Mua đường cát tại siêu thị Co.op Mart. Ảnh: CTV. |
Chỉ nghe hứa
Chương trình bình ổn giá đến Tết Tân Mão được UBND TPHCM triển khai từ đầu tháng 6-2010 với 8 mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu và giao 14 doanh nghiệp (DN) thực hiện với tổng mức hỗ trợ vốn trên 380 tỷ đồng. Giá bán của DN tham gia thấp hơn sản phẩm cùng loại trên thị trường ít nhất 10%.
Tuy vậy, nghệ sỹ Quyền Linh, đại sứ hàng Việt, vẫn bức xúc: Nhiều bà con vùng sâu, vùng xa gặp tôi, chất vấn “tại sao vận động người Việt dùng hàng Việt lại không vận động DN Việt ưu tiên người tiêu dùng Việt? Mới đây, tôi về huyện nghèo Cần Giờ, có người dân xách bịch đường đến cho biết vừa mua với giá 27.000 đồng/kg, cao hơn so với giá bình ổn 9.000 đồng. Đối với người nghèo, vài nghìn đồng lớn lắm.
Nhiều người dân ví von, chờ xe đưa hàng bình ổn của thành phố về địa phương như “nắng hạn chờ mưa”. Các DN hứa sẽ về nhưng lại không cho biết ngày, giờ cụ thể, làm dân chờ dài cổ. Có DN nói đã đưa lịch về các địa phương lên website của DN, nhưng vùng sâu, vùng xa cơ sở hạ tầng không có, dân trí thấp, thử hỏi làm sao người dân nắm được thông tin?
NSƯT Kim Xuân, đại sứ hàng Việt, cho biết không chỉ vùng sâu, vùng xa, “bão” giá đã làm nhiều công nhân, gia đình nghèo trong các khu lao động thuộc nội ô thành phố phải rau dưa qua ngày. “Mong sao chương trình dành một phần quan tâm đến số bà con này” - chị Xuân nói.
Theo bà Lê Ngọc Đào, Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM, Sở vừa làm việc với BQL các KCX, KCN (Hepza), các huyện Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ và 6 xã nông thôn mới (huyện Hóc Môn) để đưa hàng bình ổn vào bếp ăn tập thể các KCX, KCN, tìm mặt bằng bố trí bán hàng bình ổn. “Tuy đã mở hàng nghìn điểm bán, thực hiện nhiều đợt đưa hàng bình ổn đến vùng sâu, vùng xa song chương trình vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân” - Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng thừa nhận.
Hàng Việt phục vụ bà con nghèo vùng sâu, vùng xa. Ảnh: CTV . |
Xếp hàng mua, bán kiếm lời
Bà Lê Ngọc Đào cho hay: Có nhiều điểm trước kia chỉ bán được vài trăm kg đường/ngày, hiện nay có ngày bán trên 10 tấn. Đưa hàng ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Có hiện tượng nhiều người xếp hàng vào mua rồi đưa ra thị trường bán kiếm lời.
Theo bà Bùi Hạnh Thu, Phó tổng giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), sức mua của 4/8 mặt hàng bình ổn giá, gồm gạo, dầu ăn, thực phẩm chế biến và đặc biệt là đường cát tại chuỗi siêu thị Co.op Mart những ngày gần đây tăng 30 - 40% so với các tháng trước.
Mới đây, Saigon Co.op buộc phải đưa ra “mức trần”: Mỗi khách chỉ được mua tối đa 2kg đường/ngày. “DN đủ khả năng cung cấp. Quy định trên là nhằm hạn chế tình trạng thu gom, tích trữ hàng bình ổn để trục lợi” - ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op khẳng định.
Do chênh lệch giá khá lớn giữa hàng bình ổn và hàng cùng loại trên thị trường nên nhiều DN tham gia chương trình buộc phải hạn chế lượng bán đối với một số mặt hàng. Cty TNHH một thành viên Lương thực TPHCM (chuỗi cửa hàng FoocoMart tại TPHCM) yêu cầu các cửa hàng chỉ được bán 3 kg đường (hoặc 3 chai dầu ăn) cho mỗi khách hàng sau khi nhận được nhiều đơn hàng đặt mua cùng lúc hàng trăm kg đường, hàng trăm chai dầu ăn. Cty Vĩnh Thành Đạt yêu cầu các điểm bán hàng bình ổn giá trực thuộc chỉ được bán cho mỗi khách hàng 2- 3 vỉ trứng...
Ông Đặng Văn Đức, Chi cục trưởng QLTT TPHCM cho biết mới đây, lực lượng QLTT đã phát hiện, xử lý DN Bình Mai (quận Tân Phú) có hành vi “găm” hơn 10 tấn đường.
Ngoài 8 mặt hàng bình ổn giá, làm việc với các sơ, ngành chức năng và lãnh đạo 24 quận - huyện mới đây, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân yêu cầu kiểm tra giá cả các mặt hàng thiết yếu khác như thuốc, sữa, các loại dịch vụ ăn uống, khách sạn, cước vận chuyển... và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Theo Sở Tài chính, qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện nhiều cửa hàng tuy treo bảng điểm bán hàng bình ổn giá nhưng thực tế lại không có hàng. Một số DN tích trữ, găm hàng chờ đến thời điểm giá tăng mới tung ra bán.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đánh giá: Chương trình bình ổn thị trường đã khẳng định sức lan tỏa và vai trò dẫn dắt giá cả (các mặt hàng thiết yếu) trên thị trường; thực sự trở thành một trong những công cụ điều tiết giá một cách hữu hiệu, thiết thực của thành phố. |