Gặp người Việt đánh trả cướp biển Somalia

Gặp người Việt đánh trả cướp biển Somalia
Năm chàng trai Nghệ An và Hà Tĩnh “lật ngược tình thế”, khiến bọn hải tặc Somalia khét tiếng phải tháo chạy thoát thân, gây xôn xao dư luận quốc tế, vừa về đến quê nhà đoàn tụ với gia đình cuối tháng 11.

Gặp người Việt đánh trả cướp biển Somalia

Năm chàng trai Nghệ An và Hà Tĩnh “lật ngược tình thế”, khiến bọn hải tặc Somalia khét tiếng phải tháo chạy thoát thân, gây xôn xao dư luận quốc tế, vừa về đến quê nhà đoàn tụ với gia đình cuối tháng 11.

Đó là các thuyền viên Nguyễn Văn Tiến (SN 1982), Nguyễn Văn Thủy (1991), Nguyễn Văn Tịnh (1984) đều ở xã Nghi Thiết, H.Nghi Lộc, Nghệ An và Dương Văn Mãi, Nguyễn Giang San, cùng ở huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh.

Thuyền viên Nguyễn Văn Tiến ngày đoàn tụ
Thuyền viên Nguyễn Văn Tiến ngày đoàn tụ. Ảnh: Thu Huyền (Thanh Niên)

Phút kinh hoàng

Theo lời kể của những người trong cuộc, con tàu đánh cá Chin Yi Wen của Đài Loan tải trọng 260 tấn mang theo 28 thuyền viên (chín người Trung Quốc, tám người Philippines, sáu người Indonesia và năm người Việt Nam), ra khơi đánh cá vào ngày 21 - 7. Sau hơn ba tháng lênh đênh trên biển, khoảng 22 giờ ngày 4 - 11, khi tàu đang thả câu ở khu vực gần đảo quốc Seychelles, cách thủ đô Mogadishu của Somalia khoảng 1.000 hải lý về phía đông nam, thì rơi vào tay một toán cướp biển.

“Tôi đang ở khoang máy thì thấy những người ở phía trên boong tàu nháo nhào chạy xuống, theo đó là nhiều tiếng súng nổ bên ngoài. Tôi gặng hỏi một thuyền viên người Trung Quốc thì anh này nói hình như cướp biển đang tấn công tàu. Ngay lúc đó, thuyền trưởng người Trung Quốc ra lệnh cho mọi người vứt bỏ lưới, câu và nhổ neo để tháo chạy nhưng không kịp. Chỉ vài ba phút sau, toán cướp biển đã xuất hiện trên một ca nô và dễ dàng khống chế được tàu. Chúng lên tàu, ra lệnh cho anh em chúng tôi lên hết trên boong tàu rồi lục soát, thu hết đồ đạc”, anh Nguyễn Văn Tiến nhớ lại.

Theo miêu tả của các anh, lúc đó sáu tên cướp biển đen trũi với sáu khẩu súng AK-47, nhiều quả lựu đạn đeo lủng lẳng bên hông làm các thuyền viên trên tàu Chin Yi Wen khiếp đảm.

Sau khi khống chế được tàu, chúng lùa toàn bộ thuyền viên về phòng ở của thuyền trưởng rồi canh chừng cẩn mật. Chúng bắt phải lái tàu đi theo hướng chúng yêu cầu, thỉnh thoảng lại dùng báng súng đánh vào mạng sườn các thủy thủ để uy hiếp.

“Suốt hai ngày sau đó, chúng chỉ cho anh em chúng tôi ăn mỗi ngày một bữa. Mọi hành động của chúng tôi bị chúng kiểm soát gắt gao”, thuyền viên Nguyễn Văn Thủy kể thêm.

Tự cứu mình

Lương 350 USD/tháng

Ngày 1-12, ông Vũ Đình Tuân, Trưởng phòng Đài Loan (Công ty XKLĐ Inmasco - Cienco 1) cho biết, sau khi về nước, các lao động đã báo cáo toàn bộ sự việc với công ty.

Trước mắt, trong thời gian tàu Chin Yi Wen sửa chữa hỏng hóc sau vụ bị cướp biển tấn công, chủ tàu cho các thuyền viên Việt Nam về quê hương nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng.

“Về lương bổng của các thuyền viên, theo như hợp đồng ký kết hai năm, mỗi thuyền viên được hưởng mức lương 350 USD/tháng. Chúng tôi đang yêu cầu công ty môi giới bên Đài Loan làm việc với chủ tàu để giải quyết trong thời gian sớm nhất" - ông Tuân nói.

Từng có gần bốn năm lao động trên các con tàu đánh cá của Đài Loan, Hàn Quốc, anh Nguyễn Văn Tiến đã có nhiều kinh nghiệm đi biển và nói rất thành thạo cả hai ngôn ngữ Trung và Hàn.

Đêm 5 - 11, khi bị bọn cướp nhốt vào phòng, anh Tiến nằm cạnh thuyền trưởng. Anh này thở dài tâm sự với Tiến về những ngày tháng khốn khổ mà cả 28 thuyền viên sẽ phải đối mặt khi thành tù nhân của những tay cướp biển khét tiếng này và nói: “Nếu không có cách tự giải phóng mình thì cũng khó sống nổi với bọn chúng”.

Anh Tiến nói bây giờ muốn tự cứu mình chỉ còn cách phải liều mạng với chúng. Rồi cả hai rỉ tai nhau bàn kế hoạch phản công bọn cướp.

