Lũ cuốn trôi 55 nhà ở Đồng Tháp
> Bão số năm suy yếu vẫn gây hại lớn
Ngày 1-10, mực nước lũ đầu nguồn sông Cửu Long ở nhiều nơi đã giảm vài cm so với hôm trước song vẫn còn cao. Tại Long Xuyên, An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, mực nước lũ đã vượt đỉnh lũ lịch sử trước đây.
Chiều 1-10, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Đồng Tháp cho biết, hiện nước lũ ở các huyện đầu nguồn sông Tiền có nơi đã vượt đỉnh lũ năm 2000. Tại Hồng Ngự, mực nước đã cao hơn 6m so với đỉnh lũ 2000.
Một số nơi của huyện Tân Hồng, thị xã Hồng Ngự nước cũng đã cao hơn đỉnh lũ năm 2000 từ 3-8cm. Nước lũ dâng cao đã khiến 5.565 căn nhà bị ngập chìm dưới nước, trong đó có 55 căn bị nước lũ cuốn trôi hoàn toàn.
Giáo viên Trường mầm non 1-6, thị trấn Sa Rài, huyện Tân Hồng, tham gia gia cố đê trên tuyến đê Tây Sà Rài sáng 1-10-2011 - Ảnh: Thanh Tú. |
Tại tuyến kênh Tân Thành, xã Tân Thành A, huyện Tân Hồng, có hơn 200 hộ dân trong vùng lúa vụ 3 vừa bị sạt vỡ đê bao tuyến kênh Cả Mũi phải đùm túm di dời lên đường giao thông nông thôn.
Do ở đây không có cụm tuyến dân cư nên người dân phải che chắn, chen chúc nhau trong điều kiện thiếu thốn nước sạch, nhiều hộ trong số đó đang cần được cứu trợ khẩn cấp.
Trong khi đó, ông Lâm Minh Lệ, phó chủ tịch UBND thị xã Hồng Ngự, cho biết toàn thị xã có 342 hộ đã di dời, 845 hộ phải kê kích, chằng chống lại nhà cửa và 1.399 hộ cần được hỗ trợ lương thực khẩn cấp.
Đã có gần 7.000 km đường giao thông nước tràn qua gây sạt lở, hư mặt đường, 24 cầu cống bị hư. Lũ đã làm mất trắng 720 ha lúa thu đông, 924 ha hoa màu và 1.874 ha cây ăn trái bị ngập. Riêng thủy sản bị thiệt hại 365 ha.
Nông dân xã Mỹ Phú, Châu Phú thu hoạch hoa màu chạy lũ - Ảnh Đức Vịnh . |
Tại An Giang, nước lũ tiếp tục tràn qua nhiều tuyến đường khiến nhiều khu vực dân cư bị chia cắt, nhiều nhà dân bị ngập. Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh, đến thời điểm này lũ đang đe dọa gần 30 km các tuyến tỉnh lộ, làm ngập và hư hại hơn 25 km đường nông thôn.
Ông Huỳnh Thế Năng - phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang - cho biết ngày 1-10, có năm điểm trường gồm 22 lớp với 609 học sinh ở các huyện Châu Phú, Châu Thành và chợ Mới phải tạm nghỉ học do bị ngập lũ.
Để hạn chế tai nạn trong mùa lũ, các địa phương đã tổ chức đưa rước hàng ngày cho gần 2.800 học sinh đến trường, bố trí 39 điểm giữ trẻ với 1.200 cháu. Tỉnh An Giang có chính sách hỗ trợ tiền ăn 15.000 đồng/ngày cho trẻ và hỗ trợ kinh phí cho các phụ nữ tham gia giữ trẻ.
Tại An Giang, nước lũ tiếp tục tràn qua nhiều tuyến đường khiến nhiều khu vực dân cư bị chia cắt, nhiều nhà dân bị ngập. Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh, đến thời điểm này lũ đang đe dọa gần 30 km các tuyến tỉnh lộ, làm ngập và hư hại hơn 25 km đường nông thôn.
Ông Huỳnh Thế Năng - phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang - cho biết ngày 1-10, có năm điểm trường gồm 22 lớp với 609 học sinh ở các huyện Châu Phú, Châu Thành và chợ Mới phải tạm nghỉ học do bị ngập lũ.
Để hạn chế tai nạn trong mùa lũ, các địa phương đã tổ chức đưa rước hàng ngày cho gần 2.800 học sinh đến trường, bố trí 39 điểm giữ trẻ với 1.200 cháu. Tỉnh An Giang có chính sách hỗ trợ tiền ăn 15.000 đồng/ngày cho trẻ và hỗ trợ kinh phí cho các phụ nữ tham gia giữ trẻ.
Công việc đắp cao các tuyến đường vừa là tuyến đê bao vẫn tiếp tục duy trì - Ảnh Đức Vịnh . |
Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Đồng Tháp cho biết tỉnh có 1.628 căn nhà dân bị ngập nước, gần 400 nhà dân bị hư hại, sụp đổ, cuốn trôi và phải di dời 159 hộ dân đến nơi an toàn. Ngoài ra 371 km đường giao thông bị sạt lở, 10 cầu, cống bị hư hỏng, tổng thiệt hại ước tính lên hàng chục tỉ đồng.
Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn trung ương cho biết dự báo trong 1-2 ngày tới, lũ vùng đầu nguồn nguồn sông Cửu Long, Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên tiếp tục dao động ở mức đỉnh sau đó xuống dần nhưng vẫn ở mức rất cao.
Liên tiếp trong ba ngày qua, do ảnh hưởng của triều cường kết hợp với những đợt mưa kéo dài, hàng loạt tuyến đường huyết mạch trong nội ô Cần Thơ ngập lụt dữ dội, nhất vào sáng sớm và chiều tối.
Đường Mậu Thân, đoạn gần cầu Rạch Ngỗng biến thành sông sáng ngày 1-10. Nhiều người phải dẫn bộ xe do xe bị chết máy - Ảnh: Thanh Xuân. |
Sáng 1-10, nước ngập lênh láng trên nhiều tuyến đường như Đại Lộ Hòa Bình, Lý Tự Trọng, Nguyễn An Ninh, Châu Văn Liêm, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Mậu Thân, 30-4, Phan Đình Phùng, Trần Văn Hoài, Trần Hưng Đạo…
Có nơi nước ngập cao hơn đầu gối như đường Mậu Thân, Trần Văn Khéo làm nhiều xe bị chết máy. Tại giao lộ Ba Tháng Hai - quốc lộ 91B thường rơi vào cảnh ùn tắc, hỗn loạn vào buổi sáng do xe cộ phải “bò” ì ạch liên tục dưới nước.
Đại Lộ Hòa Bình cũng chìm trong biển nước - Ảnh: Thanh Xuân. |
Trong khi đó, một số nhà dân trên Đại Lộ Hòa Bình phải dùng bao cát, tấm bạt ngăn nước lũ và rác tràn vào nhà.
Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, thủy triều tại Cần Thơ sẽ còn tiếp tục dâng cao những ngày đầu tháng 10 nên việc sinh hoạt và đi lại của người dân sẽ còn bị ảnh hưởng lớn.
Theo Đức Vịnh - Thanh Xuân - Vĩnh Trà - Quang Vinh - Thanh Tú
Tuổi Trẻ