> Phép màu cho giao thông Hà Nội?
> Sau bài: “Sẽ đổi giờ học, giờ làm”: Bạn đọc hiến kế
> Sẽ đổi giờ học, giờ làm để tránh tắc đường?
Đây là thông tin được ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT đưa ra tại cuộc họp giữa đại diện Bộ GTVT và các sở ngành về phương án đổi giờ làm việc của cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố sáng qua (25-10).
Mở đầu buổi họp ông Hùng cho biết, sau khi nhận được đề xuất của Bộ GTVT, thành phố đã có công văn hỏa tốc yêu cầu Sở GTVT chủ trì phối hợp với các sở ngành kiểm tra, khảo sát để tổng hợp đề xuất dự thảo trình thành phố trước ngày 25-10.
“Đề xuất trên được nghiên cứu chi tiết và dựa vào lịch sinh hoạt, làm việc, học tập theo quy luật sinh học của đối tượng HSSV và cán bộ viên chức. Tuy nhiên, muốn có sự thống nhất cao, cần có ý kiến của các cơ quan để Sở GTVT có cơ sở hoàn thiện dự thảo”, ông Hùng nhấn mạnh.
Tại cuộc họp, hầu hết các đại biểu đều tán thành với đề xuất đổi giờ. Tuy nhiên về đối tượng, nhiều đại biểu cho rằng, vẫn chưa sàng lọc hết. Theo ông Nguyễn Ngọc Việt, Trưởng Phòng Quản lý sở ngành (Sở Nội vụ), 3 nhóm đối tượng được đề xuất thay đổi giờ gồm HSSV và cán bộ công chức hưởng lương ngân sách là chưa đầy đủ. Hiện dân số Hà Nội là 6,5 triệu người, nhưng tổng số đối tượng mà Bộ GTVT đưa ra chỉ gần 2 triệu.
Đồng thuận quan điểm trên, ông Nguyễn Bá Lực - Phó phòng Chính sách Lao động (Sở Lao động Thương binh và Xã Hội) lưu ý về múi giờ.
Theo ông Lực, khoảng thời gian tan tầm giữa HSSV công chức lệch nhau khoảng 30 phút là quá ngắn. Với thời gian này nếu người tham gia giao thông ra đường chậm vài phút, hoặc gặp tuyến đường nhiều nút đèn giao thông thì tất cả lại gặp nhau ngoài đường. “Nên cân đối lại khoảng thời gian và ít nhất phải lệch 1 tiếng”, ông Lực nói.
Sở GTVT hoãn báo cáo
Theo nhiều đại biểu, đối tượng được điều chỉnh trong đề xuất của Bộ GTVT tập trung phần lớn ở các quận nội thành như Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng... Do đó trước mắt nên khoanh vùng khu vực này lại để thực hiện trước.
Ông Nguyễn Chí Dũng, Phó Trưởng phòng Trường học (Sở Giáo dục Đào tạo) cho rằng, ngoài các vấn đề trên, đơn vị thực hiện nên khoanh rõ vùng điều chỉnh đổi giờ cho dễ thực hiện. Với học sinh phổ thông việc điều chỉnh giờ không quan trọng bằng các đối tượng cơ quan nhà nước, sinh viên đại học. Bởi vì, hầu hết học sinh ở quận, huyện nào thì học ở quận huyện đó, số trái tuyến chỉ chiếm 12 đến 13%.
Trước các ý kiến, ông Hùng nói Sở GTVT sẽ ghi nhận. Theo ông Hùng, đưa ra quyết định này đồng nghĩa với việc đảo lộn đời sống người dân.
“Đây cũng là nguyên nhân khiến kế hoạch phải báo cáo dự thảo lên UBND thành phố theo yêu cầu (ngày 25-10) không thực hiện được. Sở GTVT sẽ nhận lỗi này và cố gắng hoàn chỉnh, trình dự thảo trong thời gian sớm nhất”, ông Hùng nói.