Vinashin và những thương vụ “sắt vụn”

Tàu FSO5 được đóng tại Tổng Công ty CNTT Nam Triệu
Tàu FSO5 được đóng tại Tổng Công ty CNTT Nam Triệu
TP - Sai phạm của các cựu lãnh đạo Vinashin đều liên quan đến các thương vụ tàu cũ, nhà máy cũ.

>> Bắt cựu Tổng giám đốc điều hành Vinashin và 3 cán bộ

Tàu FSO5 được đóng tại Tổng Công ty CNTT Nam Triệu
Tàu FSO5 được đóng tại Tổng Công ty CNTT Nam Triệu . Ảnh: Phùng Sưởng

Tàu chục triệu USD hoá sắt vụn

Dấu hiệu sai phạm rõ nhất của nguyên Tổng Giám đốc điều hành Vinashin Trần Quang Vũ đến thời điểm này được xác định là vụ mua tàu Bạch Đằng Giang. Số phận ngắn ngủi của con tàu Bạch Đằng Giang dường như đã nhấn chìm sự nghiệp của nguyên Tổng Giám đốc điều hành Vinashin Trần Quang Vũ.

Ngày 31-3-2006, Chủ tịch Vinashin Phạm Thanh Bình đã ký quyết định để Tổng Cty Công nghiệp tàu thủy (CNTT) Nam Triệu nhận bàn giao tàu Bạch Đằng Giang từ Cty TNHH 1 thành viên Vận tải Viễn Dương với giá trên 155 tỷ đồng.

Khi tiếp nhận con tàu này, Tổng Cty CNTT Nam Triệu đã đầu tư thêm vào tàu Bạch Đằng Giang với các hạng mục như: phá dỡ bê tông, chi phí quản lý, lãi vay và các chi phí khác với mức đầu tư phát sinh trên 13,7 tỷ đồng. Sau thời gian ngắn nhập vào Tổng Cty CNTT Nam Triệu, tàu Bạch Đằng Giang đã được đầu tư thực tế là gần 169 tỷ đồng.

Trong số tiền đầu tư vào Bạch Đằng Giang nói trên có 106 tỷ đồng được lấy từ nguồn vay trái phiếu quốc tế. Tuy được đầu tư cả chục triệu USD rồi lại được “hà hơi, thổi ngạt” hơn chục tỷ đồng song Bạch Đằng Giang không thể xoay chuyển tình thế và khó bề chiến thắng được “bệnh tật” của một con tàu quá cũ kỹ.

Biên bản bàn giao con tàu này ghi: “Nguyên nhân không đưa tàu vào khai thác sử dụng được là do hệ thống máy móc đã hư hỏng không còn hoạt động; phần vỏ, nội thất đã xuống cấp trầm trọng; ca bin, bề mặt boong tàu đã han gỉ, thủng mục”.

Mọi sự cố gắng nhằm cứu vãn con tàu đi vào ngõ cụt. Hai tháng rưỡi sau ngày chuyển “khối tài sản” lớn này về Tổng Cty CNTT Nam Triệu, Chủ tịch HĐQT Vinashin Phạm Thanh Bình quyết định cho phép Tổng Cty CNTT Nam Triệu được hoán cải tàu Bạch Đằng Giang thành khách sạn 4 sao.

Tuy nhiên, ý tưởng này dự kiến ngốn tiếp cả trăm tỷ đồng từ Vinashin và vì thế dự án này không thể triển khai. Khối tài sản 10 triệu USD (168 tỷ đồng) đã dầm mưa dãi nắng và kết cục cuối cùng là con tàu bị xẻ thịt để bán sắt vụn vào năm 2009.

10 tàu viễn dương cũng thành sắt vụn

Say sưa với chiến thắng khi giành được nhiều hợp đồng đóng tàu, nguồn vốn vay ùn ùn đổ về, không bỏ lỡ cơ hội khi nền kinh tế thế giới tăng trưởng, xuất khẩu của Việt Nam phát triển nóng, Vinashin mở thêm một hướng đi mới: Vận tải viễn dương.

