> Nâng cao chất lượng cơ sở Đoàn
> Kỷ luật 104 đảng viên
Ông Đinh Xuân Thảo. |
Quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn đã có, nhưng cho đến nay tại QH chưa thấy thực hiện, thưa ông?
Luật Tổ chức QH, Luật Hoạt động giám sát của QH, Luật Tổ chức HĐND và UBND đã có quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Nhưng quy định mới dừng ở giám sát về trách nhiệm chính trị, chưa rõ trách nhiệm cá nhân. Trên thực tế, từ năm 2003 (khi có quy định này) đến nay chưa áp dụng bỏ phiếu một trường hợp nào. Điều đó cho thấy thực thi luật còn hạn chế và cơ chế cũng có những vấn đề. Để lấy phiếu tín nhiệm một vị bộ trưởng hay chức danh nào đó phải được ít nhất 20% ĐBQH đề nghị. Nhưng chính cơ chế này lại rất khó thực thi, do không một ai dám đứng ra kêu gọi, lấy chữ ký cho đủ 20%.
Và thứ hai, việc lấy phiếu chỉ được thực hiện khi được UBTVQH đề nghị ra QH. Do đó, cơ chế này chưa thật sự phát huy tác dụng phòng ngừa của nó, nhất là trong việc đề cao tinh thần trách nhiệm, lề lối làm việc của cán bộ lãnh đạo trước Đảng, trước nhân dân. Vì vậy, nghị quyết Trung ương 4 được đưa ra vào thời điểm này là rất cần thiết, kịp thời.
Theo tôi, tốt nhất nên qui định lấy phiếu tín nhiệm định kỳ (từ năm thứ hai trở đi) và lấy đồng loạt tất cả chức danh. Bởi vì nói ông này ông kia có “vấn đề” mới lấy cũng khó khách quan. Ví dụ, có một số bộ ngành áp lực nhiều, thường xuyên cọ xát với dân, có thể dư luận này nọ nhưng chưa hẳn ông bộ trưởng ngành đó làm việc kém hơn ông bộ trưởng ở ngành ít điều tiếng.
Ngoài ra, không chỉ các chức danh QH bầu, phê chuẩn mà hằng năm, ĐB dân cử cũng phải được đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mình. Anh là người do dân bầu ra, trước tiên cũng phải lấy phiếu tín nhiệm đối với anh chứ.
Như vậy, cần tháo gỡ từ chính quy định 20% ĐBQH đề nghị?
Theo quy định, nếu đủ 20% thì bắt buộc UBTVQH đưa ra QH để xem xét. Nhưng nếu chưa đến mức đó thì chỉ được đưa ra QH khi UBTVQH có ý kiến đề xuất. Tại nhiệm kỳ QH khóa XII có ý kiến đề nghị lấy phiếu tín nhiệm đối với Thủ tướng, mặc dù chỉ là thiểu số nhưng UBTVQH đã xem xét. Nhưng vì thấy chưa thật cần thiết phải lấy phiếu, cho nên UBTVQH đã không đưa ra QH xem xét.
Nhưng phải nhìn nhận tỷ lệ 20% thực ra không phản ánh cao hay thấp mà vấn đề ở cơ chế. Ví dụ, khi có ĐB phát hiện, nêu ra ý kiến lấy tín nhiệm một ai đó thì phải cho họ cơ chế thực hiện: Một là ĐB được quyền tự đi lấy ý kiến các ĐB khác; hoặc thứ hai, UBTVQH phải đứng ra trưng cầu ý kiến ĐBQH.
Có những trường hợp tôi thấy bức xúc, vị này không hoàn thành nhiệm vụ, vị kia có sai phạm phải lấy phiếu tín nhiệm, nhưng tôi nêu ra sẽ chẳng có ý nghĩa gì. Cho nên, phải cho tôi cơ chế, quy trình thực hiện, chứ như hiện nay mà mình đi vận động thì mình vi phạm, mình sai trước. Tốt nhất hãy quy định lấy tín nhiệm định kỳ hai năm một lần (năm thứ hai và năm cuối nhiệm kỳ) với các chức danh, trừ những trường hợp rõ ràng phải lấy tín nhiệm ngay.
Theo ông, nếu qua lấy phiếu tín nhiệm mà ngay năm thứ hai đã thấp thì xử lý ra sao?
