'Vinashin đã vay thì phải trả'

Ông Hồ Nghĩa Dũng
Ông Hồ Nghĩa Dũng
TP - "Chúng tôi khẳng định Vinashin đã vay thì phải trả, chứ không ai trả thay cả" - Ông Nguyễn Ngọc Sự - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Vinashin nói tại buổi họp báo về vấn đề tái cơ cấu Vinashin chiều muộn ngày 19-11.

 >> Thủ tướng phê duyệt Đề án Tái cơ cấu Vinashin
 >> Không thành lập ủy ban lâm thời điều tra trách nhiệm vụ Vinashin
 >> Đã làm rõ sai phạm của Vinashin

TP - "Chúng tôi khẳng định Vinashin đã vay thì phải trả, chứ không ai trả thay cả" - Ông Nguyễn Ngọc Sự - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Vinashin nói tại buổi họp báo về vấn đề tái cơ cấu Vinashin chiều muộn ngày 19-11.

Buổi họp báo này do Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng chủ trì đã cho thấy hình hài một Vinashin sau khi tái cơ cấu.

Ông Hồ Nghĩa Dũng
Ông Hồ Nghĩa Dũng.

Bộ GTVT sẽ không lơ mơ với Vinashin

Trước đây mỗi khi hỏi về Vinashin, Bộ GTVT đều nói không biết; vậy sau khi tái cơ cấu, Bộ GTVT có vai trò gì với đơn vị này?

Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng: Trước đây, vai trò chủ sở hữu, quản lý nhà nước của bộ GTVT hay các Bộ khác nói chung được quy định cụ thể trong các quyết định của Thủ tướng. Trong đó, Bộ GTVT được giao một số nội dung thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu.

Thú thực, với nội dung như vậy, cách tiếp cận, nắm vấn đề và thực hiện của Bộ trong thời gian vừa rồi có hạn chế. Bởi vì các nội dung chỉ tập trung vào cho ý kiến, góp ý về những vấn đề mà HĐQT Vinashin trình Thủ tướng, và cùng với các bộ khác tham gia giám sát thực hiện đầu tư của Tập đoàn Vinashin. Do đó, thật sự Bộ GTVT nắm bắt vấn đề có hạn chế.

Sau khi xảy ra vấn đề Vinashin, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan xem xét để có điều chỉnh thích hợp. Mục tiêu là đảm bảo quyền chủ động hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng phải tăng cường quản lý nhà nước và giám sát doanh nghiệp theo định hướng như vậy.

Cho nên khi Thủ tướng phê duyệt Đề án Tái cấu trúc Vinashin, nhiệm vụ của Bộ GTVT đã cụ thể hơn. Trong điều lệ phê duyệt hoạt động của tập đoàn, lần này, vai trò quản lý ngành của Bộ GTVT được đặt ra cụ thể hơn.

Tức là, trước đây, nếu như Bộ GTVT chỉ có nhiệm vụ góp ý kiến thì nay tất cả vấn đề lớn như quy hoạch và mục tiêu phát triển, tổ chức cán bộ..., Bộ GTVT được chủ trì thẩm định, trình Chính phủ. Chính phủ cũng giao trực tiếp việc thực hiện chỉ đạo đó.

Đến hạn trả, một số chủ nợ tìm Vinashin để đòi nhưng không thấy trả lời?

Ông Nguyễn Ngọc Sự - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Vinashin: Đây là một khoản nợ do các tổ hợp chủ nợ cho vay. Khoản nợ sẽ phải trả đầu tiên đáng lẽ vào ngày 20-12 tới đây.

Tuy nhiên, tình hình Vinashin đang khó khăn nên chúng tôi đã gặp gỡ một vài lần với đầu mối nợ Credit Suisse để trao đổi những khó khăn. Họ đã yêu cầu tập đoàn gửi một số thông tin liên quan tới tình hình tái cơ cấu.

Chúng tôi cũng nói rõ vì khó khăn nên đang phải tái cơ cấu, còn nợ thì phải trả. Tuy nhiên chúng tôi xin giãn nợ một năm tức là sẽ trả vào ngày 20-12-2011. Về mặt nguyên tắc, Credit Suisse ủng hộ nhưng họ chỉ là đại diện của tổ hợp nên không quyết định được và yêu cầu Vinashin gửi một lá thư. Ngày 20-11, chúng tôi sẽ gửi lá thư này.

Đã vay thì phải trả

Tái cấu trúc sắp xếp, thu gọn 216 đầu mối doanh nghiệp thì giải quyết nợ như thế nào?

Ông Nguyễn Ngọc Sự: Khoản nợ của Vinashin như đã báo cáo, chúng tôi đầu tư vào công trình, nhà máy, các con tàu đang đóng dở. Tất cả các khoản nợ này đang nằm trong công trình dở dang. Chúng tôi khẳng định Vinashin đã vay thì phải trả, chứ không ai trả thay cả.

