Hàng ngàn xe vi phạm sắp thành phế liệu

Hàng ngàn xe vi phạm sắp thành phế liệu
TP - Phương tiện của người vi phạm giao thông bị thu giữ bỏ lại ở Hà Nội ngày càng nhiều ở các bãi tập kết tạm. Cả ngàn chiếc xe đang có nguy cơ trở thành phế liệu.

Siết quản lý, tăng hình phạt để giảm tắc giao thông

Phương tiện bị thu giữ phơi mưa nắng ở điểm giữ xe Bồ Đề
Phương tiện bị thu giữ phơi mưa nắng ở điểm giữ xe Bồ Đề.

Xe vi phạm dần thành phế liệu

Bãi tập kết xe vi phạm tại phường Bồ Đề, quận Long Biên (Hà Nội) rộng hơn 3 héc- ta, đang bị quá tải do số lượng phương tiện vi phạm hằng ngày nhận về nhiều (khoảng 120 – 150 xe, trong khi số lượng phương tiện trả chỉ 30 – 40 chiếc). Rất nhiều người vi phạm đã bỏ lại cả phương tiện, nên bãi đỗ xe này ngày càng chật chội.

Ông Nguyễn Tiến Anh – Quản lý điểm tập kết xe vi phạm Bồ Đề, cho biết: “2 – 3 năm gần đây, phương tiện bị bỏ lại tại bãi trông giữ xe vi phạm gia tăng đột biến, chủ yếu là môtô, xe gắn máy, hiện đã lên tới hàng ngàn chiếc. Đây chủ yếu là xe vi phạm an toàn giao thông và xe trộm cắp. Xe để lâu không có người tới nhận, Ban quản lý phải xếp ra cả khu vực bờ hồ, không che mưa, che nắng nên cỏ dại mọc um tùm, quấn quanh thân xe, bánh xe…

Xe bị hư hỏng xót lắm, nhưng cũng chẳng biết làm sao để giải quyết (!?)”. Cũng theo ông Tiến Anh, đa số các phương tiện bị bỏ lại từ 3 năm trở về trước, hiện vành, bánh, khung xe đều bị gỉ, sét không thể sử dụng, nếu thanh lý chỉ có bán sắt vụn.

Mới đây, do bãi xe Bồ Đề bị quá tải, để lấy chỗ cho phương tiện mới tập kết về, Ban quản lý đã sử dụng cả cần cẩu để dồn phương tiện thành từng đống, cao 5 – 10m.

Giấy tờ xe cũng bỏ luôn

Tại Đội CSGT số 1 thuộc Phòng CSGT Công an HN, qua thống kê, mỗi tháng trung bình có ít nhất từ 100 – 200 trường hợp người vi phạm bỏ lại đăng ký phương tiện, giấy phép lái xe (GPLX), cao điểm có tháng lên tới 300 trường hợp.

Nguyên nhân người vi phạm an toàn giao thông bỏ lại GPLX không tới nộp phạt là do công tác quản lý vẫn có khá nhiều lỗ hổng. Cụ thể, khi bị tạm giữ GPLX mô tô, người vi phạm chỉ cần viết đơn trình báo mất và đóng gần 200.000 đồng lệ phí là có thể thi lại để được sát hạch cấp lại GPLX mới, mà không cần phải có xác nhận kiểm tra.

Còn với đăng ký phương tiện, theo Trung tá Nguyễn Văn Tòng - Đội trưởng Đội CSGT số 1 thì còn dễ dàng hơn nhiều. Chỉ cần thông báo mất, có xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú, sau đó chuyển về cho CSGT làm đăng ký lại, chỉ 3 – 4 ngày sau người vi phạm có thể nhận được đăng ký phương tiện mới.

Trung tá Tòng cho rằng, ngoài giữ đăng ký, GPLX, cần có chế tài tạm giữ cả phương tiện (môtô, xe gắn máy), như vậy mới buộc người vi phạm tới điểm xử phạt để giải quyết nộp phạt tránh thất thu.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG