Cự Đà - tân hóa vì nhiều tiền

Cự Đà - tân hóa vì nhiều tiền
TP - Chỉ cách đây nửa năm thôi, Cự Đà vẫn còn là một làng Việt cổ hiếm hoi còn sót lại ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, sau mỗi Đường Lâm (Sơn Tây - Hà Nội).

Vậy mà, không gian cổ kính có một không hai ấy đã gần như hoàn toàn biến mất chỉ trong một thời gian rất ngắn, khi hàng loạt ngôi nhà cổ có tuổi đời hàng trăm năm đã bị chính những người dân trong làng ra tay phá bỏ. Sự thật phũ phàng ấy, với bất cứ ai đã từng đặt chân đến Cự Đà dẫu chỉ một lần, cũng thật khó tin.

Xe công nông chạy suốt ngày đêm
Xe công nông chạy suốt ngày đêm.

Nhà cổ - may thì còn

Chính bởi không tin, nên tôi đã lại tìm đến Cự Đà. Chỉ sau vài tháng, đã không còn tìm nổi một chút vóc dáng yên bình như Cự Đà xưa vốn có. Quang cảnh hỗn độn như một công trường lớn của Cự Đà hôm nay không khỏi khiến những kẻ hoài cổ như tôi bỗng hẫng hụt, giật mình, cho dù đã được báo trước.

Bà cô bán nước đầu làng như cũng nhận thấy cái thảng thốt của người khách lạ: Đến để chụp ảnh à, vào sâu trong kia kìa, may ra thì còn… Cánh tay gầy guộc đen đủi trỏ về phía xa, nơi từng cư ngụ của hàng chục nếp nhà cổ trong những xóm chùa, Đồng Nhân Cát, An Lạc, Hiếu Nghĩa, Con Cóc…, những xóm nhỏ cổ kính vốn đã hút hồn biết bao du khách.

“May ra thì còn!”, đúng thế thật, trước khi tôi đến chỉ vài tiếng đồng hồ, ngôi nhà cổ hơn 100 năm nằm ngay đầu Đồng Nhân Cát, xóm nhỏ nổi tiếng bậc nhất Cự Đà vừa mới bị phá tan tành. Lẫn trong đống hoang tàn đổ nát là những dấu tích của thời gian và cổ kính.

Những cột kèo, hoành phi, cửa bức bàn… lấm lem trộn cùng bùn đất, thậm chí không được chủ nhân giữ lại như một chút dấu vết của ký ức trăm năm. Chỉ còn lại quanh đó mấy mảnh tường vây đầy rêu phong, mà chắc cũng không lâu nữa người ta sẽ lại phá nốt.

Làng thành đại công trường
Làng thành đại công trường.
 

Ngôi nhà cổ ấy cũng chung số phận với rất nhiều nhà cổ khác ở Cự Đà. Cách đó không xa, ngay trong cái xóm nhỏ cũ kỹ Đồng Nhân Cát cũng có dăm bảy ngôi nhà tầng khác đang lừng lững mọc lên trên nền đất cũ của những ngôi nhà cổ.

Một trong số đó là ngôi nhà gần 200 năm tuổi mà gia tộc ông Trịnh Đình Bính đã sống qua 4 thế hệ. Không còn niềm tự hào mà mọi lần ông vẫn gọi bằng cái tên mộc mạc “7 gian nhà, 3 gian bếp” để khoe với khách đến thăm, trên nền đất của căn nhà cổ bây giờ đang dần xuất hiện một ngôi nhà 3 tầng bề thế.

Trong lịch sử hàng trăm năm tồn tại, Cự Đà đang bước vào giai đoạn khốc liệt nhất, và cũng là đớn đau nhất. Biết bao giá trị tưởng rằng sẽ được nâng niu, gìn giữ, bỗng chốc đã chẳng còn gì. Cả một quần thể kiến trúc cổ kính thuần Việt, đan xen hài hoà với những biệt thự kiểu Pháp trong một không gian thơ mộng bên dòng sông Nhuệ đã bị cơn bão đô thị hoá cuốn phăng không thương tiếc.

