Báo chí phải đi đến cùng

Báo chí phải đi đến cùng
TP - “Tổng Bí thư Lê Duẩn từng nói với tôi: Trung ương đã giao cho các anh làm thông tin, sao cái gì các anh cũng hỏi Bộ Chính trị là thế nào, quyền là ở các anh chứ. Thế là chúng tôi mạnh dạn làm”.

> Báo chí sát cánh cùng lực lượng biên phòng

Nhà báo Đỗ Phượng trao đổi với PV Tiền Phong nhân kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đảng về vai trò của báo chí trong xây dựng Đảng.

Nhà báo Đỗ Phượng
Nhà báo Đỗ Phượng.

Báo chí đi trước

Nhà báo Đỗ Phượng nói: Báo chí không phải là vai trò của người đi sau mà là vai trò của người đi trước. Đối với Bác Hồ, chuẩn bị lực lượng, chuẩn bị thông tin phải đi trước, có như vậy mới tập hợp, cổ vũ được quần chúng.

Như vậy là báo chí phải chủ động vào cuộc?

Mỗi khi Đảng có chủ trương, nghị quyết mới thì cần phải đưa báo chí vào cuộc, đó là sự hỗ trợ đắc lực, sự chuẩn bị dư luận tốt nhất để cho những nghị quyết đó đi vào cuộc sống. Báo chí không phải chỉ chờ chỉ đạo mà báo chí phải có những nỗ lực của riêng mình, phát hiện những tình hình thực tế đưa về cho trung ương.

Báo chí cần tìm những địa điểm nào bức xúc nhất, tiến vào đó. Khẩu hiệu làm báo của tôi là thế này: Đã đi là đi đến cùng, làm rõ vấn đề, và nếu cần đến thẳng cả Tổng Bí thư. Đấu tranh với Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa trước đây, tôi đưa bài báo đã đăng trên Tuần Tin Tức lên để Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đọc và nói rõ Bộ Chính trị hoặc là cách chức tôi hoặc là cách chức Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa. Mười ngày sau Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa bị cách chức Ủy viên Trung ương và Bí thư Tỉnh ủy.

Khi đó ông có chịu nhiều sức ép?

Hồi đó tôi cho ô tô đi đến Ninh Bình, nhờ thuyền chở vào Thanh Hóa. Lúc đó sức ép rất ghê, vì còn đụng đến cả Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đang là Bí thư Trung ương Đảng. Ông Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa còn ra Hà Nội họp báo và yêu cầu Báo Thanh Hóa đăng nhiều bài theo chỉ đạo của mình.

Để báo chí phát huy được vai trò của mình thì cần điều kiện gì thưa ông?

Phải tạo điều kiện cho báo chí đi vào những vấn đề nóng bỏng mà Trung ương quan tâm nhất. Hiện nay, có tình trạng không ít quan liêu, xa dân, nhiều vấn đề thiết thực với lợi ích của dân thì không giải quyết, đối với cả nước có thể nhỏ nhưng đối với từng xóm, từng gia đình, từng người dân thì không hề nhỏ. Nếu chúng ta chỉ nhìn cái lớn mà không nhìn những cái nhỏ này thì rất nguy hiểm.

Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 4 cũng đã chỉ rõ tình trạng mất uy tín, xa dân, cách biệt với dân và nhiều phiền hà. Báo chí thường không đi vào những cái cụ thể nhưng phải lựa chọn được những vụ việc tương đối điển hình để mà phản ảnh, tạo cơ sở để Trung ương xem xét.

Muốn xây dựng Đảng có hiệu quả thì dư luận báo chí là quan trọng, chỉ có điều chúng ta làm cái này một cách thận trọng, không tạo ra tác động tâm lý. Vai trò lãnh đạo của Đảng phải giữ, nhưng muốn ổn định vững chắc thì phải chỉnh đốn, phải làm mạnh, siết lại kỷ luật, kỷ cương.

Báo chí không phải chỉ chờ chỉ đạo mà phải có những nỗ lực của riêng mình. Ảnh: PV
Báo chí không phải chỉ chờ chỉ đạo mà phải có những nỗ lực của riêng mình. Ảnh: PV.

Lãnh đạo phải gần dân

Đảng muốn chỉnh đốn thì phải gần dân và phải bắt đầu từ tác phong, hanh động của người cán bộ lãnh đạo, thưa ông?

Hiện nay, nhiều cán bộ Đảng có biểu hiện đang xa dân, không gần dân và nhiều nơi, nhiều việc đang gây bất bình trong dân. Toàn chuyện nhỏ thôi nhưng tích tụ lại thì không phải là chuyện nhỏ nữa. Tôi đã nói trước các đồng chí lãnh đạo: Học tập Bác Hồ có cái dễ nhất cần học là tác phong gần dân, giản dị, sống với dân.

Tôi nhớ câu chuyện khi Tổng Bí thư Trường Chinh đến Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định, khi đến đồng chí Trường Chinh thấy khẩu hiệu “Nhiệt liệt chào mừng…” và bảo tôi nói với lãnh đạo tỉnh: “Nếu họ không bỏ dòng chữ kia xuống thì tôi về đây, tôi không vào nữa”. Nhưng hiện nay, đến mức độ còn có các khẩu hiệu “Nhiệt liệt hoan nghênh đồng chí thứ trưởng A, thứ trưởng B về thăm và làm việc…”.

Những khẩu hiệu đó đang làm Đảng xa dân, làm cho những người lãnh đạo ngày càng xa dân. Đi đâu cũng nhiệt liệt, hoan nghênh thế này thì quan cách quá, mà rồi gặp gỡ thì cũng chỉ gặp được những “quần chúng chuyên nghiệp”, những “cử tri chuyên nghiệp”, “đại biểu chuyên nghiệp” được chỉ định sẵn rồi, những người đó chỉ có vỗ tay thôi. Như thế thì làm sao mà gần dân được, làm sao mà nghe được tiếng nói khác, những tiếng nói trái chiều. Đó là sự thật.

Như vậy Đảng phải đổi mới ra sao, thưa ông?

Nghị quyết Hội nghị T.Ư 4 nói đầy đủ, không nên nói hơn nữa nhưng vấn đề bây giờ là thực hiện Nghị quyết này như thế nào. Làm những việc gì, làm từ đâu thì phải có định hướng, phải có những xử lý trách nhiệm rõ ràng, cụ thể cho dân tin. Bây giờ tôi nghĩ chúng ta đã nói đủ rồi, vấn đề là thực hiện như thế nào.

Việc thực hiện thì không chỉ trong một vài tháng, một hai năm mà phải thực hiện lâu dài và bền bỉ, nhưng ngay từ đầu phải công khai làm rõ trách nhiệm, xử lý trách nhiệm một số vụ điển hình tiêu cực cho người dân tin. Còn nếu không vẫn chỉ là Nghị quyết chung rồi xuống dưới lại ra những Nghị quyết gần giống như thế mà chẳng ai kiểm điểm, chẳng xử lý gì thì nguy.

Cám ơn ông.

Hà Nhân - Cao Nhật (thực hiện)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
TPO - Sáng nay 12/12, người dân TPHCM đón ngày mới trong thời tiết mát mẻ, nắng yếu nhưng sương mù tiếp tục bao phủ nhiều nơi. Tham khảo trên ứng dụng quan trắc không khí Air Visual cho thấy, nhiều khu vực tại TPHCM có điểm đo chất lượng không khí không tốt cho sức khỏe.