Tháng rưỡi mỏi mòn và hải trình thần tốc

“Sói biển” Mai Phụng Lưu siết chặt tay thượng tá Lý Ngọc Minh giữa vùng biển Hoàng Sa
“Sói biển” Mai Phụng Lưu siết chặt tay thượng tá Lý Ngọc Minh giữa vùng biển Hoàng Sa
TP - Trưa 26 - 10, tàu cảnh sát biển vùng 2 với số hiệu CSB 6006 cập cảng Dung Quất sau ba ngày ra Hoàng Sa đón chín ngư dân trở về sau 44 ngày mỏi mòn chờ đợi.

 >> Chín ngư dân đã trở về đất liền
 >> Tàu Cảnh sát Biển vùng 2 xuất phát cứu 9 ngư dân
 >> 'Sói biển' Mai Phụng Lưu

“Sói biển” Mai Phụng Lưu siết chặt tay thượng tá Lý Ngọc Minh giữa vùng biển Hoàng Sa
“Sói biển” Mai Phụng Lưu (trái) siết chặt tay thượng tá Lý Ngọc Minh giữa vùng biển Hoàng Sa . Ảnh: Nam Cường

Ra Hoàng Sa đón niềm khắc khoải

Đây là lần thứ 4 và cũng là lần bị giữ gian nan nhất của thuyền trưởng Mai Phụng Lưu và các thuyền viên tàu QNg 66478. Sau những lần được thả trở về thuận buồm xuôi gió, ngày 11-9 vừa rồi, anh Lưu cùng 8 người mất tích giữa khơi xa.

17h ngày 24-10, Thượng tá Lý Ngọc Minh phất cờ cho tàu CSB 6006 lên đường rẽ sóng biển Đông, thẳng tiến Hoàng Sa. Cùng đi có đại diện 2 báo, Tiền PhongTuổi trẻ.

10h ngày 25-10, thuyền trưởng Quản Ngọc Dung giương cao ống nhòm, reo lên vui sướng: Kia rồi, tàu Ngư Chính Trung Quốc đang lai dắt tàu cá của ta. 29 thủy thủ đoàn cùng nhóm PV reo hò vang mặt biển.

Chuẩn bị đón người thân trở về
Chuẩn bị đón người thân trở về .

Trong buồng chỉ huy, Thượng tá Minh căn đúng tọa độ: 16O30/ Bắc - 111O05/ Đông. Một tiếng sau, cả hai tàu cùng rú lên 3 hồi còi xã giao trên biển, xác nhận sẽ chính thức bàn giao tàu, người.

13h chiều 25-10, đúng tâm tọa độ bàn giao, Hoàng Sa chợt nổi sóng. Nắng chang chang, từng con sóng xô nghiêng chiếc ca nô vừa được hạ thủy. Mọi ánh mắt lo lắng nhìn về hướng tàu Ngư Chính Trung Quốc Zong Gouly Zeng 46013, phía sau là con tàu tả tơi của ngư dân Lý Sơn. Những cánh tay của 9 người đàn ông xứ biển giơ lên vẫy gọi. Đã 44 ngày, họ mới lại thấy người xứ mình…

Nước mắt giữa biển khơi

13h45, trên chiếc ca nô đầu tiên của tàu CBS 6006 cập sang tàu Ngư Chính Trung Quốc, sói biển Mai Phụng Lưu là người đầu tiên nhận ra tôi, mặc dù lần gặp nhau gần đây nhất giữa anh với PV Tiền Phong cũng đã hơn 6 tháng.

Thuyền trưởng tàu cá Mai Phụng Lưu
Thuyền trưởng tàu cá Mai Phụng Lưu . Ảnh: N.C - N.H

Anh hua tay, hét lên trong ầm ào gió biển: “Đến đây, đến đây đưa chúng tôi về!”. Cả 9 ngư dân cùng vẫy chào, ôm nhau reo hò. Những người đàn ông dạn dày sương gió xứ biển khóc ngon lành giữa Hoàng Sa lồng lộng.