Cự Đà đang có đến 150 công trình dở dang xây dựng. Và có đến trên 100 nhà cổ đã bị phá tan. Khắp nơi ngổn ngang như một công trường, những chuyến xe tải, công nông chở vật liệu xây dựng chạy ào ào, cất tiếng kêu phành phạch và nhả khói mù mịt khắp ngôi làng vốn yên bình nhẹ nhõm.

Cổng làng cũ kỹ rêu phong, nơi từng chứng kiến những đổi thay, sinh tử của đời người, của cảnh vật trải qua bao thế hệ, nay lại trở thành cái nút thắt khó chịu khi mỗi ngày có hàng trăm chuyến xe nhỏ, to lũ lượt nối đuôi để kịp chuyên chở hàng tấn gạch, cát, sỏi, đá cho các công trình xây dựng.

Bởi thế, những nỗ lực để gìn giữ Cự Đà như một thương hiệu làng Việt cổ, sau bấy nhiêu thế kỷ tồn tại, giờ đây dường như đã trở thành mòn mỏi. Dọc khắp cái làng nhỏ này, đâu đâu cũng ồn ã câu chuyện lên đời.

Chưa bao giờ Cự Đà nhộn nhịp đến thế, từ những ông già bà lão đến những đứa trẻ mới lõm bõm a,b ở lớp học trường làng, tất cả đều đang rạo rực với niềm vui ấy. Có điều, chỉ với những ai yêu cái cổ, yêu thực sự những giá trị không gì đánh đổi được của Cự Đà mới hiểu, ngôi làng nhỏ ấy đang đánh mất những gì.

Vật liệu xây dựng để cả trong sân đình
Vật liệu xây dựng để cả trong sân đình.

Có tiền là xây

Trải dọc theo con sông Nhuệ, hàng trăm ngôi nhà cổ với niên đại 100- 200 năm tại Cự Đà vốn nằm trong những con ngõ nhỏ bám dọc theo trục đường xương cá, nhập với con đường chính chạy dọc qua ba làng Khúc Thuỷ, Khe Tang và Cự Đà của xã Cự Khê. Kết cấu này càng làm cho quần thể kiến trúc Cự Đà có thêm nhiều giá trị độc đáo mà ít làng xã nào ở nông thôn Việt có được.

Nhưng đó cũng chỉ là quá khứ. Bước những bước chân nặng trĩu dọc con đường làng giờ nhầy nhụa vôi vữa, đất bùn, thật khó có thể tìm lại bóng dáng xa xưa của làng cổ Cự Đà. Vì sao một ngôi làng cổ từng là điểm đến của những bước chân lữ hành khắp trong và ngoài nước lại trở nên bi thảm đến vậy? Vì sao những ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi từng là niềm tự hào của biết bao thế hệ lại đồng loạt bị tàn phá? Vì sao bức tranh làng cổ Cự Đà đẹp là thế lại trở nên xấu xí nhường kia?

Ông Vũ Văn Bằng, cán bộ văn hoá xã Cự Khê đã lắc đầu như một sự bất lực khó lý giải trước hàng loạt câu hỏi vì sao ấy. Là thế hệ thứ tư sinh sống trong một ngôi nhà cổ ở Cự Đà, ông Bằng hiểu thấu nỗi lòng của làng cổ hôm nay.

Thật xót xa khi mỗi ngày Cự Đà lại vắng thêm nhiều ngôi nhà cổ. Những công trình thời thượng mọc lên khắp làng đang phá vỡ quần thể kiến trúc độc đáo ở đây. Biết thế nhưng làm sao đây, xu thế mà…, ông buông tiếng thở dài. Là cán bộ văn hoá xã, ông Bằng vẫn phải làm một công việc cực chẳng đã là theo dõi những ngôi nhà cổ bị tàn phá mỗi ngày. Chưa có những thống kê chính xác, nhưng chỉ từ đầu năm 2011 đến nay, Cự Đà đã mất đi hàng chục ngôi nhà cổ như thế.