Chỉ trong hai năm 2006 và 2007, ông Phạm Thanh Bình đã ký các quyết định phê duyệt để Cty TNHH 1 thành viên Vận tải Viễn Dương mua 10 con tàu vận tải biển. Trong số này, con tàu trẻ nhất là 15 năm tuổi, tàu già nhất là 26 năm tuổi.

Cụ thể năm 2006, Vinashin mua tàu Vinashin Island vay từ nguồn trái phiếu quốc tế với trị giá sổ sách 99,9 tỷ đồng ( tổng mức đầu tư 174 tỷ đồng) con tàu này đã 26 năm tuổi. Cùng năm 2006, Vinashin rước thêm 2 tàu: Vinashin Summer và Vinashin Eagle có tuổi là 23 và 24 năm, tổng mức đầu tư của 2 tàu này là gần 310 tỷ đồng, cũng từ nguồn vốn trái phiếu quốc tế.

Sang năm 2007, Vinashin tiếp tục tung hàng ngàn tỷ đồng sắm thêm 6 tàu: tàu Vinashin Phoenix (408 tỷ đồng- 22 năm); Tàu Vinashin Express 1 (234 tỷ- 20 năm); Tàu Vinashin Express 2 (245 tỷ - 19 năm); Tàu Vinashin Glory ( 505 tỷ- 24 năm); Tàu Vinashin Tiger (328 tỷ- 26 năm) và tàu Vinashin Alantic (909 tỷ - 15 năm).

Như vậy trong hai năm 2006-2007 Vinashin đã chi trên 3.000 tỷ đồng “rước” về 9 con tàu vận tải biển cũ. Số tàu này do quá cũ nên đã phải treo cờ Panama, Tuvalu, Liberia.

Tại thời điểm tháng 4-2010, một lãnh đạo Cty Vận tải Viễn Dương cho hay, sở dĩ Vinashin dù là một doanh nghiệp hàng đầu về đóng tàu của Việt Nam nhưng lại quẳng hàng ngàn tỷ đồng mua sắm tàu cũ là do: Vào thời điểm đó, các hợp đồng đóng tàu của Vinashin có thể làm đến mười năm mà chưa hết việc.

Tuy nhiên, kết quả diễn ra không như mong đợi. Trong số 9 con tàu thì có 5 tàu đang sửa chữa và chưa có tiền để lấy tàu ra. Số còn lại thả neo chờ cơ hội kinh tế phục hồi. Trong khi đó toàn bộ số tiền sắm tàu là tiền đi vay.

Chưa hết, cùng với hướng phát triển vận tải viễn dương, Vinashin trước đó cũng nhắm đến vận tải hành khách- hàng hoá tuyến Nam- Bắc. Tàu Hoa Sen được mua về từ Italia với giá 60 triệu Euro (1.300 tỷ đồng). Năm 2007 con tàu tưng bừng nhổ neo chuyến đầu tiên. Tuy nhiên, ít lâu sau, Hoa Sen không còn “tỏa hương” và lầm lũi neo đậu tại cảng Cam Ranh (Khánh Hoà).

Một trong những nguyên nhân chính khiến Hoa Sen không thể hoạt động là do nó đã cũ và chi phí nhiên liệu cho mỗi chuyến ra Bắc vào Nam vượt xa số tiền có thể thu được. Hơn ai hết, ông Trần Văn Liêm, nguyên Tổng Giám đốc Cty TNHH 1 thành viên Vận tải Viễn Dương là người có trách nhiệm không nhỏ trong việc đầu tư trên 4.000 tỷ đồng vào việc mua sắm những con tàu quá cũ, khả năng khai thác kém.

Tại thời điểm này, dù số tài sản trên đã được chuyển giao về Tổng Cty Hàng hải (Vinalines) song phương án tái khai thác số tài sản này không hề đơn giản. Trong lúc nền kinh tế chưa có dấu hiệu phục hồi, lãi vay đẻ thêm mỗi ngày, số tàu trên vẫn nằm rải rác nhiều nơi khiến dư luận không khỏi lo ngại về số phận hẩm hiu của khối tài sản lớn của quốc gia.

MỚI - NÓNG