“Phải nhìn thẳng vào sự thật: Mô hình lễ phát ấn chưa đáp ứng nhu cầu của người dân. Nhưng câu chuyện tín ngưỡng không thể dùng biện pháp hành chính để cấm đoán. Không khéo lặp lại câu chuyện thập kỷ 60, 70 thế kỷ trước, cấm lễ hội đền Đồng Bằng (Thái Bình) và Phủ Giầy (Nam Định) người ta rào dậu xung quanh. Nhưng cứ sáng khai hội, trước cửa đền đầy vết chân do người dân đêm hôm trước đến dỡ ngói vào đền thắp hương”, ông Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện VHNT nói.
Đại diện Viện VHNT cho rằng, kết quả phân tích 63 bài viết về lễ hội đền Trần từ 1-1 đến 31-3-2011 giúp ý tưởng kịch bản lễ hội năm sau tốt hơn.
Quanh chuyện phát ấn đền Trần, có hai vấn đề được quan tâm nhất: Thay đổi bản sắc truyền thống của lễ hội và tình hình an ninh trật tự trong lễ hội. Hiện dư luận chưa thống nhất liệu có tồn tại tục phát ấn, hay đó chỉ là chiêu “thiêng liêng hóa” lá ấn để mở rộng quy mô lễ hội, thu hút dân thập phương - xu hướng được Cục Di sản Văn hóa cảnh báo tại hội nghị tổng kết công tác quản lý lễ hội.
Các nhà nghiên cứu được giao xây dựng mô hình lễ phát ấn đền Trần, tham khảo nhiều giải pháp đề xuất thời gian qua trên các phương tiện truyền thông.
Ví dụ: Không hạn chế thời gian phát ấn từ đêm 14 đến rạng sáng 15 tháng Giêng, mà kéo dài hết tháng Giêng, hoặc hơn nữa. Nhiều ý kiến cho rằng nên nhìn nhận lại giá trị tín ngưỡng của ấn đền Trần, không nên gán cho nó quá nhiều ý nghĩa linh thiêng, để cầu danh lợi.
Viện VHNT được Bộ VH-TT&DL giao xây dựng mô hình lễ hội phát ấn mới, dự kiến hoàn tất tháng 6 tới. Trước đó làm việc với tỉnh Nam Định, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh đề xuất không phát ấn đêm 14 tháng Giêng. Đồng thời giao cho các bên liên quan chuẩn bị kịch bản lễ hội năm 2012.