Cự Đà cổ đang đối mặt với nguy cơ xoá sổ hoàn toàn. Nguyên nhân dẫn đến “cái chết” oan ức này được lý giải là vì người dân vừa nhận được số tiền đền bù khá lớn từ đất ruộng. Dự án khu đô thị Thanh Hà đã “nuốt” gần trọn diện tích đất nông nghiệp của dân làng Cự Đà. Đổi lại, dân có tiền, rất nhiều tiền.

Mỗi sào đất được nhận số tiền đền bù 351 triệu đồng, dân Cự Đà nhà nào cũng trở thành… tỉ phú. Nhà ít cũng được gần hai tỉ, nhiều cũng ngót 4 tỉ đồng tiền đền bù. Cũng đổi lại cho sự giàu có tưởng như trong mơ ấy, dân làng Cự Đà rủ nhau dỡ bỏ quá khứ, dỡ bỏ những nếp nhà từ thời cụ kỵ ông cha để lại để xây nhà tầng, tận hưởng xa hoa.

Lý do dần biến mất ngôi làng cổ đẹp nhất nhì cả nước, ông Bằng cho rằng, không thể bắt dân giữ lại nhà cổ bởi chính cuộc sống của họ cũng quá bí bách với nhu cầu chỗ ở. Không ít gia đình có nhiều thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà chật chội. Giờ có tiền, họ muốn thay đổi, phá nhà cổ để xây nhà 3-4 tầng, đáp ứng nhu cầu cuộc sống và sinh hoạt, âu cũng dễ hiểu thôi. Không thể cưỡng lại được - ông Bằng nói.

Tôi lại tự hỏi, vậy hoá ra, vì nhiều tiền nên Cự Đà đã tự tay xóa bỏ sự “giàu có” của chính mình? Vốn liếng từ thời ông cha để lại, được gìn giữ qua nhiều thế hệ nay đã bị chính cơn lốc ồ ạt của thị trường, của cái gọi là đô thị hoá… bức tử. Thế cho nên, có những ngôi nhà cổ đã bị phá dỡ để… cho vào lò. Có những ngôi nhà 5, 7 gian đã bị “xẻ thịt” thành nhiều ô đất nhỏ, đủ để xây thành những căn nhà ba, bốn tầng, phân chia cho mỗi gia đình nhỏ.

Biết là Cự Đà đã hỏng, hỏng thực sự nhưng những cán bộ xã như chúng tôi cũng chỉ biết tuyên truyền cho người dân thôi chứ biết làm sao. Nhà của họ thì họ phá, ai cản được - ông Bằng lại nói.

Những ngôi nhà tầng mọc lên
Những ngôi nhà tầng mọc lên. Ảnh: Tam Giang.

Không thể cứu vãn

Đúng như cái lý mà ông cán bộ văn hoá xã lo ngại, nhà của dân thì dân phá. Cự Đà xưa nay vốn chỉ là một làng cổ tự phong, dẫu rằng về mọi khía cạnh, Cự Đà hoàn toàn có thể kiêu hãnh xưng danh là một làng Việt cổ khó kiếm.

Thế nhưng, chưa bao giờ Cự Đà được công nhận là một làng cổ trên văn bản giấy tờ, và vì thế, cũng không có một cấp chính quyền nào chịu trách nhiệm về sự mất- còn của ngôi làng cổ kính này. Chuyện để người dân phá nhà tầng, xây nhà cổ cũng bắt nguồn từ đó.

Ông Vũ Văn Bằng cũng phân trần: Nếu được công nhận danh chính ngôn thuận như làng cổ Đường Lâm thì chính quyền xã sẽ có trong tay những chế tài quản lý cần thiết và như vậy, ít nhất cũng không để người dân tự ý phá dỡ nhà cổ. Nhưng đó cũng chỉ là giả thiết mà thôi… Hơn nữa, xã chẳng có một lý do nào đủ để thuyết phục người dân giữ lại nhà cổ.

