Nhưng đến nay, nhiều dự án có vốn từ hai tập đoàn do hai anh em được xem là giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam là Chủ tịch SGI Đặng Thành Tâm (xếp thứ 3 năm 2009) và Chủ tịch ITA Đặng Thị Hoàng Yến (xếp thứ 5 năm 2009) đang rơi vào tình trạng khởi công rồi bỏ đó.
Dự án Khu đô thị đảo Hải Âu, sau hơn hai năm khởi công vẫn hoang sơ. |
Tập đoàn Tân Tạo ở TP Hồ Chí Minh trong mấy năm qua được tỉnh Kiên Giang chấp thuận đầu tư nhiều dự án, trong đó có hai siêu dự án là Khu đô thị đảo Hải Âu, Trung tâm nhiệt điện Kiên Lương.
Khởi công xong, im lìm
Đầu năm 2008, Tập đoàn Tân Tạo vào Kiên Giang với dự án Khu Đô thị đảo Hải Âu, gây xôn xao giới kinh doanh địa ốc, bằng việc đắp một hòn đảo nhân tạo trên vùng biển phía Tây TP Rạch Giá. Dù chưa có qui hoạch chi tiết và còn thiếu một số thủ tục cần thiết nhưng ngày 19-5-2008, Tập đoàn đã tổ chức lễ khởi công.
Theo dự án, Khu đô thị đảo Hải Âu mang hình dáng chim hải âu đang vỗ cánh vươn ra biển, có diện tích 199,7 ha, nằm cách đô thị lấn biển TP Rạch Giá khoảng 2km. Trong đó, dự kiến 53 ha sẽ bố trí khoảng 4.000 cư dân, diện tích đảo nhân tạo còn lại xây dựng khu nghỉ dưỡng cao cấp, công viên, khách sạn, các công trình phục vụ lễ hội, văn hóa du lịch và dịch vụ thương mại… Tổng vốn đầu tư 1.488 tỷ đồng, sẽ hoàn thành sau 9 năm thi công.
Tuy nhiên, sau hơn 2 năm khởi công, hiện nơi dự kiến có đảo nhân tạo vẫn là mặt biển xanh rờn. Người dân địa phương cho biết, chủ đầu tư hầu như không thấy xuất hiện. Văn phòng đại diện của Tập đoàn Tân Tạo trên đường Lạc Hồng ở TP Rạch Giá cũng ít khi mở cửa. Tấm bảng quảng cáo Khu đô thị đảo Hải Âu đã phải làm lại lần thứ hai do gió biển xé nát, nay đứng chơ vơ giữa nơi hoang vắng với cỏ dại.
Vị trí dự tính đặt nhà máy nhiệt điện vẫn mênh mông nước biển. |
Đại diện đã về Mỹ
Cùng năm 2008, Chính phủ đồng ý cho Tập đoàn Tân Tạo làm chủ siêu dự án Trung tâm nhiệt điện Kiên Lương (Kiên Giang) với qui mô 4.400MW - 5.200MW và cảng trung chuyển nước sâu tại quần đảo Nam Du, tổng vốn đầu tư khoảng 7,7 tỷ USD.
Các hợp đồng đã được Tập đoàn Tân Tạo ký kết ngày 8-4-2008 tại Hà Nội với các đối tác: Cty Black & Veatch (Mỹ - về nhiệt điện), Cty FHDI (Trung Quốc - về cảng biển) và Cty Tư vấn xây dựng điện 2 (PECC 2). Đây là dự án nhiệt điện lớn nhất Việt Nam từ trước tới nay, được Chính phủ giao cho một doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Dự án nằm trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006 - 2015, có xét đến năm 2025.
Giới phân tích thời điểm đó cho rằng, Tập đoàn Tân Tạo đã mở ra một hướng đi mới trong việc giải bài toán thiếu điện. Đó là các doanh nghiệp tư nhân tham gia các dự án lớn trong quy hoạch chung, thúc đẩy khai thác các nguồn lực xã hội. Còn người dân ĐBSCL kỳ vọng, dự án tổng hợp điện-cảng biển này sẽ thắp sáng nền kinh tế cực Nam tổ quốc.
Theo giới thiệu, Trung tâm nhiệt điện Kiên Lương được xây dựng trên diện tích 555,9 ha, trong đó diện tích khu vực nhà máy chính là 203,5ha; diện tích mặt nước cảng biển 300,6ha và diện tích bãi thải xỉ 51,8ha. Cảng biển xây dựng tại quần đảo Nam Du để trung chuyển than cung cấp cho nhà máy với lượng than tiêu thụ mỗi năm 10-11 triệu tấn. Giai đoạn 1 sẽ vận hành vào năm 2013-2014, giai đoạn 2 vận hành vào năm 2015-2016 và giai đoạn cuối vận hành năm 2017-2018.
Trung tâm điện lực Kiên Lương dự kiến khởi công cuối năm 2009, sau đó lại dời sang dịp 30-4-2010, nhưng đến nay vẫn chưa được khởi công. Trong quá trình chuẩn bị khởi công, Tập đoàn Tân Tạo xin thay đổi vị trí đặt nhà máy nhiệt điện và được tỉnh Kiên Giang chấp thuận, cho lấn thêm 300 ha mặt nước biển.
Về nhân sự cũng có sự thay đổi, ông Trần Jimmy, Trưởng đại diện của Chi nhánh Cty Cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo tại Kiên Giang, nay đã về Mỹ. Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cho biết: Tập đoàn Tân Tạo đã thay đổi nhân sự tại tỉnh từ 20-5-2010 nhưng chưa có thông báo chính thức.
Nợ nần và xáo trộn
Chưa chính thức khởi công nhưng Trung tâm nhiệt điện Kiên Lương cũng đã bước đầu triển khai giải tỏa, nạo vét và san lấp mặt bằng. Người dân quanh vùng siêu dự án cho biết, trước ngày 30-4-2010, có nhiều phương tiện xe máy, tàu thuyền kéo về vùng dự án hoạt động. Thế nhưng chỉ được thời gian ngắn, đại công trường lại vắng bóng tàu, xe và để lại… nợ nần.
Bà Lê Thị Kim Châu, GĐ Cty TNHH Châu Phát (Kiên Giang) cho biết: "Tập đoàn Tân Tạo nợ chúng tôi gần 8 tỷ đồng, hơn bốn tháng qua chưa trả đồng nào. Chúng tôi cũng không thể liên lạc, họ trốn đâu mất hết rồi. Tôi gọi điện thoại cho bà Đặng Thị Hoàng Yến, Chủ tịch Tập đoàn Tân Tạo, thì không nghe máy. Cty chúng tôi ký hợp đồng với Cty Cổ phần Phát triển đô thị Việt Nam, do ông Trần Jimmy là chồng của bà Yến làm TGĐ, nay ông này đã về Mỹ. Từ tháng 5- 2010 tới giờ không gặp được ai của Tập đoàn Tân Tạo để nói chuyện phải quấy. Họ thông báo bà Vũ Thị Nga lên làm GĐ thay ông Trần Jimmy, tuy nhiên cũng không thể liên lạc được với bà này. Điện tới ai người ta cũng trả lời là mới vào làm không biết chuyện trước đó".
Còn ông Cao Minh Hùng, GĐ Cty TNHH Đức Vân (Vũng Tàu) còn gửi đơn đến cả cơ quan công an khiếu nại, đòi nợ Tập đoàn Tân Tạo. "Tôi ký hợp đồng nạo vét bùn tại khu vực đầu tư nhà máy nhiệt điện Kiên Lương với Tập đoàn Tân Tạo từ đầu tháng 1-2010. Hiện nợ quá hạn theo hợp đồng đã trên 36 tỷ. Chúng tôi điện thoại, rồi nhắn tin rất lịch sự nhưng họ không nghe, không trả lời. Nếu họ không trả tiền nạo vét bùn cho tôi thì tôi sẽ không giao mặt bằng cho họ san lấp", ông Hùng quả quyết.
Người dân trong vùng dự án đã bị xáo trộn cuộc sống. Nhiều người không chịu nhận tiền giải phóng mặt bằng vì giá bồi hoàn quá thấp.