Vinashin cũng phải tổ chức tái cơ cấu sản xuất, bán đi các dự án không liên quan lĩnh vực chính. Chúng tôi cũng thực hiện các biện pháp như: Đổi mới doanh nghiệp, cổ phần hoá, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; thêm được các con tàu có khấu hao, có lợi nhuận...thì sẽ trả được nợ.

Trong quá trình tái cơ cấu, các đơn vị sẽ không tự xử lý vì tập đoàn có chủ trương tất cả doanh nghiệp tập trung tài chính về tập đoàn để chúng tôi giải quyết tổng thể. Trong nhiều khoản nợ, có các khoản nợ kéo theo, do đó phải tập trung về tập đoàn để xử lý vĩ mô ở trên.

Chúng tôi tin rằng sẽ thực hiện được tái cơ cấu và trả được nợ. Các chủ nợ sẽ đến gặp trực tiếp tập đoàn để giải quyết. Tất nhiên không thể ngay một lúc được, vì quá trình tái cơ cấu cần phải có thời gian.

Tổng nợ 53.000 tỷ đồng theo lộ trình trả nợ sau khi tái cơ cấu và số phận của tàu Bạch Đằng Giang, Hoa Sen hiện nay?

Ông Nguyễn Ngọc Sự: Sau khi bàn giao các tàu cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng Cty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), tổng số nợ của chúng tôi giảm xuống còn 63.223 tỷ đồng (trong tổng nợ 86.000 tỷ đồng).

Dự kiến, Vinashin sắp xếp 216 doanh nghiệp với nguyên giá các dự án (của các doanh nghiệp này) 23.073 tỷ đồng. Có nhiều dự án rất có tiềm năng: các khu đất, khu công nghiệp...

Nếu trong điều kiện tốt, tập đoàn sẽ bán những dự án này, ít nhất cũng thu được tương đương giá đầu tư ban đầu. Cứ cho là bằng giá mua ban đầu, chúng tôi cũng thu được 23.000 tỷ đồng. Như vậy, tổng số nợ xuống còn hơn 40.000 tỷ đồng. Số nợ này trên số vốn điều lệ là 14.655 tỷ đồng, tức mới chỉ hơn 2,8 lần. Đây là con số hoàn toàn kiểm soát được, trong sự cho phép nợ trên vốn điều lệ.

Làm thế nào để trả nợ hơn 40.000 tỷ đồng? Thứ nhất, các con tàu của tập đoàn đang đóng, tất nhiên lãi chưa có, nhưng sẽ có nguồn khấu hao năm nay. Thứ hai, sang năm, nếu đóng tàu đúng tiến độ sẽ có lãi, đó là nguồn để trả. Thứ ba, trong số các doanh nghiệp chúng tôi giữ lại, sẽ có doanh nghiệp được cổ phần hóa. Cổ phần hóa được sẽ có tiền trả nợ. Như vậy, chúng tôi hoàn toàn nhìn thấy nguồn để trả.

Ông Ngô Tùng Lâm - Phó Tổng GĐ phụ trách sản xuất Vinashin: Chúng tôi đã chuyển giao tàu Hoa Sen cho Vinalines. Còn tàu Bạch Đằng Giang, các trang thiết bị, máy chính và máy đèn hiện đang được bảo quản ở Tổng Cty Công nghiệp Tàu thủy Nam Triệu (Nasico) với tổng giá trị 109 tỷ đồng. Riêng giá trị thu hồi từ vật tư vỏ tàu là hơn 66 tỷ đồng. Nasico cũng đã có các phương án sử dụng trang thiết bị này cho những con tàu sẽ đóng tới đây.

Chủ tịch HĐQT Vinalines Dương Chí Dũng: Tàu Hoa Sen là một trong 26 tàu mà Vinalines tiếp nhận từ Vinashin. Trong số này, chúng tôi đã đưa vào hoạt động 23 tàu. Với tàu Hoa Sen, chúng tôi đã nỗ lực đàm phán với 3 khách hàng nước ngoài. Đến giờ, chúng tôi đã chọn một khách hàng.

Dự kiến từ ngày 5 đến 8-12 này sẽ bàn giao tàu Hoa Sen cho họ. Các tàu khác đưa vào hoạt động đã có doanh thu. Năm 2010, tổng doanh thu của đội tàu từ Vinashin chuyển sang đạt trên 1.400 tỷ đồng.

Đình Thắng
Thực hiện

MỚI - NÓNG
Chuối Việt Nam 'nhảy vọt’ ở Trung Quốc
Chuối Việt Nam 'nhảy vọt’ ở Trung Quốc
TPO - Xuất khẩu rau quả của Việt Nam năm 2024 đạt hơn 7,2 tỷ USD - con số kỷ lục từ trước tới nay. Trong đó nhiều mặt hàng trái cây tăng trưởng 20-40%, đặc biệt chuối tươi chiếm tới 42% thị phần và vượt qua cả Philipine, Ecuado tại thị trường Trung Quốc.