Điệp khúc cà phê chín rộ thì thiếu nhân công. |
Với chủ trương chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su, hiện nay tỉnh Gia Lai có 14 doanh nghiệp được giao đất trồng cao su với diện tích lớn. Theo đó, hai địa phương được quy hoạch chuyển đổi đất sang trồng cao su nhiều nhất là xã Ia Púch (Chư Prông) và Ia Blứh (Chư Pưh).
Cao su hút nhân công
Xã Ia Blứh có 5 doanh nghiệp được giao đất trồng cao su. Các doanh nghiệp này đang gấp rút triển khai dự án nên cần nhiều lao động. Hầu hết lao động làm cao su được thuê theo thời vụ, tùy vào nhu cầu từng đợt: đào hố, trồng, bón phân, làm cỏ… Hiện là thời vụ làm cỏ của cây cao su. Mỗi ngày công làm cỏ dao động từ 70 đến 80 nghìn đồng.
Một số công ty đã khoán trắng cho công nhân nên thu hút nhiều lao động địa phương. Nhiều người tranh thủ đi làm từ sớm đến tối mịt, có người kiếm được gần 400 nghìn đồng/ngày. Vợ chồng anh Nguyễn Thắng (xã Ia Blứh) có ngày thu vào gần 1 triệu đồng nhờ nhận khoán làm cỏ cao su.
Chị Lê Thị Minh (thôn Thiên An, xã Ia Blứh) cho biết: “Tôi đang làm cho Cty 194 theo hình thức khoán ngày, mỗi ngày được trả 70 nghìn đồng. Hàng ngày chỉ xạc cỏ, vun gốc cao su, thấy công việc phù hợp với chị em trong thôn nên nhiều người rủ nhau vào đây làm”.
Ông Hoàng Minh Tiến, Cán bộ quản lý Cty Cổ phần Đầu tư Xây dựng 194, cho biết: “Thường các nông trường cao su của chúng tôi thuê từ 120 - 150 nhân công, nay bước vào vụ thu hái cà phê, nhân công chỉ còn lại chưa tới một nửa. Tới đây chúng tôi sẽ điều tiết lại công việc cho phù hợp với thời vụ và kêu gọi thêm nhân công”.
Làm cỏ cao su thu hút nhiều lao động. |
Cà phê chờ rụng
Mùa thu hái cà phê ở Tây Nguyên đã vào vụ được gần một tháng nhưng nhiều rẫy cà phê chín úa vẫn chưa được hái. Với thời tiết mưa gió thất thường như hiện nay, trong khoảng nửa tháng nữa, nếu không được thu hái kịp thì số cà phê này có nguy cơ bị rụng.
Anh Nguyễn Duy Hậu (xã Ia Le, huyện Chư Pưh) có 8ha cà phê đang chín rộ nhưng vẫn cất công tìm kiếm nhân công. “So với nhiều năm thì năm nay khó thuê nhân công lắm. Mấy năm trước công hái cà phê cao nhất cũng chỉ lên đến 70 nghìn/ngày, năm nay công đã tăng lên 100 nghìn/ngày mà vẫn khó kiếm người” - anh Hậu nói.
Hiện tại, nhiều gia đình có vườn cà phê chín rộ đành phải tổ chức cho người nhà đi hái theo kiểu cầm chừng “được bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu”. Sợ cà phê chín rộ rụng trái và nạn hái trộm nên nhiều chủ vườn về Bình Định, Phú Yên, Nghệ An, Hà Tĩnh… hoặc nhờ người quen tìm kiếm người làm. “Giá nhân công được nâng lên 80-100 nghìn đồng, bao ăn bữa trưa nhưng nhân công lao động vẫn tìm không ra, giờ chỉ biết chờ”, ông Phương ở xã Ia Blứ, cho biết.
Ông Cao Xuân Hưởng, cán bộ trang trại Tam Ba (huyện Chư Pah, Gia Lai), nói: “Diện tích cà phê của trang trại 123ha đã bắt đầu vào vụ, trước mắt chỉ thuê nhân công khoảng 30 người đi hái quả chín chứ chưa hái đại trà. Khi nào độ chín của cây trên 90% thì mới thuê nhiều nhân công để hái, khi đó lượng cà phê của các hộ dân cư cũng đã hái xong thì mình sẽ thuê được nhiều công một lúc. Nếu cao điểm thì trang trại thuê trung bình từ 200 đến 300 người/ngày. Giờ mà đẩy giá lên cao cũng chưa chắc có người mà thuê”.
Nhiều người trồng cà phê cố tìm nhân công nên vô tình đẩy giá công lao động lên cao. Mặt khác, việc làm nhanh, làm vội khiến cho cây cà phê dễ gãy cành, ảnh hưởng năng suất vụ sau. Đặc biệt, việc hái đại trà sớm sẽ thu nhiều quả non làm giảm năng suất, sản lượng và chất lượng cà phê.