Ngoài thực tế bức bách về chỗ ở, những căn nhà cổ vì có niên đại quá lâu cũng đang dần xuống cấp, mối mọt, ẩm thấp, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn cũng là nguyên nhân để người dân vốn ý thức và tự hào về di sản của mình lại cùng lúc quay lưng lại.

Sự thuyết phục của chúng tôi trước mong muốn đổi đời của người dân chỉ là những tiếng kêu yếu ớt, nếu không muốn nói là bất lực. Chả có một căn cứ nào, một lợi ích nào thì hà cớ gì người dân phải nghe theo?... ông Bằng cho biết thêm.

Một vài năm trước, nghe đâu xã Cự Khê cũng đã rậm rịch chuẩn bị hồ sơ đề nghị công nhận Cự Đà là làng cổ. Nhưng khi ấy, không có một cơ quan có thẩm quyền nào đứng ra hướng dẫn, thẩm định những tiêu chí cần có, đã có của Cự Đà để được công nhận là làng cổ.

Tất cả vì thế lại rơi vào quên lãng. Ngoài hệ thống đình, chùa, miếu trong làng đã được chứng nhận là Di tích quốc gia được bảo vệ thì quần thể kiến trúc nhà cổ, vốn làm nên cốt cách Cự Đà lại hoàn toàn nằm ngoài danh mục cần được bảo vệ.

Bởi thế, những gì đang diễn ra đã khiến làng cổ Cự Đà rơi vào tình cảnh không thể cứu vãn. Ngay cả với số ít nhà cổ còn lại, những cán bộ cốt cán của xã Cự Khê cũng chỉ… tạm đoán, và tạm hi vọng là sẽ được người dân giữ lại. Còn nếu họ tiếp tục phá nữa thì cũng đành chịu mà thôi, ông Bằng than thở.

Càng khó cứu vãn hơn nữa là, với việc nhận tiền đền bù để bị thu hồi gần như toàn bộ diện tích đất canh tác, người dân Cự Đà vốn đa phần quen việc ruộng đồng, sau này sẽ làm gì để sống? Với khoảng 1000 lao động dư thừa, không có việc làm sau khi mất ruộng, đây thực sự là một bài toán khó đối với tương lai của Cự Đà…, ông Vũ Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Cự Khê cho biết.

Giữ nhà cổ là… lập dị

Nhà của ông bà Vũ Văn Trọng, Trịnh Thị Hương có lẽ là một trong số vô cùng hiếm hoi những căn nhà cổ còn lại ở cái xóm nhỏ này. Khẽ nén tiếng thở dài, bà Hương bảo, chẳng còn gì nữa, Đồng Nhân Cát đã chết thật rồi, chết giữa những quằn quại đau đớn của cả cái làng cổ Cự Đà này. Quyết tâm giữ nhà cổ như ông bà, bây giờ ở Cự Đà bị người ta xem là… lập dị.

Chồng bà Hương, ông Trọng cũng không giấu nỗi xót xa: Căn nhà chúng tôi đang sống đã ngót nghét 150 năm rồi. Phá đi sao đành chứ. Nhìn cả làng cả xóm phá nhà cổ để dựng nhà tầng, sao mà đau đớn thế!. Cùng với quyết tâm giữ nhà cổ, ông bà Trọng- Hương cũng là những người ít ỏi của Cự Đà còn trung thành với nghề làm miến truyền thống.

Thời buổi bão táp đô thị, thành người thành phố cả rồi, Cự Đà dần từ bỏ cả những nghề gia truyền để chuyển sang làm… cò đất, buôn bán bất động sản. Đến cả nghề xưa ông bà để lại là làm tương, làm miến cũng sắp mất rồi, nói gì đến nhà cổ, làng cổ nữa chứ!- bà Hương chua chát.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG