Thủy điện Đồng Nai 6 & 6A và tác động môi trường

Thủy điện Đồng Nai 6 & 6A và tác động môi trường
TP - Trong Quy hoạch phát triển điện quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (được Thủ tướng phê duyệt ngày 21-7-2011) có tên một số dự án thủy điện từng gây nhiều tranh cãi, trong đó có dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.

Dập dềnh làng chài hồ thủy điện
> Nhiều sai phạm tại dự án Thủy điện Đồng Nai 4

Trong quy hoạch khai thác bậc thang thủy điện sông Đồng Nai được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2002, dự kiến công trình thủy điện Đồng Nai 6 có công suất lắp máy 180MW, sản lượng điện bình quân 773,6 triệu kWh/năm, diện tích bị ngập gần 2.000 ha, trong đó 732 ha thuộc Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên, phần còn lại thuộc rừng phòng hộ 2 tỉnh Đắk Nông, Bình Phước, phải di dời 3 công trình công cộng và 33 hộ dân.

Giữa năm 2007, Tập đoàn Đức Long Gia Lai xin đầu tư dự án này. Quá trình nghiên cứu, lựa chọn phương án tối ưu đã thay đổi dự án thành công trình thủy điện 2 bậc thang mang tên Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A (DA 6&6A) với tổng công suất 241 MW, tổng mức đầu tư gần 5.700 tỷ đồng, tổng sản lượng điện gần 1 tỷ kWh/năm. Diện tích rừng bị mất do biến thành hồ tích nước giảm còn 372 hécta, trong đó 137 hécta thuộc VQG Cát Tiên, không phải đền bù giải phóng mặt bằng, không phải di dời công trình công cộng và dân cư.

Trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ tháng 11-2010, Bộ Công Thương nhận định: “Dự án có tính khả thi tốt về các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật”. Tuy nhiên, do diện tích đất phải chuyển đổi mục đích sử dụng vẫn vượt quá hạn mức 50 hécta đối với VQG và rừng đặc dụng, nên phải trình Quốc hội quyết định. Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ ngành liên quan kiểm tra kỹ lưỡng, bảo đảm các quy định về đầu tư xây dựng, bảo vệ môi trường. Kết quả kiểm tra hiện trạng rừng (do Đoàn kiểm tra liên ngành 3 tỉnh Lâm Đồng, Bình Phước, Đắk Nông và VQG Cát Tiên thực hiện), cho thấy trong diện tích lòng hồ DA 6&6A dâng ngập, chỉ có 4,32 hécta thuộc trạng thái rừng giàu, còn lại là rừng trung bình, rừng nghèo và đất trống… Thạc sĩ lâm nghiệp Nguyễn Văn Thành, Giám đốc VQG Cát Tiên, trả lời các phóng viên về một số vấn đề liên quan.

Vì sao trong báo cáo số 233 gửi Cục Kiểm Lâm về việc xây dựng DA 6 & 6A, ông đánh giá mức độ ảnh hưởng xét về diện tích chiếm đất của 2 công trình thủy điện trên đối với VQG Cát Tiên là “không đáng kể”?

Dự án thủy điện Đồng Nai 6 & 6A làm giảm 137 ha trên tổng diện tích 72.000 ha rừng của VQG. Nếu so về tỉ lệ, thì phần rừng bị mất không phải là quá lớn. Hơn nữa, vị trí xây dựng công trình chạy dọc theo đoạn sông Đồng Nai ở ranh giới phía Bắc không chia cắt sinh cảnh Vườn, chất lượng rừng khu vực này phần lớn là rừng nghèo, cây bụi, cách khu bảo tồn tê giác từ 7- 11km, cách bàu Sấu trên 20 km.

Số lượng cá sấu và tê giác trong Vườn hiện còn bao nhiêu?

Vùng bàu Sấu còn khoảng 100 con cá sấu Xiêm. Về tê giác, khi VQG mở rộng diện tích, chương trình nghiên cứu đánh giá còn khoảng 5-7 con. Từ 1998 đến cuối năm 2010, tháng nào chúng tôi cũng thấy dấu vết tê giác, nhưng đầu năm 2010 đến nay không tìm ra dấu vết mới nào của tê giác nữa, ngoài 1 bộ xương tê giác phát hiện hồi tháng 4-2010. Chúng tôi đã gửi vài mẫu vật thu thập từ phân, xương tê giác gửi qua Canada nhờ phân tích xem thuộc một hay mấy con, nay vẫn chưa có kết quả.

VQG Cát Tiên có được bảo vệ tốt nữa không nếu dự án 6 & 6A động thổ?

Nhiều năm qua, chúng tôi luôn phải chịu áp lực lớn do nhu cầu kiếm sống của 20 vạn dân sống trên vùng đệm VQG thuộc địa bàn 7 huyện, 35 xã, 3 tỉnh (Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước). Quá trình xây dựng, vận hành dự án càng khiến áp lực này lớn hơn, gây ảnh hưởng đến hệ động thực vật của Vườn và an toàn dòng chảy của sông Đồng Nai nên chúng tôi đã đề xuất một số giải pháp giảm thiểu tác hại tiêu cực của dự án đối với VQG, trong đó có đề nghị chủ đầu tư hỗ trợ Vườn tăng cường lực lượng và phương tiện bảo vệ rừng, trồng bổ sung mấy trăm hécta rừng quanh vùng đệm.

Cần đánh giá lại toàn diện các tác động môi trường

Trước vấn đề dự án thủy điện Đồng Nai 6 & 6A có nguy cơ đe dọa hệ sinh thái VQG Cát Tiên, ngày 7-8, tại VQG Cát Tiên, trong một cuộc hội thảo về bảo vệ rừng đầu nguồn sông Đồng Nai, các nhà khoa học kiến nghị cần đánh giá lại tác động của dự án này đối với môi trường.

Theo phân tích của các nhà khoa học, báo cáo tác động môi trường của thủy điện 6 và 6A chưa thuyết phục do chưa đánh giá đầy đủ các chi tiết cần thiết như: Thay đổi hệ sinh thái, đời sống hoang dã, di dân và sinh kế, quản lý và bảo vệ rừng... Các đánh giá tác động môi trường và xã hội cũng chưa xem xét hết các rủi ro. Vì vậy cần tiến hành đánh giá lại toàn diện những tác động này để xây dựng các giải pháp giảm thiểu hợp lý và cụ thể trước khi thực hiện dự án.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tuyên dương 60 giáo viên tiêu biểu vượt khó 'gieo chữ' ở vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo
Tuyên dương 60 giáo viên tiêu biểu vượt khó 'gieo chữ' ở vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo
TPO - Phát biểu tại lễ tuyên dương 60 giáo viên tiêu biểu trong chương trình Chia sẻ cùng thầy cô năm 2024, anh Nguyễn Tường Lâm - Bí thư T.Ư Đoàn, Phó Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam nhấn mạnh: “Sự cống hiến của các thầy cô không chỉ góp phần phát triển năng lực cá nhân cho từng học sinh mà còn giúp tạo dựng nền móng cho sự phát triển bền vững của cộng đồng và đất nước”.
Nhiều vũ khí hiện đại sẽ xuất hiện tại triển lãm quốc tế do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức
Nhiều vũ khí hiện đại sẽ xuất hiện tại triển lãm quốc tế do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức
TPO - Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam lần thứ 2 - năm 2024 do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức, dự kiến diễn ra từ ngày 19/12 đến 22/12/2024 tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội. Nhiều loại vũ khí, thiết bị quân sự hiện đại, trong đó có những sản phẩm mới sản xuất gần đây sẽ được trưng bày.