>> Vì sao chưa thu hồi biệt thự ông Nghiên ở?
Biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa thường xuyên cửa đóng then cài từ vài tháng qua |
(Cách đây tròn 10 ngày, Thường trực Thành ủy Hà Nội cùng với Văn phòng Thành ủy, HĐND, UBND và Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội đứng ra tổ chức một cuộc gặp mặt đầy ý nghĩa. Vị khách mời đặc biệt của buổi gặp mặt là cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hoàng Văn Nghiên, người sẽ nghỉ hưu vào ngày 1/1/2008).
“Nếu có ý định lợi dụng tôi đã xử lý cho mình khi còn đương chức”!
Theo giãi bày của ông Hoàng Văn Nghiên, thì khi công tác tại ĐH Bách khoa Hà Nội ông được phân căn hộ 45m2 ở tầng 4 nhà K11B, và đã ký hợp đồng thuê nhà với Cty quản lý và phát triển nhà.
Trong thời kỳ các ông Phạm Thế Duyệt và Lê Xuân Tùng còn làm Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng có ý kiến với Văn phòng UBND TP bố trí chỗ ở khác cho ông Nghiên. Tuy nhiên, ông Hoàng Văn Nghiên chỉ cảm ơn mà không đề cập đến chuyện này.
Mãi đến năm 2001, Ban cán sự Đảng Ủy ban (khi đó ông Nghiên là Chủ tịch UBND TP Hà Nội) có nêu lại chuyện đó cùng với vấn đề nhà ông Trần Văn Tuấn (khi đó là Phó Bí thư Thành ủy) và ông Phan Văn Vượng (khi đó là Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội) rồi báo cáo Thường trực Thành ủy cho ý kiến. Theo đó, ông Nghiên trả lại nhà ở Bách khoa và được thuê nhà 12 Nguyễn Chế Nghĩa, khi đó đang bỏ trống, không có người ở.
Giữa năm 2006, trong lúc đang đi công tác, ông Hoàng Văn Nghiên nhận được thông báo từ gia đình là Cty kinh doanh nhà gửi thông báo đến gia đình về thời hạn bán nhà theo NĐ 61. Nếu gia đình muốn mua thì phải gửi đơn đến Cty. Còn mua hay thuê như thế nào, chế độ gì, giá cả cao thấp ra sao Cty sẽ xin ý kiến cấp trên...
Trong phát biểu của mình, ông Nghiên bức xúc trước việc từ Văn phòng UBND thành phố Hà Nội tung ra dư luận “bôi nhọ” ông trước công luận như một việc làm lợi dụng chức quyền để mua nhà rẻ của thành phố (?).
“Phải nói ngay nếu có ý định lợi dụng như vậy, tôi đã xử lý cho mình ngay lúc đương chức, đương quyền chứ sao lại để tới lúc trở thành dân thường mới xin làm theo chế độ chính sách thuê hoặc mua như mọi người dân khác”- Ông Nghiên nói trong phát biểu.
Cũng trong phát biểu của mình, ông Nghiên còn trích dẫn ý kiến của lãnh đạo thành phố cũng như tiến trình xử lý vụ việc cho đến đỉnh điểm là việc ra thông báo 225 ngày 5/10/2006 của UBND TP Hà Nội (nội dung thông báo này đã được chúng tôi thông tin tại số báo trước).
Thông báo 225: vi phạm pháp luật (?)
Ông Nguyễn Trọng Lễ, Phó Chánh Văn phòng UBNDTP Hà Nội (người ký thông báo 225): Đây là thông báo của UBND TP Hà Nội Trao đổi với phóng viên Tiền phong, ông Lễ khẳng định: Thông báo 225 ngày 5/10/2006 là thông báo của UBND TP Hà Nội. Về việc ông ký tên tại thông báo là thừa lệnh UBND TP Hà Nội. Về hiệu lực của Thông báo này, ông Lễ cho biết: Thông báo 225 có giá trị thực hiện vì trước khi ra thông báo UBND TP Hà Nội đã xin ý kiến thường trực Thành ủy Hà Nội và Thường trực UBND TP và đó là ý chí của tập thể Ủy ban chứ không của riêng cá nhân ai”. |
Tại buổi gặp mặt, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội dành đến 4 trang A4 để phân tích về Thông báo số 225. Trước hết, theo ông Nghiên “Thông báo 225 không phải là văn quy phạm pháp luật nên không có giá trị trước pháp luật”.
Về thể thức văn bản, ông Nghiên cho rằng Văn bản này không biết là của UBND TP Hà Nội hay văn bản của Văn phòng UBND TP Hà Nội?
Vì lẽ đó, đây là sự không minh bạch hành chính. Cũng theo nhận định của ông Nghiên thì văn bản này gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, trong đó có việc “làm tổn hại cho người khác về danh dự, tinh thần và vật chất mà không ai chịu trách nhiệm, không một ai nhân danh cơ quan nào phát ngôn sự việc”!
“Nói tóm lại, Thông báo 225 sai về thể thức văn bản và trách nhiệm hành chính nên tự nó đã vô hiệu trước pháp luật và bất khả thi, đó cũng là sai lầm do thiếu hiểu biết về luật, về thủ tục hành chính trong quản lý nhà nước dẫn tới những hành vi vi phạm pháp luật...” – Ông Nghiên nhận định.
Đặc biệt, trong bài phát biểu của mình, ông Hoàng Văn Nghiên đi sâu phân tích 4 nội dung mà ông cho là “sai trái” của thông báo 225 một cách rất chi tiết. Cái “sai” thứ nhất là sự “đùn đẩy, phủi trách nhiệm” của lãnh đạo UBND TP Hà Nội khi cho rằng các cơ quan chức năng chưa kịp thời báo cáo lãnh đạo thành phố (về việc bán nhà 12 Nguyễn Chế Nghĩa) để xin chủ trương giải quyết.
Nếu vậy thì làm sao lại có “công thư”? (Phó Chánh văn phòng UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Lễ ký công thư gửi Giám đốc Sở TN-MT&NĐ Hà Nội về việc bán biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa cho ông Hoàng Văn Nghiên).
Ông Hoàng Văn Nghiên cũng cho rằng thông báo nêu: “Thành phố không có chủ trương bán nhà theo NĐ 61 tại số 12 Nguyễn Chế Nghĩa và 52 Tuệ Tĩnh” là sự xuyên tạc chủ trương của thành phố. Vì nhà 12 Nguyễn Chế Nghĩa và 52 Tuệ Tĩnh không nằm trong danh sách nhà không được bán...
Điểm thứ ba được cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề cập là thông báo nêu “Thành phố sẽ thu hồi...” là sai vì Thành phố có giao nhà đâu mà “thu hồi”. Điều này một lần nữa khẳng định thông báo chỉ là sự mạo danh UBND TP làm mất uy tín UBND TP (?)... Hơn thế thông báo còn gửi “nhầm địa chỉ” khi gửi đến ông-người thuê nhà...
Sau khi “mổ xẻ” Thông báo 225, ông Hoàng Văn Nghiên kết luận: “Những sai lầm như đã nói ở trên đã gây tổn hại ghê gớm cho người bị nó xúc phạm, dù đó là dân thường, cán bộ, hay công chức... Nó làm rối loạn xã hội, làm mất uy tín sự nghiêm minh của cơ quan quản lý nhà nước và cũng tự vô hiệu chính nó, những văn bản như thế này đã gây bao đau khổ cho người dân...”.
Vì lẽ đó, Ông Nghiên đề nghị Thành phố Hà Nội nên hủy Thông báo 225, xử lý những sai phạm nêu trên, khôi phục uy tín UBND TP, gặp gỡ chia sẻ, thông cảm, trao đổi với người “bị hại”, khắc phục hậu quả có lý, có tình... (!?)
Tuy nhiên, ông Nghiên lại không đề cập giải pháp nào khả dĩ cho cả UBND TP Hà Nội và cá nhân ông trong vụ việc “Biệt thự 12 Nguyên Chế Nghĩa”!