> Thủ tướng yêu cầu đánh giá đầu tư ngoài ngành của EVN
Giá điện luôn là mối quan tâm của người tiêu dùng. Ảnh: Hồng Vĩnh. Đồ họa: Lê Huy. |
Tăng để lấy tiền trả nợ
EVN đưa ra các phương án tăng giá điện khác nhau với mức tăng cao nhất là 13% và thấp nhất là trên 10%. Như vậy, nếu mức đề xuất tăng giá cao nhất được thông qua, giá điện sẽ từ 1.242 đồng/kWh hiện nay lên mức trên 1.403 đồng/kWh và EVN trong 2 tháng cuối năm sẽ có thêm nguồn thu khoảng hơn 2.000 tỷ đồng.
Trước đó, EVN cũng có đề xuất xin tăng giá điện từ 15-9 nhưng đã không được Bộ Công Thương thông qua dù các chi phí đầu vào (giá nhiên liệu, tỷ giá và giá điện) cho thấy có thể tăng giá điện ở mức vài phần trăm. Việc Tập đoàn tiếp tục có văn bản gửi Bộ Công Thương các phương án tăng giá điện được tính toán theo tinh thần ý kiến của Bộ trưởng Tài chính về việc không tăng giá điện liên tục.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Bỉnh Niệm, Ủy viên Hội đồng Thành viên EVN cho biết, theo tính toán của kiểm toán về giá thành ngành điện năm 2010 cho thấy giá điện năm 2011 phải ở mức 1.350 đồng/kWh thì ngành điện mới hòa vốn. Trong khi giá điện bình quân năm 2010 của EVN mới chỉ 1.068 đồng/kWh. Với mỗi kWh điện sản xuất, EVN bị lỗ gần 300 đồng.
Đến tháng 3 năm nay giá điện tăng thêm 15,28%, tương đương giá 1.242 đồng/kWh (đã bao gồm VAT). Mức tăng giá hồi tháng 3-2011 tuy lớn nhưng vẫn chưa bằng giá thành gốc của ngành điện. Với 100 tỷ kWh tiêu thụ trong năm nay thì số lỗ của ngành điện lên tới hàng nghìn tỷ đồng là đương nhiên.
Theo ông Niệm, nếu không cho điều chỉnh giá điện thì ngành điện không tìm đâu ra nguồn để bù đắp các khoản lỗ tích tụ từ năm ngoái đến nay cũng như không có tiền để trả nợ. Các khoản lỗ này của EVN đều do cơ chế và mọi người đều biết về các khoản lỗ này.
Theo tính toán, các khoản treo, chưa được tính vào giá điện hiện nay gồm 2 phần. Phần thứ nhất là các khoản lỗ của năm 2010. Trong phương án giá điện năm 2010 tính còn thiếu so với thực hiện thực tế của EVN trên 11.000 tỷ đồng. EVN năm 2010 lỗ trên 8.000 tỷ đồng.
Trong phương án giá điện 2011 cũng chưa được tính các khoản lỗ này do Cục Điều tiết Điện lực yêu cầu cần có kiểm toán. Tính đến 31-12-2010, riêng chênh lệch tỷ giá cũng làm EVN lỗ trên 17.000 tỷ đồng.
Lo ngại lạm phát tăng
Trao đổi với PV Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, cho biết Bộ sẽ trao đổi kỹ với Bộ Tài Chính để xem có quyết định cho điều chỉnh giá điện vào thời điểm tháng 11 như đề xuất của EVN hay không. Ông Vượng cho biết, Thủ tướng đã có ý kiến chỉ đạo từ năm 2012 trở đi sẽ kiên quyết điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường.
Về chỉ đạo của Thủ tướng liên quan đến việc Bộ Công Thương phải phối hợp Bộ Tài chính kiểm tra việc thực hiện phương án giá điện và đánh giá việc đầu tư ngoài ngành của EVN, theo Thứ trưởng Vượng, Bộ đã có văn bản yêu cầu EVN đánh giá, rà soát và báo cáo lại Bộ các khoản đầu tư ra ngoài.
Theo ông Nguyễn Bỉnh Niệm, hiện EVN đang trong quá trình thoái vốn ở nhiều lĩnh vực đầu tư ra bên ngoài và đã rút vốn khỏi nhiều đơn vị. Vừa rồi tập đoàn cũng lập kế hoạch thoái vốn khỏi Ngân hàng An Bình nhưng chưa tìm được người mua.
TS Vũ Đình Ánh, Viện Kinh tế - Tài chính, Bộ Tài chính cho rằng, trong bối cảnh lạm phát cao như hiện nay và việc tăng giá điện thực hiện vào cuối năm có thể kéo theo việc tăng giá dây chuyền của nhiều mặt hàng khác.
Đến nay, chưa có tính toán cụ thể nào về việc tăng giá điện khoảng 13% như mức đề xuất của EVN sẽ tác động thế nào với lạm phát. Vì vậy việc có cho phép tăng giá điện từ tháng 11 tới như đề xuất của EVN hay không phải cân nhắc rất kỹ lưỡng.
Vì sao Bộ Công Thương phải rút kinh nghiệm? Về ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ mới đây, yêu cầu Bộ Công Thương phải rút kinh nghiệm trong việc chưa bám sát ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng khi hướng dẫn giá bán điện năm 2010, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, cho biết: “Có thể do liên quan việc chưa công bố giá thành của các khâu phát điện trước khi thực hiện tăng giá bán. Đến giờ vẫn chưa công bố là do báo cáo kiểm toán của EVN mãi đến tháng 7 mới xong”. |