Xử phạt vi phạm: Dân khổ, CSGT không vui

Do thủ tục rườm rà nên một số người vi phạm muốn tự thỏa thuận với CSGT cho xong Ảnh: Trọng Đảng
Do thủ tục rườm rà nên một số người vi phạm muốn tự thỏa thuận với CSGT cho xong Ảnh: Trọng Đảng
TP - Ngoài rườm rà, thủ tục xử phạt vi phạm giao thông hiện còn khiến người dân đi lại nhiều lần. Để không phải dính vào vòng 'khổ ải' này, một số người vi phạm đã chọn hình thức “giải quyết” nhanh cho xong.

> Cảnh sát giao thông đứng ở gốc cây…

Do thủ tục rườm rà nên một số người vi phạm muốn tự thỏa thuận với CSGT cho xong Ảnh: Trọng Đảng
Do thủ tục rườm rà nên một số người vi phạm muốn tự thỏa thuận
với CSGT cho xong. Ảnh: Trọng Đảng.

Lấy giấy tờ xe, nộp phạt: 37 ngày

Chiều 2-3, anh Nguyễn Đình Công, người dân ở phường Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng) đi ô tô sang Gia Lâm, đi đến cầu Long Biên anh dừng xe đón một người đi cùng, do đỗ sai quy đinh nên anh bị đội CSGT làm nhiệm vụ trên cầu Long Biên lập biên bản.

Vội nhưng anh Công vẫn chấp hành đầy đủ thủ tục xử lý vi phạm của CSGT như ký vào văn bản vi phạm, giao nộp bằng lái, giấy tờ xe và nhận giấy hẹn ngày 6-3 đến trụ sở CSGT để làm các thủ tục.

Ba ngày sau, anh Công đến trụ sở CSGT gần nơi vi phạm để giải quyết vi phạm, kết quả buổi làm việc anh nhận được một quyết định xử phạt 800.000 đồng cho lỗi đỗ sai quy định và phải ra kho bạc nộp tiền, sau đó thì cầm biên lai quay trở lại để giải quyết tiếp.

Phải mất thêm 3 ngày đi lại nữa, anh Công mới lấy được biên lai nộp phạt chuyển cho đội CSGT. Nhưng sau khi đã hoàn thành các thủ tục nộp phạt, thay vì được nhận lại giấy tờ xe, anh Công nhận tiếp một giấy hẹn khác, ghi 30 ngày sau đến nhận bằng lái xe bị giữ do lỗi đỗ sai quy định.

“Như vậy để hoàn thành thủ tục xử phạt 800.000 đồng tôi đã mất 7 ngày đi lại, và để nhận được giấy tờ xe tôi phải mất thêm 30 ngày nữa”, anh Công phân trần.

Thời gian qua, nhiều người đi xe máy khi vi phạm luật giao thông cũng mất từ 3 đến 5 ngày đi lại mới làm xong thủ tục nộp phạt. Ngày 8-3 vừa qua, anh Trịnh Đình Xuân, người dân ở phố Nguyễn Trãi đã bị CSGT lập biên bản xử lý.

Mức phạt cho lỗi vượt đèn đỏ, anh Xuân phải nộp trên 200 nghìn đồng không được giải quyết trên đường nên sau khi lập biên bản, anh Xuân nhận giấy hẹn về trụ sở giải quyết. Và sau 5 ngày đi lại, anh Xuân đã xin được giấy phép và đăng ký xe. “Thủ tục xử phạt quá rườm rà, khiến chúng tôi bị ức chế hơn là được giáo dục”, anh Xuân nói.

Với nhiều người phải đi ra các tỉnh thành khác thì sự ức chế này càng cao. Do không thể chuyển về nơi cư trú hay ủy thác cho người khác giải quyết nên khi vi phạm luật giao thông mọi người phải ở lại nhà người quen thêm nhiều ngày mới giải quyết được.

Lập tài khoản cho chủ phương tiện

Không chỉ người dân mà nhiều cán bộ, lãnh đạo CSGT Hà Nội khi trao đổi với PV Tiền Phong đều thừa nhận, thủ tục giải quyết vi phạm giao thông hiện quá nhiều giấy tờ, văn bản.

Trung tá Nguyễn Văn Tòng, đội trưởng đội CSGT số 1, Công an Hà Nội cho rằng, thủ tục như vậy rất dễ phát sinh tiêu cực, “Chỉ riêng việc xử phạt ô tô đỗ sai quy định mỗi trường hợp chúng tôi phải làm và ra quyết định trên khoảng 5 loại giấy tờ”.

Trung tá Nguyễn Văn Đức, đội trưởng đội CSGT số 2 cũng cho biết, ngoài thủ tục rườm rà, việc người dân vi phạm có lỗi vượt quá 200 nghìn tiền phạt thì phải đưa về đội, và trên 500 nghìn phải đưa lên phòng đang gây quá tải cho trụ sở CSGT. Điều này cũng khiến CSGT phải mất nhiều thời gian cho việc xử phạt.

Theo trung tá Nguyễn Hồng Thái, đội trưởng đội CSGT số 4, để giảm bớt rườm rà, hạn chế tiêu cực, lực lượng CSGT có thể tập trung nhiều hơn cho hướng dẫn điều tiết giao thông, sắp tới thủ tục xử phạt vi phạm nên đổi mới và nếu có thể nên áp dụng thẻ tài khoản cho chủ phương tiện như nước ngoài đã làm.

Theo đó, khi đăng ký, đăng kiểm chủ phương tiện bắt buộc phải có thẻ tài khoản (như thẻ ATM - PV) cho xe của mình, nếu chủ phương tiện có tài khoản thì khi vi phạm CSGT chỉ cần lập biên bản, ghi số tiền tương ứng với lỗi vi phạm, kho bạc sẽ tự trừ số tiền này trong tài khoản của người vi phạm.

Thượng tá Đào Vĩnh Thắng, Phó trưởng Phòng CSGT, Công an Hà Nội cũng nhất trí với chủ trương cần phải thay đổi thủ tục xử phạt và nghiêng về phương án lập thẻ cho phương tiện: “Sắp tới chúng tôi sẽ kiến nghị phương án này lên thành phố và các bộ liên quan. Nếu thời gian đầu chưa áp dụng cho mọi phương tiện thì có thể áp dụng thí điểm cho ô tô cá nhân”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG