Diễu binh, diễu hành lớn nhất lịch sử

Diễu binh, diễu hành lớn nhất lịch sử
TPO - Sau lễ chào cờ trang nghiêm với 21 loạt đại bác, 8h 15 phút sáng nay, lễ diễu binh, diễu hành lớn nhất lịch sử mở đầu bằng màn biểu diễn của 10 máy bay trực thăng mang cờ Đảng, cờ Tổ quốc. Hàng vạn người dân đổ ra đường, xem lễ mít tinh.

>> Toàn cảnh lễ diễu binh diễu hành kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội
>> Những 'bóng hồng' tại lễ diễu binh
>> Chiếm giữ 'cao điểm' xem diễu binh

Diễu binh, diễu hành lớn nhất lịch sử ảnh 1
Lễ mít tinh diễn ra trọng thể sáng nay tại quảng trường Ba Đình. Ảnh: Hồng Vĩnh.


9h15,
 lễ diễu binh, diễu hành kết thúc.

9h: Sau phần trình diễn của khối Văn hóa, Thể thao, Du lịch, hơn 2000 nghệ sĩ rước năm con thuyền “rẽ sóng đại dương”. Những trang phục, điệu múa dân tộc... được biểu diễn đẹp mắt, ấn tượng, làm nức lòng người xem.

 
Diễu binh, diễu hành lớn nhất lịch sử ảnh 2
 
Diễu binh, diễu hành lớn nhất lịch sử ảnh 3

 Ảnh: Hồng Vĩnh

8h55: Đoàn đại diện khối báo chí Việt Nam qua Lễ đài. Hiện, cả nước có 706 cơ quan báo in và nhiều cơ quan báo hình, cùng 17 nghìn nhà báo chuyên nghiệp. Đây là lực lượng có đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển chung, được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng cao quý. 

Phần diễu hành của khối đại diện 54 dân tộc anh em diễn ra với những trang phục đặc sắc. Đoàn bạn bè quốc tế cũng góp mặt trong ngày vui của dân tộc hôm nay. 

 
Diễu binh, diễu hành lớn nhất lịch sử ảnh 4
 
Diễu binh, diễu hành lớn nhất lịch sử ảnh 5

Ảnh: Hồng Vĩnh

8h40: Xe diễu hành đại diện thanh niên Việt Nam – những người chủ tương lai của đất nước – qua lễ đài. Xe diễu hành mang hình tượng hoa văn - trống đồng, cánh chim lạc và ngọn đuốc sáng dẫn đường; thể hiện sự kế thừa, phát huy truyền thống nghìn đời của dân tộc và sức mạnh vươn lên của tuổi trẻ Việt Nam.

Các thế hệ Việt Nam đã viết nên những trang sử vẻ vang: ba sẵn sàng, năm xung phong..., xứng đáng là lực lượng tin cậy của Đảng.

Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay, tuổi trẻ Việt Nam tiếp nối tinh thần “đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”...cống hiến cho sự nghiệp Cách mạng của Đảng và dân tộc.

Sau đó, là các đoàn diễu hành của giai cấp công nhân, nông dân, trí thức, công chức – viên chức, doanh nhân...

Diễu binh, diễu hành lớn nhất lịch sử ảnh 6
Diễu binh, diễu hành lớn nhất lịch sử ảnh 7
Diễu hành qua lễ đài. Ảnh: Hồng Vĩnh.
 

8h30, phần diễu hành của Thủ đô Hà Nội. Dẫn đầu khối diễu hành là xe mang hình ảnh rồng thời Lý.

Trong tâm linh người Việt, rồng đứng đầu trong tứ linh. Rồng thời lý mềm mại, uốn lượn 12 khúc, tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Rồng thời Lý gắn liền với sự kiện lịch sử năm 1010, khi đức Thái Tổ Lý Công Uẩn rời đô từ Hoa Lư về Thăng Long.

Tiếp đó, Biểu trưng Khuê Văn Các như một biểu tượng của Thủ đô nghàn năm Văn hiến, nơi đào tạo hiền tài của đất nước.

Xe rước Bằng công nhận Hoàng thành Thăng Long là Di sản Văn hóa thế giới. Với ba đặc điểm nổi bật là chiều dài lịch sử văn hóa, tính liên tục của tài sản với tư cách là trung tâm quyền lực, các tầng di vật phong phú, ghi đậm dấu ấn những giá trị biểu đạt văn hóa, những sự kiện mang tầm vóc toàn cầu... khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới.

8h20, sau khi xe mang ảnh Bác trang trọng diễu qua Lễ đài, Trung tướng Nguyễn Văn Thành, Phó Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam, Anh hùng Lực lượng Vũ trang, dẫn đầu đoàn diễu binh của quân đội.

Các lực lượng Lục quân, Phòng không – Không quân, Hải quân, Biên phòng, Thông tin, Sư đoàn 301, Đặc công, Cảnh sát biển... tiến qua lễ đài.

Tiếp đó, lực lượng Công an Nhân dân tiếp bước diễu binh qua lễ đài. 

Diễu binh, diễu hành lớn nhất lịch sử ảnh 8
Diễu binh, diễu hành lớn nhất lịch sử ảnh 9

Diễu binh, diễu hành lớn nhất lịch sử ảnh 10 

Diễu binh, diễu hành lớn nhất lịch sử ảnh 11

Các khối diễu binh qua quảng trường Ba Đình. Ảnh: Hồng Vĩnh
 
Diễu binh, diễu hành lớn nhất lịch sử ảnh 12

Khối hồng kỳ đi đầu khối diễu bình, diễu hành. Ảnh: Công Khanh

 
Diễu binh, diễu hành lớn nhất lịch sử ảnh 13

Khối quân nhạc. Ảnh: Công Khanh

Diễu binh, diễu hành lớn nhất lịch sử ảnh 14
 
Diễu binh, diễu hành lớn nhất lịch sử ảnh 15

Khối cảnh sát biển.

 
Diễu binh, diễu hành lớn nhất lịch sử ảnh 16

Khối sĩ quan đặc công.

 
Diễu binh, diễu hành lớn nhất lịch sử ảnh 17

Khối cảnh sát giao thông.

 
Diễu binh, diễu hành lớn nhất lịch sử ảnh 18

Khối an ninh.

 
Diễu binh, diễu hành lớn nhất lịch sử ảnh 19

Các khối diễu binh đi qua đường Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Công Khanh

8h15, kết thúc phần phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, lễ diễu binh bắt đầu. Mở màn là 10 máy bay trực thăng mang cờ Đảng, Tổ quốc và dòng chữ “Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội”.

Tiếp đó là xe mang quốc huy nước CHXHCN Việt Nam. 108 diễn viên nam, nữ, tượng trưng cho các dân tộc anh em cùng chung sống trên đất nước. 

8h5 phút: Sau lễ chào cờ, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đọc diễn văn mở đầu lễ mít tinh trọng thể kỉ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Trong diễn văn lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước ôn lại lịch sử, cách đây 1000 năm, vào mùa thu năm 1010, Đức Thái Tổ Lý Công Uẩn, với tầm nhìn chiến lược, đã quyết định rời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, mở ra thời kỳ phát triển huy hoàng của kinh đô quốc gia Đại Việt.

Từ mốc son lịch sử đó, đến thời đại Hồ Chí Minh quang vinh, Thăng Long – Hà Nội vẫn tư thế vững vàng, khí phách hiên ngang, xứng đáng là trái tim cả nước.

Chủ tịch nước khẳng định, Thăng Long – Hà Nội đã hội tụ, kết tinh những giá trị truyền thống của dân tộc: văn hiến, anh hùng, hòa bình, hữu nghị.

“Suốt mấy ngàn năm, đất nước và Thủ đô ta “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”, hết đời này qua đời khác, suốt mấy ngàn năm, nhân dân ta có bao ngày được ngơi nghỉ. Bao nhiêu thế hệ kế tiếp nhau kiên cường chiến đấu, hiến dâng cho Thủ đô và Tổ quốc cuộc đời mình, cả tuổi trẻ, tình yêu và hạnh phúc, để bảo vệ từng tấc đất của tổ tiên, nguồn cội. Việt Nam là một dân tộc anh hùng, Hà Nội là Thủ đô anh hùng của Việt Nam” – Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nói.

Qua đó, Chủ tịch nước nhắc nhở mọi người có trách nhiệm giữ gìn, truyền lại cho muôn đời con cháu mai sau, phát huy lên tầm cao mới những giá trị cao quý đó.

“Hà Nội hôm nay thật đẹp, đi giữa các phố phường của Thủ đô, mỗi chúng ta đều nhận thấy những thành tựu rất cụ thể của quá trình đổi mới, hội nhập, phát triển, càng thêm yêu và tự hào về Hà Nội” – Chủ tịch nước xúc động nói.

“Sau hàng ngàn năm lịch sử, Thăng Long - Hà Nội có bao giờ đẹp như hôm nay” – lời của Chủ tịch nước cũng là lời của bao người con đất Việt đang hướng về Thủ đô yêu dấu.

Dù còn nhiều thách thức ở phía trước, Chủ tịch nước khẳng định, toàn thể dân tộc ta sẽ đoàn kết, đem tất cả sức lực, trí tuệ, tài năng xây dựng Hà Nội ngày càng giàu đẹp, xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh theo mong ước của Bác Hồ kính yêu.

8h: Lễ chào cờ diễn ra nghiêm trang trên quảng trường Ba Đình với 21 loạt đại bác vang lên.

7h55: Đoàn rước lửa truyền thống tiến vào quảng trưởng Ba Đình lịch sử. Ngọn lửa truyền thống được Đại tá Nguyễn Văn Bình – Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - thắp lên đài lửa Đại lể kỉ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội.

Đại tá Nguyễn Văn Bình – Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - thắp lửa trên đài lửa Đại lể kỉ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh
Đại tá Nguyễn Văn Bình – Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - thắp lửa trên đài lửa Đại lể kỉ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh.
 

Đồng chí Nông Đức Mạnh - Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam; các đồng chí Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu - nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Trần Đức Lương; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An… cùng nhiều đại biểu và các vị khách quốc tế, dự lễ mít tinh. 

