> Kỹ sư Tạch sẵn sàng đầu quân cho Bộ Giao thông Vận tải
Giao thông, vấn nhức nhối được nhiều người dân quan tâm. Ảnh: Minh Đức |
Anh Lê Văn Tạch hiện là kỹ sư của công ty ô tô Toyota Việt Nam. Trong thư gửi Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, kỹ sư Tạch bày tỏ sự ủng hộ những việc làm gần đây của Bộ trưởng Đinh La Thăng trong nỗ lực làm giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.
Theo kỹ sư Tạch, chất lượng xe ô tô đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông. Về mặt lý thuyết, tất cả các xe ô tô tham gia giao thông, dù là xe mới hay cũ, đều phải đảm bảo đủ tiêu chuẩn kỹ thuật.
Kỹ Tạch cho rằng, việc đánh giá chất lượng xe ô tô do Cục Đăng Kiểm (Bộ Giao thông Vận tải) thực hiện, nhưng thực tế không được như quy định (nếu tách riêng xe mới và xe cũ, sẽ thấy rõ hơn việc này).
Hiện nay, hầu hết xe lắp ráp trong nước được trang bị những chức năng hỗ trợ an toàn rất nghèo nàn, có những dòng xe không có hệ thống hỗ trợ an toàn cơ bản, như hệ thống chống bó cứng phanh (ABS), túi khí. Xe lắp ráp ở Việt Nam hiện nay, tối đa chỉ có hai túi khí, trong khi, những chiếc xe tại Mỹ thường có sáu túi khí.
Kỹ sư Tạch viết: “thật vô lý khi một khách hàng Việt Nam phải bỏ ra số tiền gần gấp ba lần so với một người Mỹ cho một chiếc ô tô cùng chủng loại nhưng vẫn không có được các hệ thống hỗ trợ an toàn như bên Mỹ”.
Người này cho rằng, ở Việt Nam, do điều kiện đường còn nhiều hạn chế và ý thức của người tham gia giao thông chưa cao nên dễ xảy ra tai nạn. Do vậy, các hệ thống hỗ trợ an toàn là rất cần thiết, giúp giảm thiểu các vụ tại nạn và tăng khả năng sống sót cho những người bị nạn.
Mặt khác, vẫn theo kỹ sư Tạch, Cục Đăng Kiểm Việt Nam mới chỉ kiểm tra được 20 - 30% hạng mục kỹ thuật trên mỗi xe. Phần còn lại do công ty sản xuất phải tự chịu trách nhiệm với khách hàng. Điều này không khó hiểu bởi rất nhiều hạng mục kỹ thuật phải đảm bảo trong công đoạn sản xuất vì sau khi hoàn thiện xe, những hạng mục này rất khó kiểm tra.
Trong khi tại các nước có công nghệ tiên tiến như bên Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu... thường xuyên có các chiến dịch thu hồi để khắc phục những lỗi kỹ thuật để giảm nguy cơ gây tai nạn cho người sử dụng (năm 2009 và 2010, Tập đoàn Toyota phải thu hồi hơn chục triệu xe bị lỗi kỹ thuật trên toàn cầu), thì ở Việt Nam chưa hề có chuyện thu hồi xe bị lỗi kỹ thuật.
Ngoài những lý do trên, chất lượng mặt đường cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo an toàn giao thông. Tùy theo loại đường (đường đô thị, đường cao tốc…) mà yêu cầu hệ số ma sát mặt đường là khác nhau.
Với đường cao tốc, đòi hỏi hệ số ma sát của mặt đường phải lớn, vì khi đi trên đường cao tốc, tốc độ cao nên lực quán tính rất lớn khi phanh. Nếu hệ số ma sát mặt đường không đủ lớn để tăng lực ma sát giữa lốp xe với mặt đường thì các bánh xe dễ bị trượt trên mặt đường, làm mất kiểm soát và dễ gây tai nạn.
Tuy nhiên, khi đi trên đường có hệ số ma sát lớn sẽ làm tăng nhiệt độ của lốp xe, dẫn đến áp suất trong lốp xe càng lớn. Nếu lốp xe không tốt, có nguy cơ nổ lốp. Kỹ sư Tạch cho rằng, đây cũng chính là lý do hay nổ lốp trên đường cao tốc Sài Gòn- Trung Lương thời gian qua.
Cuối thư, kỹ sư Tạch mong muốn được trực tiếp trao đổi với Bộ trưởng Đinh La Thăng về nhiều vấn đề liên quan đến giao thông một cách chi tiết hơn.