Miệng giếng sâu nhất Việt Nam từ trên xuống. |
Nguyễn Văn Tuấn, 27 tuổi kỹ sư trẻ Ban Quản lý Dự án đầu tư khai thác lò trên mức âm 50 - Cty Than Hà Lầm là người trực tiếp đưa tôi thăm nhà ông Địa. Tuấn là người có 5 năm tu nghiệp tại Trung Quốc chỉ để học về khai thác lò giếng đứng. Thấy vẻ căng thẳng của tôi, anh trấn an, ai lần đầu xuống dưới độ sâu như vậy cũng hồi hộp.
Tuấn bảo, 5 năm học ở Trung Quốc, Tuấn đã xuống mức sâu gần âm 900m nhưng khi đặt chân xuống giếng ở mức âm 300m vẫn xúc động bởi đây là lần đầu tiên người Việt, công nhân Việt được tiếp cận và làm chủ công nghệ mới mẻ này mà không phải qua sách vở... Nhà báo cứ yên tâm, cứ coi như đi thang máy từ tầng thứ 100 xuống.
Trước khi đưa tôi xuống giếng, Tuấn trang bị cho tôi những kiến thức cơ bản khi xuống lò sâu vì mức âm càng lớn thì áp xuất thay đổi và để tránh ù tai thì phải hít sâu phùng má rồi thở đều đều, nhìn xuống chân thay vì nhìn lên…
Tuấn yêu cầu tôi mặc quần áo bảo hộ, mang ủng, như thợ lò, đội mũ, đèn và dây đai an toàn. Tất nhiên, tôi phải tạm biệt chiếc máy ảnh còm, điện thoại di động vì đưa chúng xuống dưới lò không còn tác dụng sử dụng nhưng lại có thể thừa tiềm ẩn gây cháy nổ.
Trên mặt bằng rộng vài hécta, cách trung tâm chỉ huy Cty Than Hà Lầm khoảng 5 km, sừng sững hai thiết bị nhà dàn kết nối với thiết bị nâng hạ lên xuống giếng. Hôm tôi tới, việc đào lò đã được tạm dừng và các chuyên gia đang chỉ đạo việc ngăn nước chảy xuống lò và giữ cho đường lò phía dưới không bị ngập.
Tôi hỏi Tuấn là không thấy miệng giếng? Tuấn cười, miệng giếng luôn được bịt kín và chỉ mở khi đưa người, thiết bị xuống. Lại gần miệng giếng khổng lồ tôi giật mình. Chỉ cách miệng giếng khoảng 20m, ánh sáng bị bóng tối nuốt chửng.
Chuẩn bị xuống lò. |
Cẩn thận trèo vào thùng sắt, để xuống giếng, tôi nín thở vì chiếc thùng như đang rơi vào hư không.
Với tốc độ 5 m/giây, để xuống đáy giếng mất gần 5 phút. Càng xuống sâu, tôi càng thấy khó thở và tai ù.
Xuống đáy lò, Tuấn đưa tôi vào một đường lò đang đào dở dang, đường lò này sẽ sớm nối với các giếng phụ và giếng thông hơi. Tuấn bảo, điều đặc biệt nhất của dự án chính là đào xuyên qua những lớp đá dày, xử lý nước ngầm và đổ bê tông thành giếng. Xây dựng thì xây từ mặt đất lên nhưng làm lò giếng đứng thì xây từ trên xuống. Đào tới đâu đổ bê tông tới đó và thành bê tông bám treo vào thành giếng rồi cứ thế xuống sâu dần.
Hiện, ngành than Việt Nam mới khai thác ở lò giếng đứng đến mức âm 97m là sâu nhất tại mỏ Mông Dương, còn đường lò nghiêng sâu nhất cũng chỉ ở mức âm 250. Dự kiến, cuối năm 2012, sẽ ra những tấn than đầu tiên từ độ sâu 420m kỷ lục này. |
Ông Trương Ngọc Linh, Phó Giám đốc Cty CP Than Hà lầm cho biết, hiện tại công nghệ lò giếng không lạ với những nước có nghề khai thác than nổi tiếng như Nhật, Ba Lan, Nga, Trung Quốc nhưng với Việt Nam là rất mới. Nhưng, chỉ có khai thác lò với công nghệ này mới khai thác được quy mô lớn, tiết kiệm chi phí sản xuất…
Cty Than Hà Lầm phải làm lò giếng đứng vì trữ lượng than ở các tầng phía trên đang cạn dần, nếu khai thác ở mức âm 300m thì trữ lượng than có thể khai thác trong 50 năm. Nếu khai thác từ dưới âm 300m đến 700m thì sẽ đào sâu thêm giếng, tuổi thọ mỏ có thể lên tới 150 năm. Nếu khai thác ở dưới mức âm 700m thì ít nhất cũng phải 200 năm nữa mới khai thác hết than tại vùng mỏ Hà Lầm.
Việt Nam chỉ có Cty Than Mông Dương khai thác lò giếng đứng nhưng độ sâu không lớn. Hà Lầm tự hào được tham gia xây dựng công trình từ giai đoạn ban đầu.
Ông Nguyễn Minh Sơn, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Cty CP Than Hà Lầm (Vinacomin) cho biết, cho đến nay, cơ bản hệ thống giếng đã thi công xong chỉ còn đào lò và lắp thiết bị. Tham gia vào dự án ngoài các chuyên gia nước ngoài, Cty cũng có một lớp kỹ sư còn rất trẻ và họ đã cơ bản làm chủ kỹ thuật dự án.
Cùng một điều kiện như nhà thầu Trung Quốc, trong tương lai những kỹ sư trẻ này là vốn quý của ngành Than Việt Nam vì họ đã học được rất nhiều về công nghệ, quy trình dự án. Hiện, có thể nói dự án này là điểm khởi đầu để người công nhân Việt Nam có thể thi công lò giếng đứng.