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Bùi Ngọc Sương: Tôi nghĩ họ có vấn đề về tài chính Ông Bùi Ngọc Sương, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Những vấn đề liên quan đến đầu tư của Tập đoàn Tân Tạo vào tỉnh Kiên Giang, UBND tỉnh đang giao cho ông Phạm Vũ Hồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách công nghiệp - xây dựng, rà soát lại xem thế nào. Tiến độ thực hiện dự án theo kế hoạch như vậy là rất chậm. Việc san lấp mặt bằng hiện vẫn chưa được bao nhiêu. Có thể họ khó khăn về tài chính. Dự án xây dựng đảo Hải Âu tại TP Rạch Giá liệu có được Tập đoàn Tân Tạo tiếp tục thực hiện? Thời điểm Tập đoàn Tân Tạo tổ chức khởi công dự án Hải Âu, tôi đang học ở Hà Nội. Tôi có điện thoại hỏi vì sao dự án chưa được phê duyệt, thủ tục còn thiếu mà đã cho tổ chức khởi công nhưng không được trả lời rõ ràng. Khởi công mấy năm nay mà có thấy triển khai gì đâu, chắc sẽ không triển khai nữa, có thể cũng vì năng lực tài chính thôi. Chủ đầu tư báo cáo với UBND tỉnh Kiên Giang thế nào, thưa ông? Thời gian gần đây, đại diện Tập đoàn Tân Tạo tại Kiên Giang không làm việc trực tiếp với lãnh đạo tỉnh, họ chỉ nói chuyện qua điện thoại. Sáng 7-9-2010, trao đổi qua điện thoại từ Mỹ, ông Trần Jimmy, nguyên TGĐ Cty Cổ phần Phát triển Đô thị Việt Nam (Vietnam Land), kiêm Trưởng đại diện Chi nhánh Cty Cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo tại tỉnh Kiên Giang, cho biết: "Bà Đặng Thị Hoàng Yến (Chủ tịch Tập đoàn Tân Tạo), đã cắt hợp đồng không cho tôi làm TGĐ nữa, sau đó tôi trở về Mỹ. Những hợp đồng nạo vét, san lấp ở Kiên Lương đều do tôi ký với tư cách là đại diện của Vietnam Land. Vấn đề giá cả nạo vét, san lấp đều được thông qua hội đồng quản trị. Đến ngày tôi thôi chức TGĐ, nợ theo hợp đồng đã ký với các đơn vị nạo vét, san lấp, số tiền ước khoảng 90 tỷ đồng". Trong khi đó, tại văn bản số 50 ngày 5-7-2010, gửi Cty TNHH Châu Phát, bà Vũ Thị Nga, TGĐ Vietnam Land viết: "Do ông Trần Jimmy có nhiều biểu hiện tiêu cực trong vấn đề hợp đồng kinh tế nên đã bị bãi nhiệm kể từ ngày 20-5-2010". Văn bản này cho rằng ông Trần Jimmy đã tự ý nâng đơn giá hợp đồng nạo vét bùn với Cty Châu Phát vượt 46% so với giá đã xin ý kiến của hội đồng quản trị. Hiện toàn bộ hồ sơ các hợp đồng kinh tế liên quan đến ông Trần Jimmy đều đã được chuyển cho cơ quan điều tra làm rõ. Vietnam Land sẽ không chịu thanh toán cho đến khi có kết luận của cơ quan điều tra. Theo thông báo của Tập đoàn Tân Tạo ký ngày 2-6-2010, gửi UBND tỉnh Kiên Giang, người đại diện mới của họ tại tỉnh này là ông Nguyễn Tuấn Minh và bà Huỳnh Hoài Châu. Tuy nhiên, khi PV Tiền Phong điện thoại xin gặp trao đổi những vấn đề liên quan Tập đoàn Tân Tạo thì ông Minh nói không có thẩm quyền trả lời, bà Châu thì nói không còn làm ở Kiên Giang nữa. Sáng 7-9, ông Phạm Vũ Hồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết: Tỉnh đang yêu cầu Tập đoàn Tân Tạo báo cáo tiến độ thực hiện dự án nhiệt điện tại Kiên Lương. |