Thuyền trưởng lúc này tiết lộ với anh Tiến rằng, phía dưới phòng họ bị nhốt có một cái hầm chứa thực phẩm khô và có sáu con dao còn mới mà bọn cướp chưa biết. Tiến nghe vậy thì rất mừng, nói phải khẩn trương thông báo với anh em để chuẩn bị phương án hành động. Ngay sau đó, Tiến liền rỉ tai cho những thuyền viên khác biết ý định của mình và thuyền trưởng.

Đêm đó, lợi dụng lúc những tên cướp lơi lỏng, các thuyền viên lén lấy được sáu con dao dưới khoang hầm, giấu ở đầu giường để chờ thời cơ. Sáng hôm sau, 6 - 11, hai tên cướp đi ngủ, ba tên khác ôm súng đứng canh chừng, tên còn lại xuống khoang máy giám sát thuyền trưởng và máy trưởng bơm dầu.

Chiếc máy lạnh tại phòng vừa bị hư, nóng nực. Tiến lợi dụng cơ hội, xin cho ra ngoài một chút để bớt nóng và được chúng đồng ý. Cơ hội hành động đã đến khi một tên cướp bỏ vị trí để đi vệ sinh. Các thuyền viên ra hiệu cho nhau, bất ngờ cùng lấy dao tấn công lại hai tên cướp đang ôm súng đứng canh chừng. Những thuyền viên khác cũng vội vàng đồng loạt lao vào tấn công hai tên cướp đang ngủ và tên đang đi vệ sinh.

Bị phản công bất ngờ, bọn cướp đã không kịp trở tay và chỉ trong khoảng vài phút, chúng đã bị các thuyền viên khống chế, tước vũ khí. Ở khoang dưới, thuyền trưởng và máy trưởng cũng đồng thời quật ngã tên cướp đi theo, tước được súng và đẩy hắn xuống biển. Năm tên cướp còn lại, sau khi bị phản công, đã sợ hãi nhảy xuống biển. Về phía các thuyền viên, ba người bị thương, trong đó có Nguyễn Văn Tiến bị thương nhẹ ở cánh tay.

Con tàu Chin Yi Wen được giải thoát. Thuyền trưởng sau đó đã gọi cho chủ tàu và được Cơ quan điều hành giao dịch hàng hải của Anh và lực lượng đặc nhiệm chống cướp biển của Tổ chức cứu trợ hải tặc quốc tế ra ứng cứu.

“Mừng quá, nó đã thắng và đã trở về”

Căn nhà nhỏ ở xóm Mới, xã Nghi Thiết - tổ ấm của vợ chồng anh Tiến những ngày sau đó luôn có người đến hỏi thăm tin tức về “anh hùng đánh cướp”.

Biết tin chồng bị rơi vào tay cướp biển và đã dũng cảm tự giải thoát, chị Nguyễn Thị Phượng, vợ anh Tiến, đứng ngồi không yên.

“Em chỉ nghe tin qua báo đài thôi. Đến công ty xuất khẩu lao động hỏi thì họ nói anh Tiến chỉ bị thương nhẹ, em không tin. Suốt hơn hai mươi ngày sau khi nghe tin, anh Tiến cũng không gọi điện về, em rất lo lắng vì sợ có chuyện không lành. Hôm anh về đến Hà Nội, gọi điện thông báo cho em, em không tin chồng mình đã trở về”, chị Phượng xúc động chia sẻ.

 Các thủy thủ chụp ảnh chung với lực lượng đặc nhiệm chống cướp biển (thủy thủ Nguyễn Văn Thủy bìa trái, thủy thủ Nguyễn Văn Tiến tay băng bó ngồi giữa)
Các thủy thủ chụp ảnh chung với lực lượng đặc nhiệm chống cướp biển  (thủy thủ NguyễnVăn Thủy bìa trái, thủy thủ Nguyễn Văn Tiến tay băng bó ngồi giữa). Ảnh: Thanh Niên

Người anh em họ với Tiến là Nguyễn Văn Thủy cũng là thuyền viên trên con tàu này và cùng đối mặt với bọn cướp biển khét tiếng. Nhà nghèo, bố mất sớm, anh Thủy phải bỏ học để đi xuất khẩu lao động. Nhưng chỉ mới lên tàu chưa đầy bốn tháng thì đã gặp cướp và nay phải trở về. Gặp lại con, bà Nguyễn Thị Liên, mẹ anh Thủy, mừng rơi nước mắt.

“Nghe tin nó đánh thắng cướp, tôi không dám tin và đêm không ngủ được vì lo lắng. Mừng quá, nó đã thắng và đã trở về”, bà Liên tự hào.

Theo Khánh Hoan - Thu Hằng
Thanh Niên

Chủ tàu Đài Loan cám ơn các thuyền viên

Hành động anh dũng của 5 thuyền viên VN đánh đuổi cướp biển được báo giới Đài Loan đặc biệt khen ngợi. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Đài Loan, thủy thủ đoàn bị cướp biển Somalia tấn công đã tự giải cứu thành công.

Chủ tàu Chin Yi Wen là ông Lưu Vạn Thiên đã gọi điện cám ơn các thuyền viên VN và hứa tưởng thưởng họ xứng đáng, theo hãng tin Trung ương xã Đài Loan (CNA). Đại diện Phòng Văn hóa và kinh tế Đài Bắc tại TP.HCM cũng không giấu sự khâm phục về tính gan dạ, dũng cảm và mưu trí của 5 người VN này.

Theo Ngọc Bi
Thanh Niên

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG