Có nên hạn chế tuyển Việt kiều làm viên chức?

Có nên hạn chế tuyển Việt kiều làm viên chức?
TPO - Sáng nay, 26 - 10, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo về Luật viên chức, thảo luận về dự án luật này. Vấn đề được chú ý là qui định tuyển viên chức là người Việt Nam định cư ở nước ngoài (Việt Kiều) như dự thảo trình.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho biết, vấn đề này có hai loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị không qui định về việc tuyển dụng công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài làm viên chức tại Việt Nam.

Loại ý kiến thứ hai và cũng là đề nghị của Chính phủ, quy định công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài được tham gia dự tuyển làm viên chức tại Việt Nam. Tuy nhiên cần qui định cụ thể lĩnh vực ngành nghề, vị trí công tác, điều kiện tuyển dụng, hợp đồng làm việc, các quyền và nghĩa vụ liên quan.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoạt động của viên chức phải gắn với đơn vị sự nghiệp công lập; do vậy không thể có viên chức làm việc thường xuyên tại Việt Nam mà lại định cư ở nước ngoài. Hơn nữa, một số công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài có hai quốc tịch, sẽ phát sinh một số khó khăn, phức tạp nhất định nếu trở thành viên chức ở Việt Nam...

Trường hợp cần huy động chất xám, kinh nghiệm của công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài vào các hoạt động chuyên môn tại các đơn vị sự nghiệp ở Việt Nam thì có thể sử dụng cơ chế khác như hợp đồng hợp tác nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm dưới hình thức hợp đồng vụ việc, hợp đồng xác định thời hạn theo quy định của pháp luật.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin chỉnh lý lại quy định của dự thảo luật theo hướng người đăng ký dự tuyển làm viên chức phải là người có quốc tịch Việt Nam và phải định cư ở Việt Nam” – Ông Thuận cho biết.

Thảo luận về dự luật, Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng, viên chức là công dân Việt Nam thì có thể ở trong nước hay định cư ở nước ngoài. Nhưng, điều kiện tuyển dụng mới là quan trọng, và anh phải tuân thủ quy định của cơ quan tuyển dụng.

“Điều kiện tuyển dụng là quan trọng nhất, và người đó có đáp ứng được hay không”- Đại biểu Lịch nói.

Có đại biểu cho rằng, có ý kiến là chúng ta tranh luận quá nhiều về vấn đề này, song thực tế, không phải mọi Việt Kiều đều muốn về nước làm viên chức. Thế nhưng, có những trường hợp chúng ta lại rất cần, chẳng hạn như trường hợp Giáo sư Ngô Bảo Châu là một ví dụ. Qui định về điều kiện cư trú đã hạn chế rất nhiều việc Việt Kiều về làm viên chức.

Một số đại biểu đề nghị cần qui định tách bạch rõ đối tượng điều chỉnh của Luật là viên chức thuộc khu vực công lập.

MỚI - NÓNG