Cấp bách ổn định kinh tế vĩ mô

Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng các đại biểu trước phiên họp Quốc hội Ảnh: Hồng Vĩnh
Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng các đại biểu trước phiên họp Quốc hội Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Sáng qua 21-3, kỳ họp thứ 9, QH khóa XII đã khai mạc tại Hà Nội. Trong diễn văn khai mạc, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đánh giá: “Nền kinh tế nước ta tiếp tục giữ được mức tăng trưởng khá; an sinh xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; vị thế của nước ta tiếp tục được nâng cao. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức còn rất lớn”.

>> Khai mạc kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XII

Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng các đại biểu trước phiên họp Quốc hội Ảnh: Hồng Vĩnh
Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cùng các đại biểu trước phiên họp Quốc hội. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Xuất hiện những khó khăn gây bất ổn kinh tế vĩ mô

Báo cáo của Chính phủ do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng nêu: Năm 2010 kinh tế nước ta tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng khá, GDP năm 2010 đạt 6,78% (chỉ tiêu Quốc hội đề ra là 6,5%); các ngành, lĩnh vực kinh tế chủ yếu đều tăng cao hơn năm 2009; Kim ngạch xuất khẩu đạt 72,2 tỷ USD, thu ngân sách nhà nước vượt 21,2%...

Tuy nhiên báo cáo cũng chỉ rõ, nền kinh tế nước ta còn một số hạn chế, yếu kém: lạm phát tăng cao, chỉ số giá tiêu dùng năm 2010 tăng 11,75% so với tháng 12-2009; nhập siêu còn lớn; bội chi ngân sách cao, nợ công có xu hướng tăng; mặt bằng lãi suất cao, tỷ giá chưa ổn định... Đây là những vấn đề cần đánh giá, dự báo cụ thể để có biện pháp giải quyết trong năm 2011 và những năm tới.

Đánh giá của Chính phủ cho thấy, GDP quý I-2011 ước đạt 5,5%, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, tốc độ giảm nhẹ so với cùng kỳ 2010. Mặt khác đã xuất hiện những khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô, lạm phát, mặt bằng lãi suất cao, tỷ giá chưa ổn định, giá vàng tiếp tục biến động mạnh ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng và đời sống dân sinh.

Giảm tỷ trọng cho vay bất động sản

Để tập trung chỉ đạo điều hành kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ đã đưa ra 6 nhóm giải pháp chủ yếu: Thứ nhất, thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, bảo đảm phối hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa.

Cụ thể, sẽ hạn chế cung tiền, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2011 dưới 20%, tổng phương tiện thanh toán 15 - 16% nhưng vẫn bảo đảm bố trí vốn tín dụng phục vụ yêu cầu sản xuất, kinh doanh; giảm tốc độ và tỷ trọng vay vốn tín dụng của khu vực phi sản xuất, nhất là lĩnh vực bất động sản, chứng khoán. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy định về thu đổi ngoại tệ, kinh doanh vàng...

Thứ hai, thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách nhà nước để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Các ngành, các cấp tạm dừng không trang bị mới xe ô-tô, điều hòa nhiệt độ, thiết bị văn phòng; giảm tối đa chi phí điện, nước, điện thoại… Tập trung vốn cho các công trình quan trọng, cấp bách, hiệu quả. Mục tiêu là giảm bội chi ngân sách nhà nước 2011 xuống dưới 5% GDP.

Thứ ba, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, sử dụng tiết kiệm năng lượng: phấn đấu năm 2011 nhập siêu không quá 16% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Thứ tư, điều chỉnh giá điện, xăng dầu gắn với hỗ trợ hộ nghèo thực hiện hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo dùng điện 30.000 đồng/hộ/tháng. Giá xăng dù đã tăng thêm 2.900 đồng/lít hiện vẫn thấp hơn giá bán của Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia.

Thứ năm, tăng cường bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện chủ trương bảo đảm đời sống cho người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội. Cuối cùng là đẩy mạnh công tác tư tưởng, thông tin, tuyên truyền. Theo đó, Chính phủ yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi đưa tin sai sự thật.

Nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng

Trong ngày làm việc đầu tiên, Quốc hội đã nghe báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Tổng kết nhiệm kỳ khóa XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho biết, kết quả nổi bật trong nhiệm kỳ này là Quốc hội đã hoạt động ngày càng dân chủ, thiết thực và hiệu quả, có nhiều đổi mới trong cả tư duy và thực tiễn hành động.

Sẽ hạn chế cung tiền, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2011 dưới 20%. 

Trong 4 năm, Quốc hội đã thông qua 68 luật, 12 nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 13 pháp lệnh, 7 nghị quyết. Việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước ngày càng có chất lượng, đáp ứng đúng yêu cầu của thực tiễn vì lợi ích của quốc gia, phù hợp với ý chí và nguyện vọng của nhân dân.

Đó là các quyết định về chủ trương đầu tư dự án thủy điện, điện hạt nhân, hoặc chưa đầu tư dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội- TP HCM đều được Quốc hội xem xét kỹ lưỡng, thận trọng, đảm bảo quy trình chặt chẽ, dân chủ, công khai.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng kiến nghị, cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm và nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, nhất là các vấn đề về kinh tế- xã hội, ngân sách nhà nước, tổ chức và nhân sự bộ máy nhà nước, bảo đảm lợi ích chung của quốc gia, phù hợp ý chí và nguyện vọng của nhân dân.

Quốc hội cũng kiến nghị có quy chế xác định rõ hơn những nội dxung cần xin ý kiến chỉ đạo (công tác tổ chức, nhân sự, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh…) của Đảng nhằm phát huy hơn nữa tính chủ động, sáng tạo, nâng cao trách nhiệm của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội.

Trong phần trình bày báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, kết quả phát triển kinh tế- xã hội nhiệm kỳ qua đã góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Năm 2010, thu nhập của dân cư tăng 35% so với năm 2006.

Việc đảm bảo an sinh xã hội và phúc lợi xã hội cho nhân dân là một tiến bộ nổi bật trong nhiệm kỳ, không chỉ thể hiện trong từng kết quả cụ thể mà đã trở thành một quan điểm xuyên suốt, gắn kết chặt chẽ với kế hoạch phát triển, được triển khai thực hiện đồng bộ với nhiều chính sách và nguồn lực. Mức chi cho an sinh xã hội đã tăng từ gần 39.000 tỷ đồng năm 2006 lên hơn 77.000 tỷ đồng năm 2010.

Người đứng đầu Chính phủ cũng thẳng thắn thừa nhận những hạn chế, yếu kém còn tồn tại. Đó là quản lý giá một số hàng hóa dịch vụ chưa thực hiện đầy đủ theo cơ chế thị trường. Thị trường tiền tệ và thị trường vàng chưa được quản lý tốt. Giáo dục, y tế là hai vấn đề bức xúc nhưng giải quyết còn chậm, để diễn ra tình trạng vi phạm đạo đức trong học đường, chất lượng khám chữa bệnh ở nhiều nơi còn thấp, chưa khắc phục được quá tải bệnh viện.

Cải cách hành chính, đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu. Chậm xây dựng hàng rào kỹ thuật bảo vệ sản xuất trong nước. Chính phủ đánh giá những hạn chế, yếu kém trên có cả nguyên nhân khách quan, chủ quan nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. “Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xin nghiêm túc nhận trách nhiệm về những hạn chế, yếu kém trong nhiệm kỳ”- Thủ tướng nói.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Võ Hồng Phúc:

Không cắt giảm vốn ngân sách và trái phiếu Chính phủ

Trả lời phỏng vấn Tiền Phong bên lề Quốc hội ngày 21- 3 về chủ trương cắt giảm đầu tư công để kiềm chế lạm phát, ông Võ Hồng Phúc cho biết: Hiện nay các đoàn đi kiểm tra đang tiến hành rà soát và Bộ KH&ĐT sẽ có báo cáo chính thức trong phiên họp thường kỳ Chính phủ vào cuối tháng 3. Định hướng là sắp xếp lại, bố trí tập trung vốn cho các công trình đầu tư có hiệu quả, hoàn thành trong năm 2011, 2012.

Cụ thể việc cắt giảm thực hiện ra sao, thưa ông?

Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều thống nhất không cắt giảm vốn ngân sách và vốn trái phiếu. Tổng mức đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ vẫn giữ nguyên, giờ chỉ điều chỉnh, điều phối giữa các bộ, ngành, địa phương và các dự án.

Việc cắt giảm này liệu có ảnh hưởng đến các dự án dang dở và công ăn việc làm không?

Điều này không ảnh hưởng. Cắt giảm ở đây là không có tạm ứng, không cho kéo dài thời gian thanh toán. Trong chỉ đạo điều hành sẽ tập trung hơn và hiệu quả hơn.

Vậy các địa phương, tập đoàn, tổng công ty phản ứng ra sao khi các đoàn rà soát đến làm việc?

Họ đều chấp hành nghiêm chỉnh. Trước khi đoàn kiểm tra đến, các địa phương đã tự sắp xếp rồi. Các tập đoàn, tổng công ty cũng đang sắp xếp. Bởi không sắp xếp thì cũng sẽ không có tiền đầu tư vì tín dụng ưu đãi nhà nước từ Ngân hàng Phát triển được cắt 10%, tín dụng thương mại cũng bị thu hẹp lại. Khi đó, tự khắc các tập đoàn phải thu hẹp đầu tư lại.

Vậy khoản tăng thu ngân sách năm 2010 có đưa vào đầu tư năm 2011 không thưa ông?

Chính phủ định hướng, tăng thu ngân sách một phần để giải quyết tiền lương, đảm bảo an sinh xã hội, một phần để giảm bội chi ngân sách. Không đưa phần tăng thu này vào đầu tư, mà chỉ hỗ trợ các địa phương bị thiên tai, lũ lụt cuối năm 2010.

Cảm ơn ông.

Ngọc Tiến (thực hiện)  

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG