>> Bắt Chủ tịch HĐQT Tổng Cty Miền Trung
>> Ông Trần Xuân Đính bị đình chỉ công tác và đình chỉ sinh hoạt Đảng
Ai “che chắn” cho Trần Xuân Đính ?
Về lỗ: năm 2003 lỗ 68 tỷ, 2004 lỗ 14 tỷ, năm 2005 lỗ 138 tỷ; về nợ, theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước (công bố tháng 3/2007): Đến 31/12/2005, COSEVCO nợ 4.143 tỷ (gấp 31,8 lần vốn chủ sở hữu !), nợ bảo lãnh cho các đơn vị thành viên 1.500 tỷ, lãi vay phải trả hàng năm lên tới 150 tỷ; việc quản lý lỏng lẻo dẫn đến giảm giá trị tài sản (thực chất là để mất vốn) trên 360 tỷ đồng, trong đó có tới trên 277 tỷ tiền vay không khớp đúng về tỷ giá với ngân hàng...
Nhưng ngạc nhiên là vẫn không ai “đụng” đến được ông, ngược lại có tới 2 vị Chủ tịch HĐQT, 3 Phó TGĐ, nhiều GĐ các đơn vị thành viên cùng nhiều cán bộ thẳng thắn, tâm huyết bị buộc phải ra đi, mà nạn nhân gần nhất là TGĐ Ngô Khiết.
Có một thời gian từ khoảng cuối năm 2003, do có quá nhiều đơn thư tố cáo, Thanh tra Bộ Xây dựng đã vào kiểm tra một vài đơn vị, rồi kết luận “lỗ 14 tỷ”, sau đó Bộ ra quyết định cảnh cáo cho thôi chức Chủ tịch HĐQT xuống làm TGĐ đối với ông Đính.
Nhưng ông Nguyễn Công Huấn - người thay thế làm Chủ tịch HĐQT sau đó ít tháng cũng “được” cho nghỉ hưu sớm, vì đã thẳng thắn phản ánh sai phạm của ông Đính.
Tháng 3/2004, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Xây dựng) Phạm Hữu Minh được điều vào làm Chủ tịch HĐQT. Phát hiện những dấu hiệu không bình thường tại COSEVCO, ông Minh yêu cầu TGĐ Đính giải trình hàng loạt những dự án đầu tư không hiệu quả, thua lỗ.
Chưa kịp “được” ông Đính giải trình, ông Minh đã bất ngờ bị Bộ Xây dựng rút về làm Vụ phó Vụ Xây lắp, sau đó đành phải xin nghỉ chuyển qua ngành khác. Một vị Thứ trưởng của Bộ được điều vào vài tháng, sau đó lại rút ra, để rồi sau đó ông Trần Xuân Đính lại tái hồi vị trí Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐQT.
Tháng 11/2005, KTS Ngô Khiết được bổ nhiệm làm TGĐ COSEVCO. Sau nhiều cố gắng, công tác SXKD dần lấy lại sinh khí mới, các ngân hàng bắt đầu nối lại làm ăn với COSEVCO sau thời gian dài “bất hợp tác”.
Nhưng đến tháng 8/2007, ông Trần Xuân Đính đã lấy tư cách Chủ tịch HĐQT mà không thông qua thường vụ cũng như cấp trên, ký văn bản miễn nhiệm chức TGĐ của ông Khiết với lý do “không hoàn thành nhiệm vụ”, nhưng thực chất chỉ vì vị TGĐ này thẳng thắn, không chấp nhận những việc làm sai trái của ông Đính. Giọt nước tràn ly, khiến 3 Phó TGĐ COSEVCO tuyên bố sẽ nghỉ việc!
Tuy nhiên, Bộ chủ quản lại chấp nhận việc làm sai quy trình của Trần Xuân Đính, kể cả việc ông Đính bổ nhiệm một “cánh hẩu” là ông Phan Văn Chung làm Q.TGĐ, bất kể thời điểm đó đơn vị của ông này (là Nhà máy sản xuất vật liệu nhôm tại Khánh Hòa thuộc COSEVCO do ông Chung làm GĐ) đang nằm trong danh sách thanh tra của Thanh tra Chính phủ! Tại địa phương nơi COSEVCO đứng chân, có vị quan chức còn ra mặt chỉ trích báo chí vì đã đăng tin bài phê phán ông Trần Xuân Đính...
Sự lộng hành ẩn dưới hai chữ “quyết đoán”
Nhà máy gỗ MDF – Quảng Trị một dự án của Cosevco vượt dự toán lên hàng trăm tỷ đồng |
Ào ạt lập dự án, mở công trình, ký kết hợp đồng mua bán hàng trăm tỷ đồng để kiếm lợi trong khi trong tay không có đồng vốn, bất chấp tất cả, phớt lờ tập thể lãnh đạo, đó là vỏ bọc “quyết đoán, dám nghĩ dám làm” của Trần Xuân Đính, để lại món nợ khổng lồ cho nhà nước.
Như dự án Nhà máy cán thép tại Đông Hà - Quảng Trị do ông Đính dựng lên từ năm 2002 với vốn đầu tư trên 254,499 tỷ đồng (được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân phê duyệt), mà trong tay không có đồng bạc. Việc đầu tiên của ông Đính là dành phần ký kết hợp đồng ngoại, đặt cọc 350.000 Euro (cho SIMAC Spa (Italia) để mua dây chuyền thiết bị nhập ngoại, trị giá hợp đồng 8.950.000 Euro).
Đến năm 2004, dù đang bị kỷ luật mất chức Chủ tịch HĐQT, nhưng ông Đính vẫn ngang nhiên phớt lờ cấp trên, đề nghị Bộ Xây dựng, và được điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án cán thép lên 309,8 tỷ đồng. Để rồi đến tháng 8/2006, qua... 7 đời Trưởng BQL dự án, dự án giờ là bãi đất không (đã bị tỉnh Quảng Trị thu hồi đất), sau khi đã tiêu tốn của nhà nước trên 16 tỷ đồng!
Đó chỉ là một trong hàng trăm dự án “liều” của ông Trần Xuân Đính mà báo chí đã đề cập. Chỉ xin thêm một ví dụ mới đây, đó là giữa năm 2007, có tờ báo đăng Bố cáo thành lập doanh nghiệp với tên gọi Cty CP Đầu tư thủy điện Miền Trung Việt Nam với 12 cổ đông sáng lập, do ông Trần Xuân Đính làm Chủ tịch HĐQT.
Cả COSEVCO đều “ngớ” ra, chưa nghe cái tên này bao giờ. Sau ông Đính mới giải thích, tiền thân của nó chính là Công ty CP thủy điện Khe Thời (thuộc Cty CP XD & SXVL xây dựng COSEVCO 1 tại Quảng Bình) mà HĐQT của COSEVCO đã bàn đến trước đó.
Còn TGĐ của Cty CP XD & SXVL xây dựng COSEVCO 1 chẳng ai xa lạ, chính là ông Trần Xuân Sơn, em ruột ông Đính! Trong khi vốn góp 3,5 tỷ đồng là của COSEVCO. Một thời gian dài, COSEVCO đã bị ông Trần Xuân Đính biến thành “công ty gia đình”, với hàng chục người là con, em ruột, họ hàng nắm giữ những chức vụ chủ chốt tại mọi Cty thành viên...
Tiền phong sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này trên các số báo tới.
Một nhà máy của Tcty Xây dựng miền Trung đã sai phạm tới hàng chục triệu euro Tại cuộc họp báo định kỳ của thanh tra Chính phủ, Tổng thanh tra Trần Văn Truyền cho biết: Cuộc thanh tra ở Tcty Xây dựng miền Trung có 3 nội dung, thì mỗi nội dung đã phát hiện sai phạm từ 3 – 5 tỷ đồng (sai phạm trong thu chi, sử dụng hóa đơn chứng từ có biểu hiện gian dối của văn phòng Tcty). Riêng sai phạm ở nhà máy xi măng thuộc Tcty này trong việc thanh toán bằng đồng euro chuyển đổi đã gây thiệt hại rất lớn, số tiền sai phạm hàng chục triệu euro (hàng trăm tỷ đồng). Các nội dung này TTCP chưa gửi văn bản kiến nghị sang cơ quan điều tra mà Cục chống tham nhũng của TTCP đã trực tiếp làm việc với cơ quan điều tra, sau đó hai hôm vừa qua diễn ra việc khởi tố lãnh đạo Tcty này như chúng ta đã biết. T.N |