>> Không xem xét tố cáo nặc danh sẽ bỏ sót vi phạm
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cho biết, liên quan đến vấn đề này có hai loại ý kiến: Loại thứ nhất, chỉ xem xét đơn tố cáo rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo; Loại thứ hai cho rằng cần qui định đối với tố cáo không rõ tên, địa chỉ nhưng nội dung tố cáo rõ ràng, có bằng chứng, cơ sở để thẩm tra, xác minh thì phải xem xét, giải quyết.
Đa số thành viên Uỷ ban Pháp luật tán thành quan điểm của dự luật: "Người tố cáo phải nêu rõ họ tên, địa chỉ; trình bày trung thực nội dung tố cáo, cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được". Ủy ban này cho rằng, quy định này nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của công dân trong việc thực hiện quyền tố cáo.
Phải bổ sung quy định trách nhiệm cụ thể trong luật để bảo vệ người tố cáo. Có như vậy, người tố cáo mới yên tâm - ĐB Vũ Hồng Anh |
Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị coi tố cáo nặc danh là một hình thức tố cáo hợp pháp. Theo ĐB Đặng Huyền Thái (Hà Nội), không quan tâm tố cáo nặc danh sẽ là một thiếu sót. Thực tế, đơn nặc danh tố cáo đúng có tỷ lệ khá cao.
"Chúng ta cần có quy định bảo vệ được danh tính người tố cáo như ghi lại số chứng minh thư để trên cơ sở đó cơ quan chức năng có thể liên hệ được với họ khi họ cần giấu tên"- ĐB Thái đề xuất.
Có ĐB cho rằng dự luật có tới 5 điều về bảo vệ người tố cáo, do đó không nên thừa nhận đơn tố cáo nặc danh.
"Không nên coi đơn thư nặc danh là hợp pháp. Bởi vì mỗi lần bầu cử, đại hội lại có nhiều đơn tố cáo nặc danh. Cơ quan chức năng mất rất nhiều công sức, tiền của để xác minh, giải quyết. Thế nhưng trong trường hợp đơn sai sự thật sẽ không thể xử lý được người viết đơn"- ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) nói.
ĐB Nguyễn Phạm Ý Nhi (Hà Nội) cho rằng, chính vì hiện nay người tố cáo chưa được bảo vệ nên mới dẫn đến tố cáo nặc danh. Nên quy định đầu mối, trách nhiệm về bảo vệ người tố cáo, bởi họ thường bị đe dọa, trù dập.
"Phải bổ sung quy định trách nhiệm cụ thể trong luật để bảo vệ người tố cáo. Có như vậy, người tố cáo mới yên tâm"- ĐB Vũ Hồng Anh nói.
Theo ĐB Vũ Quang Hải (Hưng Yên), cần làm rõ trách nhiệm của người giải quyết tố cáo. Người có trách nhiệm cố tình gây khó khăn, để vụ việc kéo dài phải bị xử lý. Hiện chưa thấy đề cập trách nhiệm người đứng đầu, nhất là lĩnh vực tư pháp. Đó là nguyên nhân khiến nhiều vụ việc không được giải quyết đến nơi đến chốn, người dân phải gửi đơn nhiều nơi làm phức tạp thêm tình hình.
"Thực tiễn qua đấu tranh chống tham nhũng cho thấy người tố cáo vẫn bị đe dọa, trả thù. Nếu không có chế tài đủ mạnh bảo vệ thì người tố cáo sẽ không dám tố cáo nữa"-ĐB Hải lo ngại.