Phải mạnh dạn bãi nhiệm hoặc cho chuyển vị trí khác. Còn cuối nhiệm kỳ, nếu phiếu thấp quá, anh sẽ không được tái cử nữa. Ở nhiều nước, người ta có văn hóa từ chức, đó cũng là chuyện rất bình thường, bởi người ta rất rõ trách nhiệm cá nhân (ví dụ Nhật Bản 5 năm 6 lần thay Thủ tướng). Vì vậy, sửa đổi Hiến pháp rất cần có quy định đề cao trách nhiệm cá nhân cả ở cấp trung ương lẫn địa phương. Khi đó, nếu có vụ việc xảy ra, thuộc ngành nào, địa phương nào thì lãnh đạo ở đó phải chịu trách nhiệm.
Chẳng hạn, để xảy ra tai nạn giao thông nhiều thì bộ trưởng giao thông sẽ nghĩ ngay đến trách nhiệm của mình, không làm tròn thì anh xin từ chức. Nhưng hiện chúng ta không quy rõ trách nhiệm cá nhân mà thường là trách nhiệm tập thể (chưa kể việc đó tôi báo cáo cấp trên rồi), vậy thì sao bộ trưởng phải từ chức?
Như vậy, ngoài chuyện văn hóa từ chức còn là chuyện cơ chế: Cơ chế đó có quy định cho người ta thực quyền, thực lực hay không? Ví dụ, thủ tướng là người bổ nhiệm thứ trưởng, nhưng lại không thể cách chức thứ trưởng. Nếu Thủ tướng thay thứ trưởng, bộ trưởng rồi mà tình hình vẫn không biến chuyển, đó là trách nhiệm Thủ tướng, nhưng Thủ tướng lại chẳng có quyền cách chức các ông đó, thì quyền đó là ở đâu chứ không phải của Thủ tướng. Và như vậy, sẽ không thể quy trách nhiệm cá nhân Thủ tướng.
Nghị quyết trung ương 4 nói rất rõ cần “hướng dẫn để sớm thực hiện quy định việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn”. Theo ông, QH cần phải làm gì?
Chúng ta đã có luật rồi, phải mạnh dạn làm rồi rút kinh nghiệm. Nhưng muốn làm được, trước tiên phải có những quy định cụ thể về quy trình, thủ tục, cách thức như thế nào để làm thực chất. Nếu làm mà không thực chất thì không làm còn hơn. Việc sớm thực hiện bỏ phiếu tín nhiệm những người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn sẽ càng tăng uy tín cho Đảng.
Những người có uy tín sẽ phấn khởi, còn người phiếu thấp thì lấy đó để tự nhìn nhận, không chủ quan, để phấn đấu tốt hơn. Kết quả lấy phiếu cũng nên công khai, còn nếu thấy bất tiện (có trường hợp làm tốt mà đánh giá không đúng do thông tin không đầy đủ, không khách quan) thì có thể chưa công bố. Ở đây, ĐBQH cũng phải đề cao trách nhiệm của mình.
Quy định về bỏ phiếu tín nhiệm vốn là quy định mang tính phòng ngừa, tức là trường hợp bất đắc dĩ cá nhân nào đó có vấn đề thì mới phải bỏ phiếu. Nhưng chúng tôi cho rằng, cần sửa quy định này để có thể thực hiện phổ biến, thường xuyên hơn. Bởi đây chính là công cụ, phương tiện để thực hiện giám sát quyền lực tối cao; là một kênh phản biện cho Đảng, giúp cho Đảng lựa chọn được những người ưu tú nhất.
Cảm ơn ông.
“Có những trường hợp tôi thấy bức xúc, vị này không hoàn thành nhiệm vụ, vị kia có sai phạm phải lấy phiếu tín nhiệm, nhưng mình tôi nêu ra sẽ chẳng có ý nghĩa gì. Cho nên, trong trường hợp đó, phải cho tôi cơ chế, quy trình để thực hiện, chứ như hiện nay mà mình đi vận động thì mình vi phạm, mình sai trước” – Viện trưởng Đinh Xuân Thảo. |
“Hướng dẫn để sớm thực hiện quy định việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Quy định việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm hằng năm đối với các chức danh lãnh đạo trong cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể. Những người hai năm liền tín nhiệm thấp, không hoàn thành nhiệm vụ cần được xem xét, cho thôi giữ chức vụ, không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác” – Nghị quyết T.Ư4 khóa XI. |
Nguyễn Tuấn (thực hiện)