Bức bối chỗ gửi xe

Người dân nháo nhác tìm nơi gửi xe khi hết chỗ gửi tại đường Triệu Quốc Đạt
Người dân nháo nhác tìm nơi gửi xe khi hết chỗ gửi tại đường Triệu Quốc Đạt
TP - Quyết định của SGTVT Hà Nội về việc cấm các bãi trông giữ xe tại 262 tuyến phố ở 9 quận Hà Nội đang gây trở ngại rất lớn cho người dân, nhất là người các tỉnh lân cận khi về Hà Nội khám, chữa bệnh.

> “Trả lại tên” cho các bãi đỗ xe

Đi khám bệnh, chẳng biết gửi xe ở đâu

Tại Bệnh viện Mắt Trung ương, một trong những tuyến phố cấm ở đường Bà Triệu, hàng nghìn lượt xe vẫn thi nhau gửi trước cổng bệnh viện mỗi ngày.

Trước đây không cấm, tình trạng gửi xe đã khó khăn nay có lệnh cấm, càng thêm nan giải. Theo quan sát của PV, những người đến bệnh viện để khám đều ngỡ ngàng vì bãi gửi xe của bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải.

Nhiều người mệt mỏi tìm nơi gửi xe nhưng không có. Có người phải đi lòng vòng để đợi hoặc cố gắng đứng xếp hàng chờ tới lượt. Đến khi mệt mỏi vì không có chỗ gửi xe đành phải bỏ ra về.

Cụ Hoàng Long Giang, quê Nam Định cho biết, khi đến bệnh viện Mắt Trung ương, cụ và con trai đã phải vòng đi vòng lại nhưng không biết gửi xe ở đâu để vào khám.

“Gửi xe trong bệnh viện không còn chỗ, đứng dưới lòng đường lại bị bảo vệ đuổi, chúng tôi từ xa lên đây nên không biết phải làm sao”- cụ Giang bức xúc.

Chị Trang ở Hoàng Mai đưa con trai đi khám mắt nhưng đứng đợi cả tiếng đồng hồ để tới lượt gửi xe mà không có chỗ.

Chị Trang cho biết: “Hai mẹ con lặn lội đến viện từ sáng sớm nhưng đi hết buổi mà vẫn chưa vào tới được cổng viện”.

Theo quan sát của PV, vì khan hiếm chỗ gửi xe nên các bãi xe tư nhân ra sức chặt chém khách.

Chị Mai ở Phúc Xá, Ba Đình đi khám tại Bệnh viện Mắt Trung ương vì có người quen nên dễ dàng tìm được chỗ gửi nhưng phí một lần gửi là 30.000 đồng. “Đây còn là giá hữu nghị vì có người quen, người khác phải mất 50.000 đồng” - chị Mai cho biết.

Nhiều người không tìm được nơi gửi xe, nghe xe ôm mách, mang xe ra Bến xe Giáp Bát gửi rồi mới đi xe buýt đến viện để khám.

Tại Bệnh viện K, Phụ sản Trung ương, tình trạng không có chỗ gửi xe cũng tương tự. Các bãi đỗ xe phục vụ hai bệnh viện này nằm trên phố Hai Bà Trưng, Triệu Quốc Đạt, mỗi sáng tập trung hàng nghìn xe của các bệnh nhân ở hai bệnh viện nên luôn trong tình trạng thiếu chỗ.

Chị Thủy, nhân viên trông giữ xe của Công ty cổ phần 901 cho biết, mỗi ngày, trông giữ khoảng 700 đến 800 lượt xe, nhu cầu luôn vượt gấp nhiều lần khả năng đáp ứng của điểm trông giữ.

Đa số người gửi xe ở đây đều là bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân từ các tỉnh đến. “Tình trạng thiếu chỗ gửi xe thì luôn tiếp diễn, có những người đi lại 4 - 5 vòng mà vẫn không tìm được chỗ gửi xe” - chị Thúy cho biết.

Sẽ lập các điểm gửi xe tập trung

Nhiều tuyến phố khác nằm trong danh sách cấm nhưng hiện nay vẫn đang hoạt động, đặc biệt là về đêm.

Điển hình như: Đinh Tiên Hoàng, Tràng Tiền, Cầu Giấy, Nguyễn Chí Thanh, Lê Trọng Tấn… xe con đậu trên hè phố và thậm chí lấn hết cả lòng đường. Anh Hiển lái xe taxi hãng Thế Kỷ cho biết, dù bị cấm nhưng vì ban đêm không tắc đường nên cánh lái xe đỗ để nghỉ ngơi.

Đại diện liên ngành GTVT – Công an Hà Nội cho biết, trước nhu cầu gửi xe của người dân ở các bệnh viện và một số địa điểm vui chơi, mua sắm, liên ngành vừa thống nhất với một số quận nghiên cứu, đề xuất một số điểm trông giữ xe tập trung với thành phố.

Cụ thể tại địa bàn quận Hai Bà Trưng bố trí 2 điểm để xe tại phố Bùi Thị Xuân (khu vực cổng sau Bệnh viện Mắt Trung ương) và trước rạp Bạch Mai trên phố Bạch Mai.

Quận Hoàn Kiếm 1 điểm tại khu vực vỉa hè trên phố Triệu Quốc Đạt (cổng bệnh viện Phụ sản Trung ương). Quận Ba Đình 3 điểm gồm phố Hoàng Hoa Thám, điểm trên đường Hoàng Văn Thụ và khu vực Phan Đình Phùng - Hàng Bún.

Quận Cầu Giấy 1 điểm trên hè phố Hoàng Quốc Việt (trước cổng Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh)…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
TPO - Công ty CP Acecook Việt Nam cho biết, trên nhiều trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… lừa đảo bằng cách giả dạng thông tin tuyển dụng, làm giả cả chữ ký của tổng giám đốc trên thông tin tuyển dụng rồi đưa vào các trường đại học tuyển ứng viên. Đối tượng lừa đảo yêu cầu ứng viên nộp tiền tuyển dụng vào tài khoản, từ 150.000 - 300.000 đồng/người.