Tổng kiểm tra các bãi vàng Phước Sơn

Người rừng Đinh Văn Diết với vết thương lở loét ở tay
Người rừng Đinh Văn Diết với vết thương lở loét ở tay
TP - Chiều 31-10, lãnh đạo Công an huyện Phước Sơn, Quảng Nam cho biết, công an huyện bắt đầu kiểm tra các bãi vàng trên địa bàn, sau khi xảy ra vụ người rừng Đinh Văn Diết.

 >> Cai vàng biến trẻ em thành người rừng
 >> Nỗi kinh hoàng của 'người rừng' sống trong hang đá
 >> Phát hiện 'người rừng' trốn trong hang đá

Đường vào các bãi vàng ở Phước Sơn gian nan
Đường vào các bãi vàng ở Phước Sơn gian nan . Ảnh: N.Thành

Câu chuyện người rừng Đinh Văn Diết trốn khỏi bãi vàng ở Phước Sơn hé lộ một đường dây chuyên dẫn dụ trẻ em, nhất là trẻ em dân tộc thiểu số vào bãi vàng.

Trao đổi với Tiền Phong, trung tá Phan Thanh Tuấn, Phó trưởng công an huyện Bắc Trà My cho biết: “Công an đang điều tra các đối tượng dụ dỗ lao động trên địa bàn huyện. Chúng tôi đã xác định hai đối tượng Dương Thuận (1989, trú thôn 8, Trà Tân, Bắc Trà My) và Hồ Thị Ngời (1968, trú thôn 4 Trà Bui, Bắc Trà My) có hành vi dụ dỗ lao động trẻ em đi làm công tại các địa phương khác. Hồ Thị Ngời bước đầu đã thừa nhận hành vi của mình”.

Cũng theo ông Tuấn, còn nhiều đối tượng khác đang bị điều tra nhưng cơ quan công an chưa thể cung cấp thông tin. Hầu hết các đối tượng dụ dỗ lao động đều móc nối với người dân địa phương, lợi dụng lòng tin để mua chuộc và lừa họ đi lao động với mức lương 2 - 3 triệu đồng/ tháng. Công an Bắc Trà My đang mở rộng điều tra để sớm chấn chỉnh tình trạng dụ dỗ lao động nghèo, đặc biệt là lao động trẻ em.

Thượng tá Đào Quang, Trưởng Công an huyện Phước Sơn, cho biết: Ngay sau khi Đinh Văn Diết khai trốn từ bãi vàng ở địa bàn Phước Sơn và thừa nhận mới 14 tuổi, Công an huyện đã cử các trinh sát vào tất cả các bãi vàng ở xã Phước Thành và Phước Lộc. Do địa hình phức tạp, đường núi hiểm trở và thời gian này đang có mưa lớn ở thượng nguồn nên việc điều tra sẽ phải kéo dài.

“Tôi cũng rất bất ngờ trước sự việc em Diết. Nếu đúng như lời kể của Diết thì quả là báo động và cần phải chấn chỉnh ngay. Tuy nhiên, với sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị, trước khi Diết hoàn toàn bình phục và tỉnh táo, chúng tôi quyết định ra quân kiểm tra toàn bộ các bãi vàng, đặc biệt vấn đề lao động trẻ em” - thượng tá Quang nói.

Mặc dù vậy, theo ông Quang, việc phát hiện các chủ bãi vàng sử dụng, đối xử thậm tệ với trẻ em rất khó. “Đường sá xa xôi, khi vào thì họ đã phi tang hết chứng cớ. Mà có phát hiện chúng tôi cũng chỉ phạt hành chính, nếu nghiêm trọng xử theo hình sự chứ không thể rút giấy phép. Việc rút giấy phép phải do chính quyền, họ sai đến đâu, mức độ nào thì mới bị rút. Ngoài ra, phần lớn trường hợp sử dụng lao động trẻ em rơi vào các chủ bãi khai thác trái phép, thổ phỉ nên việc kiểm tra lại khó gấp bội” - Ông Quang nói.

Về câu hỏi, có hay không nhiều nô lệ trẻ em ở các bãi vàng, thượng tá Đào Quang nói phải chờ kết quả điều tra.

Người rừng Đinh Văn Diết với vết thương lở loét ở tay
Người rừng Đinh Văn Diết với vết thương lở loét ở tay . Ảnh: Nguyễn Thành

Còn nhiều lao động trẻ em biệt tích

Nhiều năm trở lại đây, khi việc khai thác vàng ở huyện Phước Sơn có sự quản lý của chính quyền, nhiều đơn vị khai thác đã tìm cách lách luật, đưa trẻ em vào khai thác vàng rồi đối xử thậm tệ, thậm chí đánh đập, bỏ đói, cúp lương.

Ngoài phần lớn trẻ em ở các tỉnh như Hà Tĩnh, Nghệ An, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nam Định, thời gian gần đây nhiều chủ bãi nhắm vào trẻ em dân tộc ở các huyện lân cận như Nam Trà My, Bắc Trà My, Đông Giang, Nam Giang...

Theo tìm hiểu của PV, thôn Tân Hiệp (Trà Sơn, Bắc Trà My) có 185 hộ, 872 nhân khẩu thì người dân tộc Ca Dong và người Co chiếm trên 75%, đa số thuộc diện nghèo.

“Do thật thà nhẹ dạ, nhiều người nghe theo người lạ thuê đi hái cà phê, phát rẫy ở trong Nam với thu nhập hấp dẫn. Khi họ đi làm thì bị bóc lột thậm tệ, tiền công chỉ trả chưa bằng phân nửa. Có người bỏ trốn, bán điện thoại, đồng hồ, quần áo mới có tiền về quê. Có người thì đi hái cà phê ở Lâm Đồng, Đăk Lăk, nhưng cũng có người lại ở các bãi vàng tại Phước Sơn. Họ tự ý đi, không báo, nên thôn không nắm được” - Ông Dương Tấn Hoàng, Trưởng thôn Tân Hiệp nói.

Đặc biệt hơn, theo ông Hoàng, hiện thôn Tân Hiệp còn 20 lao động (trong đó có 7 phụ nữ) đi làm thuê lâu nay biệt tích, không liên lạc với gia đình, chính quyền xã cũng không biết họ đi đâu. “Phần lớn người lao động dưới 18 tuổi, không được học hành, gia đình nghèo. Theo tôi, số lao động này có thể đang ở các bãi vàng Phước Sơn” - Ông Hoàng nhận định.

Cũng theo ông Hoàng, lợi dụng việc quản lý nhân khẩu lỏng lẻo, các chủ bãi vàng dễ dàng dẫn dụ trẻ em vào bãi vàng lao động. Ông Hoàng lấy ví dụ, ở vụ người rừng Đinh Văn Diết, sáng 29-10, khi kiểm tra sổ hộ khẩu của gia đình Diết, chính quyền xã mới ngã ngửa rằng hầu hết anh, chị em của Diết như Đinh Văn Dũng (1974), Đinh Văn Non (1979), Đinh Thị Nin (1980), Đinh Thị Giác (1985), Đinh Thi Giang (1987) chưa được cấp CMND.

Ông Lê Doãn Phước, Chủ tịch UBND xã Trà Sơn nói: “Hầu hết dân trong xã là người dân tộc Ca Dong, trình độ còn hạn chế, không có công ăn việc làm ổn định nên thường bị dụ dỗ đi lao động. Tuy nhiên, họ làm gì, ở đâu, người nhà và chính quyền đều không hay biết, do hầu hết họ đi làm tự phát”.

MỚI - NÓNG