Ông Vũ Tiến Chiến, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống tham nhũng. |
Chỉ sợ a lô, vỗ vai
Thưa ông, điều gì đang diễn ra trong công tác phòng chống TN, khi hơn nửa năm qua, nhiều tỉnh, thành báo cáo không phát hiện được vụ TN nào?
Việc các tỉnh báo cáo không phát hiện ra vụ TN nào, BCĐ đã họp và có đánh giá: Có thể do các tỉnh này đã triển khai tích cực các giải pháp phòng ngừa TN, hoặc do thiếu quyết tâm ở một số cơ quan, tổ chức trong việc phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án TN.
Tuy nhiên, để đánh giá khách quan, trong tháng 9 này, BCĐ sẽ lập 10 đoàn để xuống các tỉnh kiểm tra và bàn xem công tác phòng chống tham nhũng vừa qua được cái gì và chưa được cái gì, kể từ khi có cơ quan chuyên trách phòng chống TN.
Trước đây, khi cho ý kiến dự án Luật phòng chống TN, Quốc hội đã cảnh báo, việc để chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban chỉ đạo dễ dẫn tới xử lý tham nhũng không khách quan, thực tế thế nào, thưa ông?
Phương án nào cũng có ưu và nhược điểm. Nhìn một cách toàn diện, nước mình thiên về phòng hơn là chống TN, trong khi ở các nước chỉ tập trung chống TN. Tới đây, các đoàn kiểm tra làm việc với các địa phương, cũng là để có thêm thông tin để BCĐ tham mưu cho Ban Bí thư T.Ư Đảng đánh giá công tác phòng chống TN của cả nhiệm kỳ.
Một số ý kiến nói rằng, bây giờ do ông chủ tịch tỉnh làm trưởng ban cho nên có thể ỉm vụ TN A, vụ án B. Cái đó chỉ là cảm tính thôi. Theo quy định hiện hành thì không có lỗ hổng hay kẽ hở nào để ông trưởng BCĐ có thể làm được điều đó.
" Nếu để tham nhũng tràn lan thì không thể nói là ổn định được. Nhiều nước trên thế giới đều có chung nhận định, tham nhũng là giặc nội xâm, hết sức nguy hiểm, không thể lơ là. Nếu lơ là thì không cần bên ngoài vào đánh mà chính nội bộ làm anh tan rã." Ông Vũ Tiến Chiến |
Vì theo quy chế, BCĐ hoạt động theo cơ chế phối hợp, chỉ đạo các cơ quan để đôn đốc, giải quyết chung chứ không có quyền trực tiếp tham gia làm án hay chỉ đạo bỏ người này, bắt người kia. Khi đôn đốc nếu vụ án bị vướng thì kiểm tra xem vướng cái gì.
Ví dụ có vụ án cần phải giám định thiệt hại về tài chính thì BCĐ mời các ông liên quan đến để đưa ra biện pháp giám định và trả lời khách quan. Cho nên, qua con đường hành chính thì ông không thể can thiệp được.
Nhưng khi họp về một vụ án cụ thể, ông trưởng BCĐ có thể đưa ra quan điểm khoanh lại vụ việc thì sao?
Điều này hoàn toàn không thể được. Và chắc chắn trước cuộc họp không ai dám nói như vậy. Ngại nhất là ra khỏi cuộc họp người ta vỗ vai, a lô thôi. Trên mà a lô thì dưới phải nghe. Thực tế, chuyện ấy có thể xảy ra, nên nói cho cùng vẫn phải là phẩm chất của những người có trách nhiệm. Đó vừa là lý thuyết vừa là thực tiễn.
Chống tham nhũng, đi đầu là liêm chính
Thưa ông, đến nay việc kê khai tài sản cán bộ vẫn chưa được công khai. Điều này gây không ít trở ngại trong việc giám sát tài sản biến động của quan chức. Theo ông, có nên công khai không?
Ở Trung Quốc người ta cũng chỉ công khai tài sản trong chi bộ. Từng chi bộ 6 tháng một lần, khi họp các đảng viên khi có những vấn đề mới liên quan cá nhân đều phải báo cáo như cho con đi học nước ngoài, xây nhà, mua ô tô...
Đây rõ ràng là rất cụ thể, vừa thể hiện tính tự nguyện, vừa thuận tiện cho đảng viên. Ở Mỹ kê khai tài sản đối với công chức là một điều bắt buộc...
