Trong lúc thiên tai ập đến nhanh, gây thiệt hại ngay lập tức, thì phản ứng của chính quyền địa phương lại quá chậm.
Điển hình tại tỉnh Quảng Bình, nơi thiệt hại nặng nhất, ông Nguyễn Ngọc Giai, Chánh Văn phòng Ủy ban Phòng chống lụt bão Quảng Bình, cho biết: “Phải nói là bất ngờ và thiếu thông tin. Phương tiện cứu hộ hạn chế; đường bộ thì bất lực hoàn toàn do tắc; xuồng thuyền không đủ để đáp ứng”.
Trong lúc mưa lũ lên đỉnh, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình thúc thủ ở TP Đồng Hới. Huyện Quảng Trạch bị ngập 16 xã, có nơi ngập trên 3 m, Chủ tịch UBND huyện nói: “Mưa to gió lớn không thể làm gì được, đã có phương án 4 tại chỗ, xã sẽ lo liệu”. Sáng 6-10, PV Tiền Phong có mặt tại trụ sở xã Quảng Minh, không một bóng người. Lãnh đạo xã đều ở nhà vì mưa to nên không đến được trụ sở.
Tỉnh Quảng Bình đề nghị 15 tàu cao tốc và xe lội nước nhưng không thấy bóng dáng. Đề nghị chi viện hai chiếc trực thăng để tiếp tế cho hàng vạn người đang bơ vơ giữa biển nước, đề nghị buổi sáng, cuối chiều có nhưng một chiếc thiếu xăng, chỉ chở vài vị lãnh đạo tỉnh thị sát một vòng. Chiếc khác chở mì tôm thả giữa gió to, nhiều thùng rơi giữa đồng nước, bể tung tóe.
Cứu hộ cứu nạn như thế là quá chậm và ít hiệu quả. Cứu hộ cứu nạn trong thiên tai cũng như khi địch họa, có một nguyên tắc tối thượng là không trông chờ, ỷ lại mà phải khẩn trương, quyết liệt bằng mọi cách và mọi phương tiện trong tay. Công tác này chậm, phải chăng đã khiến số người chết, bị thương, mất tích tăng?
Thiệt hại sẽ chưa dừng lại. Khắc phục ngay lề thói chậm chạp trong cứu hộ cứu nạn phải đặt ra nghiêm túc trong lúc này.