14h đúng, sói biển Mai Phụng Lưu gày gò, hốc hác trong bộ quần áo đã 2 tháng không thay, đón lấy tay tôi, lôi tuột từ ca nô lên tàu cá. Anh Lưu bắt tay, ôm chặt lấy tôi cười hỉ hả: “Không ngờ lại được gặp em ở đây, ngay trong hoàn cảnh này. Âu đó cũng là cái duyên”.

Cha và con ông Mai Phụng Lưu trên biển Hoàng Sa
Cha và con ông Mai Phụng Lưu trên biển Hoàng Sa.

Bên cạnh anh Lưu là người đàn ông đầu bạc trắng, da ngăm đen tên là Nguyễn Đảng, hơn 70 tuổi. Dáng vẻ quắc thước in giữa nền biển xanh, nhưng chỉ thoáng chốc, nước mắt ông đã chảy dài. Ông tựa người vào mạn tàu, để mặc nước mắt rơi lã chã xuống biển Hoàng Sa. Lẽ ra giờ này ông đang an nhàn ở đảo tỏi, vui vầy bên con cháu.

14h đúng, sói biển Mai Phụng Lưu gầy gò, hốc hác trong bộ quần áo đã 2 tháng không thay, đón lấy tay PV Tiền Phong, lôi tuột từ ca nô lên tàu cá. Anh Lưu bắt tay, ôm chặt lấy tôi cười hỉ hả: “Không ngờ lại được gặp em ở đây, ngay trong hoàn cảnh này. Âu đó cũng là cái duyên”. 

Ông Đảng nắm chặt tay tôi: “Cả cuộc đời đi biển, tui không sợ sóng, không sợ chết, nhưng ngay giây phút này, tui mới thực sự thấy cuộc sống đáng quý thế nào. Với tuổi tác này, có lẽ đây là lần cuối cùng tui ở Hoàng Sa”. Rồi nước mắt ông lại rơi…

Xung quanh ông, náo nức với chuyến trở về là những ngư dân trẻ, những người khác với lão ngư già yếu, sẽ còn trở lại với sóng nước biển này.

Sau cú bắt tay giữa Thượng tá Lý Ngọc Minh và thuyền trưởng Lưu, công tác thu dọn nhanh chóng được hoàn thành. Tàu QNg 66478 chính thức được cột dây vào tàu CSB 6006. Thượng tá Minh lại phất cờ ra hiệu, hồi còi dài khuấy động biển xanh, bắt đầu chuyến trở về hân hoan. Trước mũi tàu, một đàn chim hải âu chao nghiêng xuống mép nước. Chim hải âu sống theo đàn và luôn sẵn sàng đối mặt với giông tố biển khơi. Hải âu chính là biểu tượng cát tường, may mắn của ngư dân.

Đón đọc kỳ tới: Năm ngày đêm đùa giỡn với thần chết

Những chi tiết về 5 ngày đêm trên đường trở về trong giông bão Hoàng Sa được các ngư dân kể với PV Tiền Phong. Ông Nguyễn Đảng kể rằng: Cận kề cái chết, tuyệt nhiên 9 người từ già tới trẻ không ai khiếp sợ mà đem cái chết ra tếu táo đùa vui.

- UBND tỉnh Quảng Ngãi tặng mỗi ngư dân một triệu đồng. Bộ Ngoại giao Việt Nam tặng 9 thuyền viên 10 triệu đồng. Cty Đường Quảng Ngãi tặng mỗi người 1 triệu đồng. Cty Lọc hóa dầu Bình Sơn tặng 5 triệu đồng/người. Tỉnh hỗ trợ sửa chữa tàu cho ngư dân và 3 - 6 tháng ăn, đồng thời giảm học phí cho con em đang đi học.

“Bằng mọi cách sớm ổn định đời sống ngư dân” - ông Nguyễn Xuân Huế, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, khẳng định. 

* Mọi sự giúp đỡ gia đình anh Mai Phụng Lưu và các ngư dân, xin gửi về Tòa soạn báo Tiền Phong (15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội), Ban đại diện tại miền Trung (19 Ngô Gia Tự, TP Đà Nẵng) và các văn phòng đại diện báo Tiền Phong trên toàn quốc.

MỚI - NÓNG