Trong danh mục hoạt động dày đặc của các đại biểu từ nay đến hết mùng 2-9, đáng chú ý, có chuyến thăm An toàn Khu (ATK) Thái Nguyên cả ngày hôm nay (31-8), và chương trình giao lưu mang tên "Gặp gỡ quốc tế: 65 năm Việt Nam và tình đoàn kết quốc tế" vào chiều 1-9 ở Hà Nội.
Tất cả các đại biểu được mời đều có những kỷ niệm sâu đậm với Việt Nam một thời máu lửa và những năm hậu chiến, Việt Nam bước vào đổi mới: Từ ông Ján Gonzor, đại sứ đầu tiên của CH Slovakia tại VN (1990-1996) sau khi Tiệp Khắc chia tách và tham gia giúp xây dựng Bệnh viện Việt Tiệp ở TP Hải Phòng, đến ông Piotr Gadzinowski, nguyên đại biểu quốc hội thuộc phe cánh tả Ba Lan hai nhiệm kỳ, luôn bảo vệ cộng đồng người Việt Nam ở Ba Lan;
Từ ông Lokshin Grigori Mikhailovich, người dịch tiểu sử Bác Hồ và nhiều bài báo về Việt Nam, đến ông Fan Beng Yin (Phan Bàn Âm), nguyên cán bộ trạm cấp phát dược liệu Liễu Châu (Trung Quốc), Ủy viên Hội Cựu Chiến binh Chi viện Việt Nam Quảng Tây, nguyên cán bộ Sư đoàn 2 Bộ binh Đường sắt, Đoàn Quân sự Trung Quốc.
Ông Tashlykov Arkadi Mikhailovich là một trong nhiều vụ trưởng của Bộ Giáo dục Nga suốt 25 năm tổ chức đào tạo và nâng cao nghiệp vụ cho công dân Việt Nam ở các trường đại học và viện nghiên cứu của Liên Xô và nước Nga. Bà Phedorova Nadezda Alekxandrovna, cán bộ Nhà máy Người Vô sản Đỏ của Nga, từng chịu trách nhiệm thu thập và gửi sách, giáo trình và sách giáo khoa tặng học sinh phổ thông Việt Nam.
Ông Olé Riis, Đan Mạch, là sáng lập viên và thành viên ban lãnh đạo nhóm nước Việt Nam - Hội các gia đình nhận con nuôi Việt Nam, điều phối viên dự án của Hội Đan Mạch-Việt nam về "Tái lập cuộc sống cho trẻ em gái bị và có nguy cơ bị lạm dụng tình dục" tại Việt Nam năm 2004.
Bà Sandra Scagliotti tích cực tham gia cùng các nhà khoa học, các nhà hoạt động xã hội ở Italia và châu Âu nghiên cứu, xuất bản sách về đề tài chất độc da cam do Mỹ sử dụng tại Việt Nam trong thời gian chiến tranh và kêu gọi dư luận tiến bộ ở Italia cũng như châu Âu đòi Mỹ bồi thường cho các nạn nhân chất độc da cam cũng như giúp Việt Nam khắc phục hậu quả của cuộc chiến tranh này.
Tụ hội về đây còn có những người vẫn đang tham gia hoạt động chính quyền và kinh doanh như ông Shlapakh Alekxandr Vitalievich, nguyên Bộ trưởng Bộ Kinh tế Ucraina. Cho đến cuối tháng 2-2010, ông công tác tại Văn phòng Tổng thống Ucraina trên cương vị Chủ nhiệm Cơ quan Phát triển Kinh tế - Xã hội rồi Phó chánh Thứ nhất Văn phòng Tổng thống. Và từ tháng 3-2010 đến nay, ông là Phó Chủ tịch Tập đoàn IMG International Holding Company, thành phố Kiev.
Ông Déri Miklós, Hungary, từng công tác ở Ủy ban Kiểm tra & Giám sát Quốc tế tại Việt Nam hồi năm 1973, thường xuyên có báo cáo bằng ảnh và phim về Việt Nam thập niên 70 thế kỷ trước.
Năm 1999, ông tự nguyện tổ chức đoàn du lịch sang Việt Nam và tổ chức tiếp vào nhiều năm sau đó, đến năm 2008. Với những ai có nhu cầu kết nối kinh doanh với doanh nghiệp Hungary, ông là một trong những địa chỉ rất tin cậy. Năm 2005, ông từng được Chủ tịch Trần Đức Lương trao tặng Huân chương Hữu nghị.
Trong số hơn 20 đại biểu đến từ các các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, có năm người Việt Nam được mời dự cuộc gặp gỡ cố nhân, gồm ông Lê Nhân Phượng, The Atlantic Philanthropies (Vietnam) Limited (Bác ái Đại Tây Dương); ông Trần Văn Ca, Vietnam Assistance for the Handicapped (tổ chức hỗ trợ người tàn tật); bà Nguyễn Minh Châu, East Meets West Foundation (Hiệp hội Đông Tây Hội ngộ); bà Hoàng Phương Thảo, ActionAid; và Giáo sư Trần Thanh Vân đến từ Rencontre du Vietnam.
Ngày 30-8, Ủy ban về Người VN ở nước ngoài TPHCM đã tổ chức họp mặt với trên 120 kiều bào nhân kỷ niệm 65 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Trong dịp này, UBND TPHCM đã trao tặng 4 bằng khen cho 4 cá nhân kiều bào có nhiều đóng góp cho sự phát triển chung của TPHCM. Sáng cùng ngày, hơn 50 kiều bào, đại diện cho bà con kiều bào đang làm việc, sinh sống tại TPHCM đã dâng hoa, dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng và tiền nhân có công dựng nước, giữ nước tại Công viên Lịch sử Văn hóa dân tộc. |