Một vụ tai nạn liên hoàn trên Đại lộ Thăng Long do “hung thần” đánh rơi phế thải. Ảnh: T.Đảng. |
Cơ quan chức năng đùn đẩy
Quyết định số 11 năm 2010 của UBND TP Hà Nội quy định, ngoài lực lượng công an, Sở GTVT có nhiệm vụ chỉ đạo thanh tra giao thông phối hợp thanh tra xây dựng, thanh tra môi trường, UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra, xử lý các vi phạm do chủ phương tiện vận chuyển làm rơi, vãi, đổ bậy chất thải ra đường, nơi công cộng.
Sở GTVT cũng có trách nhiệm cấp giấy phép hoạt động cho các phương tiện vận chuyển chất thải rắn thông thường để phục vụ công tác duy trì vệ sinh môi trường.
Sở Xây dựng, Sở TN&MT chỉ đạo thanh tra xây dựng, thanh tra môi trường phối hợp với chính quyền quận huyện thanh kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất, xử lý vi phạm hoạt động vận chuyển chất thải rắn trên địa bàn.
Cục CSGT Đường bộ Đường sắt (Bộ Công an) cũng cho rằng, khi xe tải vi phạm môi trường thì CSGT, thanh tra giao thông, thanh tra môi trường đều có quyền xử lý, hoặc phối hợp xử lý. Tuy nhiên, qua ghi nhận của PV thời gian qua, xử lý xe chở vật liệu vi phạm trên đường chủ yếu vẫn là CSGT.
Trong khi đó, với trách nhiệm được phân công, ngoài thẩm quyền phối hợp xử lý trên đường, thanh tra giao thông, thanh tra xây dựng còn có thể đi vào các công trường có xe vi phạm để xử lý. Vậy nhưng, các cơ quan trên dường như đang giao phó hoàn toàn việc này cho CSGT.
Trao đổi với PV Tiền Phong, một phó chánh thanh tra, Sở GTVT Hà Nội cho biết, xử phạt xe vi phạm vẫn do CSGT là chính, vì theo quy định chỉ CSGT mới có quyền dừng phương tiện lưu thông.
Cũng theo vị này, hiện đường Nguyễn Trãi đoạn từ vành đai 2 trở ra là khu vực đang có lượng xe tải vi phạm nhiều nhất. “Thực tế vừa qua, Sở GTVT cũng chỉ cấp phép cho một số xe, nhưng nhiều chủ xe và tài xế đã lợi dụng việc này để luồn lách hoạt động. Phát hiện và xử lý vẫn là CSGT” – vị này nói.
Còn ông Vũ Văn Mấm, Đội trưởng thanh tra hạ tầng, Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, việc xử lý xe tải vi phạm về môi trường là công việc của... thanh tra giao thông và CSGT. “Với thanh tra xây dựng, thời gian qua chúng tôi chưa phát hiện một công trình nào có xe tải vi phạm”, ông Mấm nói.
Một lãnh đạo Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt (Bộ Công an) cho rằng, xử lý xe vi phạm không khó, nếu lực lượng chức năng phối hợp theo trách nhiệm phân công thì chỉ cần phát hiện ra một xe vi phạm là có thể vào tận công trường xử lý, đồng thời lập biên bản yêu cầu chủ công trình khắc phục, sau đó mới cho thi công trở lại.
Đường Phạm Hùng luôn chìm trong bụi vì “hung thần”. |
Doanh nghiệp than khổ
TP Hà Nội hiện nay như một đại công trường với hàng trăm công trình xây dựng lớn, trong đó có hàng trăm dự án khu đô thị mới, nút giao thông kéo dài tiến độ hàng năm. Hàng trăm DN kinh doanh vật liệu xây dựng, vận chuyển vật liệu, đất phế thải xây dựng phục vụ các dự án, công trình xây dựng đua nở.
“Nhưng nói thật, tôi chưa thấy nghề nào cực như nghề này. Đơn giản, việc xin giấy phép lưu hành nội đô cho mỗi xe chỉ vài chục nghìn, nhưng hàng tháng các khoản phí vô hình, cho nó cũng đến cả chục triệu đồng. Nếu không may xảy ra một vụ tai nạn thì chủ xe phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng”- Một chủ DN vận tải cho biết.
Theo một số DN vận tải, hiện trên địa bàn có hàng chục đơn vị chuyên phục vụ trong lĩnh vực này, DN nhỏ cũng có từ 10 đến 20 xe tải, còn DN lớn, có tiếng trong giới san lấp mặt bằng, vận chuyển vật liệu như HTX Phú Phương, Cty Anh Đức, Trường Kỹ, Thu Ngân, Linh Hải... có từ 30 đến 70 xe mỗi DN.
Đại diện HTX Phú Phương cho biết: “Hiện đơn vị có khoảng 70 xe, cao điểm nhiều công trình số xe lên tới 100. Nói xe Phú Phương đâu cũng có mặt thì cũng đúng vì với lượng 100 xe tải thì ở góc nào cũng có”.
Với số lượng xe tải lớn như vậy, nhưng đơn vị này cho hay, trong số này chỉ có khoảng 20 xe được cấp phép lưu hành ở khu vực tuyến phố nội đô. Đa phần số xe không được cấp giấy phép thì buộc phải chạy ở những tuyến đường ven, đường tránh khác.
“Việc xin giấy phép lưu hành cho các xe tải công trình theo quy định không khó. Chỉ cần chủ đầu tư có công trình và DN làm tờ trình gửi cơ quan chức năng là được cấp. Thế nhưng thực tế lại rất khó khăn, khi mà lượng DN, số xe tải trên địa bàn rất nhiều. Nhiều doanh nghiệp không xin được giấy phép lưu hành buộc phải thuê lại thương hiệu, thậm chí ăn cắp thương hiệu của DN được cấp phép để lưu hành”- một đại diện của DN vận tải kể.
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, mỗi xe thường được DN ký hợp đồng thuê từ một đến hai lái xe. Đội ngũ lái xe này đa phần là dân từ các tỉnh đến và đều tuổi đời rất trẻ, nhiều trong số này chưa có kinh nghiệm trong việc lái xe tải hạng nặng.
“Chúng tôi thuê lái xe, trả lương theo chuyến, theo công trình. Trung bình mỗi ngày, họ phải chạy từ 16 đến 20 tiếng, với mức lương 5 đến 10 triệu đồng/tháng. Vì họ lái thuê nên khi xảy ra tai nạn, DN đều phải lo hết. Có vụ xe gây tai nạn chết người, chúng tôi phải bỏ hàng trăm triệu đồng” - đại diện HTX vận tải Phú Phương cho biết.