Chất lượng tiến sĩ : Đáng buồn !

Chất lượng tiến sĩ : Đáng buồn !
TPO - "Chúng tôi kêu gọi những ai không định nghiên cứu để có cái mới của khoa học, xin đừng làm tiến sĩ, đừng lãng phí thời gian của mình và người khác”. Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân thẳng thắn phát biểu trong phiên chất vấn QH chiều nay.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT dẫn ví dụ, ông từng hỏi lãnh đạo một trường đại học uy tín rằng, “luận văn tiến sỹ của trường có yêu cầu phải mới về khoa học không?

Thầy hiệu trưởng trả lời rằng không, vì khoa học này quốc tế người ta làm hết rồi, chúng ta không làm mới khoa học được”.

Chiều nay, 16/11, Phó thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân là người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn quốc hội.

Sau khi lắng nghe Bộ trưởng báo cáo một số vấn đề nổi cộm của giáo dục, đào tạo, các đại biểu Quốc hội đã tập trung chất vấn hai vấn đề: chất lượng giáo dục và xã hội hóa giáo dục.

Bức xúc về tình trạng “tiến sĩ giấy” hiện nay, đại biểu Đặng Văn Khanh (Hà Nội) đặt câu hỏi: Năm 2006 có bao nhiêu luận án tiến sĩ áp dụng được vào thực tế? Chất lượng bằng tiến sĩ hiện nay như thế nào?

“Tôi là một nhà giáo, cũng từng hướng dẫn nghiên cứu sinh và đã ngồi nhiều hội động nghiên cứu sinh. Nhiều lúc rất buồn vì thấy chất lượng luận văn không có cái mới về khoa học” - Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân bộc bạch.

Theo ông Nhân, nguyên tắc quốc tế đòi hỏi làm luận văn tiến sĩ phải đăng được báo quốc tế, mà muốn vậy thì công trình phải đáp ứng được tiêu chí tính mới trong khoa học. Tuy nhiên, chúng ta chưa chú ý đến việc này.

Ông Nhân cho biết, từng yêu cầu mỗi luận văn tiến sĩ có một trang ghi tính mới của khoa học trong tổng số hàng trăm trang viết, nhưng nhiều luận văn không nêu được.

“Sắp tới chúng ta sẽ khắt khe với việc này. Chúng tôi cũng kêu gọi những ai không định nghiên cứu để có cái mới của khoa học, xin đừng làm tiến sĩ, đừng lãng phí thời gian của mình và người khác” - Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Người đứng đầu ngành giáo dục cũng cho biết: “Bộ đang soạn quy chế đào tạo tiến sĩ mới, tháng 12 trình thủ tướng. Quy chế đào tạo tiến sĩ mới nêu rõ: Luận văn tiến sĩ phải có tính mới về khoa học, không có là không làm được”.

80% người biên soạn sách giáo khoa không dạy phổ thông !

Chất lượng tiến sĩ : Đáng buồn ! ảnh 1
Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân.

Quan tâm đến SGK, đại biểu Đặng Văn Khanh (Hà Nội) “mở màn”: Bộ trưởng suy nghĩ gì khi đại đa số ý kiến cử tri phản ánh SGK không phù hợp? Ông Khanh cho rằng, ngoài việc “không phù hợp” cả về mặt ngữ nghĩa, việc in sách giáo khoa hiện nay cũng không phù hợp với thực tế, chỉ sử dụng được một năm là bỏ đi.

Chia sẻ quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Lân Dũng (ĐăK Lắc) lập luận: Bộ trưởng nói trong kỳ họp trước của Quốc hội khóa XI là chương trình hiện nay tốt và có thể ổn định trong nhiều năm. Nhưng nhiều nhà khoa học, giáo viên, học sinh nhận xét chương trình này không phù hợp với chương trình phổ thông của nhiều nước khác. Do đó, có nghịch lý vừa nặng nhưng lại vừa thấp.

Từ đó, ông Dũng đề xuất: “Bộ trưởng có đồng ý tổ chức một cuộc đối thoại dân chủ với các đại biểu Quốc hội quan tâm đến giáo dục, để trả lời riêng một câu hỏi vì sao chúng ta không thể sử dụng một chương trình phổ biến trên thế giới để hội nhập nhiều hơn với tình hình giáo dục thế giới?”.

Ngoài ra, đại biểu Dũng còn hỏi "có cho phép nhiều bộ sách giáo khoa giống như hầu hết các nước khác để cho thầy, trò và phụ huynh học sinh có thể lựa chọn?”.

Trong phần trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, đội ngũ biên soạn SGK là những nhà khoa học có uy tín trong ngành. Tuy nhiên, “có một vấn đề là 80% những người tham gia biên soạn sách này ở thời điểm biên soạn không dạy phổ thông nên có thể có nguy cơ những nội dung đưa vào chưa phù hợp”.

Người đứng đầu ngành giáo dục cũng nêu một thực tế, theo quy trình, trước khi sách giáo khoa được sử dụng đại trà, phải được dạy thử ít nhất từ một đến hai năm. Trong quá trình “chạy” thử này, đôi khi người dạy lại không dám phản biện sách của thầy mình biên soạn nên có thể còn chỗ chưa phù hợp.

Mặc dù vậy, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định, việc báo chí nêu hệ thống sách giáo khoa không bình thường, học một năm rồi bỏ là không chính xác. “Vừa qua, chúng ta thay sách từ lớp 1 đến lớp 12. Nếu lớp 1 thay sách mới thì sách cũ không dùng được nữa, nhưng sang năm, sách lớp 1 đó vẫn dùng bình thường. Chúng ta không hề mỗi năm thay sách một lần”.

Đề xuất phương án khắc phục bài toán này, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, “có chủ trương tổ chức Hội nghị hàng năm về SGK để lấy ý kiến phản hồi”. Cùng với đó, Viện Chiến lược cũng đang tiến hành đánh giá toàn diện sách giáo khoa mới.

Học sinh trượt tốt nghiệp nhiều là lỗi của ngành

Thắc mắc về việc chỉ áp dụng thi tốt nghiệp THPT lần hai đến năm 2009, đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) chất vấn: Quyết định áp dụng thi tốt nghiệp lần 2 có tính đổi mới trong thi cử? Nếu là đổi mới thì tại sao lại chấm dứt vào năm 2009?

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, đây là giải pháp tình thế chứ không phải chiến lược lâu dài. Ông Nhân lập luận, do nhiều năm chưa chú trọng đúng mức đến chất lượng giáo dục nên năm vừa qua, chỉ có 66,7% học sinh thi đỗ tốt nghiệp THPT. Như vậy, gần 1/3 học sinh thi trượt.

“Việc học sinh thi trượt như vậy là lỗi của ngành, thầy cô giáo. Chúng tôi xin nhận trách nhiệm trước phụ huynh và xin chính phủ cho ôn trong hè 8 tuần để các em thi lại”.

Bộ trưởng cũng khẳng định, chỉ kéo dài đợt thi tốt nghiệp THPT lần hai đến hết năm 2009 để khắc phục những hậu quả từ những năm trước.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG