham lạm tiền tuất liệt sỹ Nguyễn Văn Bé.
Cũng do liệt sỹ Nguyễn Văn Bé là con của cô ruột ông Tiến, BMVNAH Nguyễn Thị Tư, nên ông Tiến mới biết được sự việc tường tận và đấu tranh yêu cầu làm rõ. Kết quả ông Hải chiếm giữ toàn bộ tiền tuất của liệt sỹ Nguyễn Văn Bé từ 1/9/1999 đến 30/12/2004, với số tiền là 8.328.000 đồng.
Ngày 11/3/2005, Phòng LĐ-TB-XH huyện Phụng Hiệp và Ban thương binh xã hội xã Phương Bình đã buộc ông Hải phải trả lại số tiền tham lạm. Sai phạm như vậy nhưng sau đó ông Hải lại được điều chuyển công tác lên huyện, làm cán bộ Văn phòng HĐND huyện Phụng Hiệp cho đến nay.
Câu hỏi của nguyên Trưởng công an xã
Ông Mười Tiến bảo tôi nên gặp ông Năm Nước, nguyên là Trưởng công an xã, Đảng ủy viên, nhưng đã “về vườn cắm câu, giăng lưới, chăn vịt” từ năm 2005, sẽ có nhiều chuyện nữa.
Con đường từ nhà ông Tiến đến nhà ông Năm Nước khoảng vài cây số, thuộc ấp Phương Lạc, hoang vu cỏ dại, tre trúc tủa nhánh muốn bít lối đi. Mặt đường khúc khuỷu gạch đá do người dân có bao nhiêu làm bấy nhiêu. Nhiều cây cầu tạm bợ ọp oẹp đóng bằng các loại cây tạp, nhiều tấm đan lâu ngày bể nát.
Đến trước một ngôi nhà tường, nghe tiếng vịt kêu quang quác, tôi nhìn vào thấy một người đàn ông đang ngồi cho vịt ăn. Tôi hỏi thăm nhà ông Năm Nước thì người đàn ông đang ngồi chính là ông Năm Nước.
Tôi hỏi ông Năm có biết vụ ăn chặn tiền tuất liệt sỹ của cán bộ thương binh xã hội Lương Thanh Hải không? Ông Năm nói ngay: “Biết rành chớ”. Ông kể: “Năm 2005, họp Đảng ủy xã, tôi đề nghị kỷ luật ông Hải. Tôi đã đứng lên phát biểu tại cuộc họp là tham lạm tiền tuất liệt sỹ là tội ăn tiền xương máu, cần khai trừ khỏi Đảng. Bí thư Đảng ủy xã Bùi Minh Châu (nay là Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Phụng Hiệp) và Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Tình (nay là Bí thư Đảng xã Phương Bình) cùng ý kiến là chỉ cảnh cáo. Cuối cùng cuộc họp thống nhất bỏ phiếu kín. 9/12 phiếu đề nghị cảnh cáo và 3/12 phiếu đề nghị khai trừ khỏi Đảng. Trong 3 phiếu đề nghị khai trừ có 1 phiếu của tôi”.
Như để giải thích thêm những chuyện nhiễu nhương ở xã Phương Bình, ông đưa cho tôi tờ trình đề: “Kính gửi lãnh đạo báo Tiền phong”. Tôi hỏi tại sao ông gửi báo Tiền phong mà không gửi những nơi khác. Ông trả lời: Bởi thấy báo Tiền phong mạnh dạn đấu tranh với tiêu cực để bảo vệ Đảng, bảo vệ công lý như mới đây viết những bài bảo vệ các cán bộ trẻ ở Hậu Giang chống tiêu cực bị trù dập.
Nội dung chính của tờ trình như sau: “Tôi tên Nguyễn Văn Năm (tên thường gọi Năm Nước) sinh năm 1955. Tôi xin trình bày một số việc như sau. Tóm tắt: Năm 1988 tôi làm Xã đội phó xã Phương Bình.
Đến năm 1990, Xã đội trưởng, Đảng ủy viên xã Phương Bình. Đến năm 1998, được điều động làm Trưởng công an xã.
Năm 2002, tôi phát hiện đồng chí Phó công an xã Nguyễn Thanh Bình, bà con cô cậu ruột với Bí thư Đảng xã Bùi Minh Châu (nay là Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Phụng Hiệp), con bạn dì ruột của Chủ tịch UBND xã Lê Thanh Bình (hiện là cán bộ HĐND huyện Phụng Hiệp), đã làm hộ khẩu khống cho một người Việt kiều Mỹ.
Tôi đề nghị công an huyện Phụng Hiệp xử lý. Đến năm 2003, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã đề nghị công an huyện tăng cường Trưởng công an xã và chuyển tôi sang làm Phó công an xã.
Đến ngày 18/3/2005, trước đại hội Đảng của xã 5 tháng, tôi nhận được Quyết định số 18 của Huyện ủy Phụng Hiệp chuẩn y tôi làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy xã Phương Bình nhiệm kỳ 2000 - 2005.
Tháng 8/2005, Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Phương Bình lần thứ X, nhiệm kỳ 2005 - 2010, tôi không được tái đề cử vào Đảng ủy. Thế là tôi không được sắp xếp công việc gì nữa. Tồi đành lủi thủi về nhà mà không có một quyết định giấy tờ gì. Có phải tôi bị trù dập không vậy?”.
Tôi đi tìm câu trả lời cho những chuyện buồn xảy ra ở một căn cứ kháng chiến cũ, nhưng cuối cùng lại nhận được một câu hỏi. Tuy nhiên, câu hỏi dường như đã là một câu trả lời.