* Trong bốn vạn người tham gia diễu binh, diễu hành, có 10 nghìn chiến sĩ diễu binh, 10 nghìn người diễu hành, tám nghìn người dự Đại lễ, năm nghìn người xếp hình, xếp chữ, một nghìn học sinh, sinh viên, một nghìn thiếu nhi, một nghìn nghệ sĩ, một nghìn vận động viên, một nghìn trống hội, một nghìn chim bồ câu... 

* Hai người dẫn chương trình trong lễ mít tinh hôm nay là nghệ sĩ Kim Tuyến và Thanh Hùng, những người thuộc thế hệ dẫn chương trình đầu tiên của Đài truyền hình Việt Nam. Nhiều người dân rất xúc động vì được nghe lại giọng nói trầm ấm, mang hơi thở lịch sử của hai nghệ sĩ này.

Hà Nội, trong buổi sáng tròn nghìn năm tuổi, thời tiết đẹp. Từ 5h sáng, hàng nghìn người dân Thủ đô đã đổ về khu vực quanh quảng trường Ba Đình, đón xem lễ mít tinh.

Các cựu chiến binh mặc quân phục, ngực đeo huân chương. Từng tốp bạn trẻ mặc áo phông trắng với dòng chữ “Tôi yêu Hà Nội”, đã trở nên thân quen những ngày qua trên các phố phường Hà Nội. Có những cụ già không thể tự đi, cũng bảo con cháu đưa ra đường chờ đón mít tinh, diễu hành.

Hai chị em Bùi Văn Thanh và Bùi Thị Hương, quê Quảng Ninh, cho biết, tối qua, theo mẹ lên Hà Nội để xem mít tinh. Từ 5h sáng, hôm nay, ba mẹ con mang cờ đỏ sao vàng, đi bộ từ Lý Quốc Sư lên gần khu vực quảng trường Ba Đình, xếp hàng chờ.

Trên nhiều tuyến phố mà đoàn diễu bình, diễu hành, nhiều người ngồi chờ từ sáng sớm, chờ xem diễu binh. 

Nhiều bạn trẻ mặc áo phông với dòng chữ
Nhiều bạn trẻ mặc áo phông với dòng chữ "Tôi yêu Hà Nội" chờ đón xem lễ diễu binh, diễu hành. Ảnh: Công Khanh.
 

Lễ mít tinh kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, sáng nay, tại Quảng trường Ba Đình kéo dài khoảng 120 phút. Trong đó, mít tinh bắt đầu từ 7h55 bằng lễ rước đuốc từ Bảo tàng Hồ Chí Minh về Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và thắp lên đài lửa. 

Cả quảng trường sẽ hát quốc ca trong lễ chào cờ, đồng thời bắn 21 loạt đại bác chào mừng. Sau diễn văn của Chủ tịch nước là bài đồng ca, ngợi ca Hà Nội do khối đứng tại sân Quảng trường Ba Đình thể hiện.

Phần diễu binh với 1,2 vạn người tham gia gồm 15 khối bộ đội, công an, dân quân tự vệ; 10 máy bay mang cờ Tổ quốc và dòng chữ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Phần diễu hành chia làm ba khối, với tổng cộng 31 ngàn người tham gia diễu hành. Trong đó, khối Hà Nội có xe rước rồng thời Lý, xe rước biểu trưng Hà Nội, xe rước bằng UNESCO công nhận Hoàng Thành Thăng Long - di sản văn hóa thế giới. Khối đại diện các thành phần tiêu biểu gồm 13 khối. Khối nghệ thuật biểu diễn 30 phút chào mừng.

Theo lộ trình, đoàn diễu binh diễu hành từ các địa điểm tập kết sẽ diễu qua Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau đó chia làm hai hướng. Một hướng đến đường Nguyễn Thái Học, xuôi về đường Tràng Thi và kết thúc ở Nhà hát Lớn. Hướng kia theo đường Nguyễn Thái Học về hướng Ngọc Khánh và kết thúc ở khu vực khách sạn Daewoo.

Để phục vụ nhân dân có thể theo dõi lễ mít tinh lớn nhất trong lịch sử, Ban tổ chức sẽ tổ chức 20 màn hình tường thuật trực tiếp buổi lễ.

Ngày 9-10, Nhà nước Lào đã trao tặng Thủ đô Hà Nội Huân chương Vàng Quốc gia, huân chương cao quý nhất của Nhà nước Lào nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Tính đến chiều qua, đã có hơn 30 đoàn khách quốc tế đến Hà Nội dự Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành và các hoạt động kỷ niệm.

 
MỚI - NÓNG
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
TPO - Công ty CP Acecook Việt Nam cho biết, trên nhiều trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… lừa đảo bằng cách giả dạng thông tin tuyển dụng, làm giả cả chữ ký của tổng giám đốc trên thông tin tuyển dụng rồi đưa vào các trường đại học tuyển ứng viên. Đối tượng lừa đảo yêu cầu ứng viên nộp tiền tuyển dụng vào tài khoản, từ 150.000 - 300.000 đồng/người.