Cùng một lượng thép sản xuất, công nghệ Finex cần lượng nước lớn gấp 1,6 lần công nghệ thông thường.
Chỉ trong giai đoạn đầu, DA thép Posco-Vinashin đã cần khoảng 150.000m3 nước/ngày đêm. Nhưng theo Quy hoạch Khu kinh tế Vân Phong (KKTVP) đến năm 2020, nguồn cung cấp nước cho KKTVP là các hồ Hoa Sơn, Đồng Điền, Tiên Du… chỉ có khả năng cung cấp tối đa 110.000m3/ngày đêm.
Lượng nước này vừa đủ cho nhu cầu của Cảng trung chuyển quốc tế, các khu du lịch, khu trung tâm tài chính, dịch vụ, các khu đô thị và khu công nghiệp đã có trong quy hoạch. Dẫu ngưng cấp nước cho tất cả các khu này, cũng không đủ nước cho NM thép.
Phương án giải quyết: đưa nước từ sông Ba bên Phú Yên, cách Đầm Môn chừng 80km về qua hầm đường bộ Đèo Cả. Ngày 29/2/2008, UBND hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa đã nghe Cty Cổ phần BOT Cầu Phú Mỹ (PMC) trình bày đề xuất đầu tư DA Hầm đường bộ đèo Cả.
Trong trường hợp thuận lợi nhất, giai đoạn 1 của DA sẽ được khởi công vào tháng 7/2009, hoàn thành vào đầu năm 2014. Có nghĩa, dù giai đoạn 1 NM thép Sơn Đừng sẽ hoàn thành xây lắp toàn bộ vào tháng 6/2012 như đề xuất của tập đoàn Posco-Vinashin, đến năm 2014 NM này mới có nước để sản xuất.
Không chủ động về thời gian cấp nước, DA cũng không chủ động về lượng nước được cung cấp. UBND tỉnh Phú Yên đồng ý cung cấp nước cho KKTVP sau khi cân đối, bảo đảm đủ nước cho khu kinh tế Nam Phú Yên và nhu cầu nước sản xuất, sinh hoạt của nhân dân trong vùng.
Nhu cầu nước của Khu kinh tế Nam Phú Yên không hề nhỏ, bởi nơi đây đã có nhiều DA lớn đăng ký cũng như được cấp giấy phép đầu tư. Liệu sau khi để dành cho nhu cầu tại Phú Yên, lượng nước còn lại có đủ cho NM thép?