Ông Vũ Tiến Chiến cho biết, tháng 11-2010 tới sẽ có cuộc họp toàn quốc do Ban Bí thư chủ trì để Văn phòng BCĐ T.Ư về phòng chống TN trình bày báo cáo về thực trạng công tác phòng chống TN, đánh giá về công tác này, làm cơ sở báo cáo Đại hội Đảng XI. |
Vừa rồi tôi có đi một số nước như Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, qua trao đổi thì các nước khuyên rằng trong phòng chống TN đừng quá hy vọng vào một giải pháp nào mà phải thực hiện đồng bộ các giải pháp. Mỗi giải pháp, ở góc độ nhất định đều có chút ít hiệu quả.
Ví dụ, ở Mỹ họ đưa ra 10 quy ước đạo đức đối với công chức và 14 quy ước đạo đức đối với giới kinh doanh. Đối với công chức không được nhận quà quá 20 USD.
Nhiều người hỏi, qua hàng chục năm tiền trượt giá, nhưng sao quy định cấm nhận quà có giá trị quá 20 USD vẫn không đổi, thì được khẳng định là mọi cái giá đều có thể thay đổi nhưng giá của chuẩn đạo đức thì không bao giờ thay đổi. Đã là công chức phải làm hết sức cho dân, không được đòi hỏi bất cứ thứ gì từ dân.
Trung Quốc cũng khẳng định, để chống TN đi đầu là liêm chính. Hàn Quốc cũng vậy, nhưng nó ở mức độ cao hơn, nếu bị phát hiện TN, với họ là nỗi nhục cả đời. Nên có những quan tham bị phát hiện phải tự tử là vì thế.
Qua học kinh nghiệm, các nước đều đưa ra lời khuyên, trình độ quản lý khác nhau thì các biện pháp chống tham nhũng phải khác nhau. Người Mỹ thu nhập bình quân 48.000 USD/người, trong khi Việt Nam chỉ có 1.000 USD/người thì chống phải khác nhau.
Đã qua gần một nhiệm kỳ làm Chánh Văn phòng cơ quan chuyên trách phòng chống TN, ông kiến nghị với Đảng điều gì để công tác chống TN thời gian tới hiệu quả hơn?
Công tác phòng chống TN ngay từ những năm kháng chiến đã được Đảng và Nhà nước đặt ra. Đến nay, việc chống TN vẫn hết sức khó khăn. Có những lúc đánh giá là nghiêm trọng, và ngày càng tinh vi phức tạp, khó phát hiện. Thậm chí có những người còn nói, nạn TN không biết sẽ đi đến đâu.
Ngày xưa có câu mỗi người làm việc bằng hai, để cho cán bộ mua đài mua xe, sau này thì có câu mỗi người làm việc bằng ba, để cho cán bộ xây nhà xây sân. Nhưng bây giờ không phải mua đài mua xe hay xây nhà xây sân nữa. Nếu trong phạm vi hẹp rất khó nhìn nhận về TN.
Hiện, thế giới đều có chung quan điểm, nhìn vào một quốc gia không chỉ dừng ở việc phát triển kinh tế xã hội thế nào mà còn xem xét đất nước anh có minh bạch, liêm chính hay không. Đấy mới là nền tảng của ổn định chính trị.
Do TN ngày càng tinh vi nên muốn đo thực trạng TN phải thông qua dư luận xã hội. Cho nên các nước rất coi trọng điều tra dư luận xã hội. Trung Quốc đánh giá đây là tiêu chí thể hiện sự hài lòng của người dân với chính phủ.
Vừa rồi, sau khi kết thúc Olympic Bắc Kinh, Trung Quốc phát hiện một quan tham đội lốt quan liêm. Ông này là quan chức lớn của TP Bắc Kinh, ngày ngày đi làm bằng xe buýt, ăn mặc giản dị, được nhiều người khen ngợi. Nhưng thực tế ông này có biệt thự, tài sản rất lớn từ tiền TN. Do đó, phải có cách nhận dạng được TN.
Quan niệm về TN đang khác nhau. Ở Trung Quốc, khái niệm về TN rộng hơn ở ta. Họ coi tất cả hành vi tiêu cực của cán bộ công chức là TN. Còn ở ta, khái niệm TN chỉ giới hạn ở 12 hành vi (theo Luật Phòng chống TN). Trung Quốc coi TN là loại tội phạm nguy hiểm, nên ngay cả quan chức cấp cao khi TN cũng phải chịu án tử hình.
Ở ta, hiện đã có cơ quan chuyên trách và Luật về phòng chống TN, điều này thể hiện quyết tâm chính trị rất cao, so với nhiều nước trong khu vực. Tuy nhiên, giữa quyết tâm chính trị và thực sự chuyển biến đến đâu còn rất nhiều vấn đề phải làm.
Bá Kiên - Phong Cầm
Thực hiện