Sóng dữ 'cào' nhà dân lẫn resort

Quảng Nam - Nước biển ăn sâu vào thôn Trung Phương (Duy Hải - Duy Xuyên). Ảnh: N.T
Quảng Nam - Nước biển ăn sâu vào thôn Trung Phương (Duy Hải - Duy Xuyên). Ảnh: N.T
TP - Mùa mưa bão đến, nhiều nhà dân vùng sạt lở ven biển Bình Định và Quảng Nam, trong đó có cả khách sạn, resort cao cấp lại đối mặt sóng dữ.

> Bão, lũ làm 13 người chết, 5 người bị thương

Quảng Nam - Nước biển ăn sâu vào thôn Trung Phương (Duy Hải - Duy Xuyên). Ảnh: N.T
Quảng Nam - Nước biển ăn sâu vào thôn Trung Phương
(Duy Hải - Duy Xuyên). Ảnh: N.T.
 

Bình Định: Ôm mùng mền chạy sóng

Tại thôn Lý Hưng (xã Nhơn Lý - Quy Nhơn), một số hộ dân được chuyển đến từ thôn Lý Lương cùng xã để tránh sóng dữ. “Không ngờ đến chỗ ở mới vẫn phải ôm vợ con, mùng mền chạy sóng từng đêm” - anh Nguyễn Xuân Phương, thôn Lý Hưng nói.

Tại thôn Lý Lương, ngoài những nhà dân nằm kề sóng đã được chuyển đi nơi khác, số còn lại nằm phía sau nay ra mặt tiền, lại trở thành tấm lá chắn của sóng biển, thủy triều. Xã Nhơn Lý có hơn 2.000 hộ dân, thì diện phải di dời chiếm đến 1/3. Trong đó hơn 300 hộ thuộc diện di dời khẩn cấp. Nhưng mỗi mùa mưa bão, nước biển lại lấn sâu thêm vài mét.

Thống kê từ UBND xã: 20 năm lại đây biển lấn sâu vào đất liền gần 100 mét; 5 năm qua, mặt nước biển dâng cao gần 2m, nhiều lớp nhà bị triều cường đánh sụp. Chủ tịch UBND xã Nhơn Lý, ông Nguyễn Văn Long, nói: “Tuy xã đã được trung ương hỗ trợ 17 tỷ đồng xây dựng lại kè chắn sóng, nhưng hiện vẫn còn một nửa số hộ dân trong tình trạng âu lo mỗi khi mùa bão đến”.

Tuy nhiên, nguy cơ sạt lở cao phải kể đến vùng biển các xã Mỹ An (Phù Mỹ), Cát Khánh, Cát Tiến (Phù Cát), Hoài Hương, Hoài Hải (Hoài Nhơn). Ông Vũ Ngọc Chung, thôn Lý Hòa (Nhơn Lý) nói: “Chúng tôi sống mấy đời tại đây nên nắm rất rõ sự thay đổi về khí hậu vùng này. Mỗi năm sóng cuốn đi 3-5 lớp nhà, lốc từng lớp móng mỗi đêm khiến dân tình phải bỏ chạy”.

Ông Võ Thành Nhân, người dân địa phương, nói: “Ở đây có tiền cũng không dám dựng nhà đẹp. Trong xóm có mấy người xây nhà lầu, sóng cuốn đổ sụp dưới chân, khóc ròng vì xót của”.

Quảng Nam - Resort cũng không thoát

Thôn Trung Phượng (xã Duy Hải, Duy Xuyên – Quảng Nam) bị nước biển ăn sâu vào bờ hàng trăm mét. Nhà ông Bùi Văn Minh (tổ 2 thôn Trung Phượng, trước đây nằm cách bờ biển hơn 100m, nhưng nay chỉ còn chưa tới 5m.

Mặc dù gia đình ông Minh và nhiều hộ sống ven biển Duy Hải đã có đất tái định cư, nhưng với mức hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ, nên việc di dời là không thể.

Trong khi đó, dự án kè An Lương với tổng kinh phí 35 tỷ đồng, đã kết thúc giai đoạn 1 với số tiền bỏ ra là 13 tỷ đồng. Việc khắc phục sự cố sạt lở tuyến kè này cũng vừa hoàn thành. Nhưng còn 1km kè An Lương qua thôn Trung Phượng, cùng âu thuyền cho tàu cá neo đậu cũng bị bỏ dở. Mỗi năm, tại đoạn này, xói lở lấn sâu vào đất liền từ 100 - 200m trong đó có nhiều diện tích đất sản xuất.

Ông Võ Văn Toan, chủ tịch UBND xã Duy Hải cho biết: “Mỗi lần bão lũ, xã chỉ còn cách kêu gọi di dân dời khẩn cấp để bảo toàn tính mạng. Chưa biết bao giờ dự án kè An Lương mới được tiếp tục”.

Trong khi đó, tại thành phố Hội An, sau cơn bão số 4, một đoạn bờ biển dài hơn 2km từ khách sạn Golden Sand đến trạm cửa khẩu biên phòng Cửa Đại đã bị sạt lở nghiêm trọng. Riêng khách sạn này nước biển đã lấn sâu vào 10 m, cuốn trôi cây xanh và một đoạn bờ kè. Nhiều đoạn kè bằng bê-tông và bằng rọ đá, cọc tre, bao cát cũng bị biển phá hủy ăn sâu từ 1-2m.

Ông Lê Văn Giảng - Chủ tịch UBND TP Hội An, cho biết: “Thiệt hại đã lên tới hàng tỷ đồng. Để khắc phục nạn biển xâm thực tại Cửa Đại phải cần trên 100 tỷ đồng. Nếu không làm kịp thời, nguy cơ tuyến đường du lịch ven biển, nhiều nhà hàng khách sạn, khu nghỉ dưỡng khác sẽ bị tàn phá trong mùa mưa bão tới”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG