Lao đao vì đòi lại công bằng

Ông Nguyễn Hồng Bảy tại Phòng Công Thương, huyện Kỳ Sơn
Ông Nguyễn Hồng Bảy tại Phòng Công Thương, huyện Kỳ Sơn
TP - Biết sẽ bị trù dập, trả thù, nhưng ông Nguyễn Hồng Bảy, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình vẫn đứng lên tố cáo những hành vi sai phạm của ông Phó Chủ tịch huyện Nguyễn Hồng Đạo gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hơn 200 triệu đồng.

>> Bài 6: Không khoan nhượng với cán bộ thuế vòi tiền

Sau gần một năm đấu tranh, ông Đạo bị kỷ luật, còn công việc của vị trưởng phòng cũng có những xáo trộn từ đây.

Ông Nguyễn Hồng Bảy tại Phòng Công Thương, huyện Kỳ Sơn
Ông Nguyễn Hồng Bảy tại Phòng Công Thương, huyện Kỳ Sơn . Ảnh: Phạm Tuyên

Từ vụ đấu giá bất thường

Ngày 29-11-2007, UBND huyện Kỳ Sơn tổ chức đấu giá quyền sử dụng 17 lô đất ở tại khu phố Ngọc, xã Trung Minh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình với giá khởi điểm 28 triệu đồng/lô.

Tại phiên đấu giá lần 1, sau ba vòng bỏ phiếu, lô đất được trả giá cao nhất tới 52 triệu đồng. Các lô còn lại được trả từ 43 đến 48 triệu đồng. Lô được trả giá thấp nhất 37 triệu đồng. Phiên đấu giá đến 12 giờ 30 kết thúc.

Đến đầu giờ chiều, ông Nguyễn Hồng Đạo, Phó Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch hội đồng đấu giá đột ngột cho ngừng và lập biên bản hủy kết quả phiên đấu giá đồng thời thông báo bằng miệng cho các thành viên hội đồng đấu giá và người tham gia đấu giá về việc sẽ tổ chức phiên đấu giá lần hai.

Sáu ngày sau, phiên đấu giá lần hai được ông Đạo cho tổ chức lại với giá khởi điểm vẫn là 28 triệu đồng/lô. Trước sự bất thường của phiên đấu giá, ông Nguyễn Hồng Bảy, Trưởng phòng Tài chính-Kế hoạch, Phó Chủ tịch Hội đồng đấu giá huyện Kỳ Sơn đã phản ứng kịch liệt, vì áp mức giá khởi điểm này là phạm luật (Theo quy định giá khởi điểm phiên đấu giá lần 2 phải là giá cao nhất của phiên đấu giá bị hủy).

Ý kiến của ông Bảy bị ông Đạo bác thẳng thừng. Ông Đạo quyết định vẫn cho tiến hành đấu giá. Phiên đấu giá vẫn được thực hiện với mức giá bỏ cuối cùng cao nhất là 30,08 triệu đồng/lô. Các lô đất khác cũng chỉ có giá bỏ từ 28 đến 29 triệu đồng.

Với mức giá trên, 17 hộ thắng thầu đã tiết kiệm được từ 10 tới 21 triệu đồng/người tùy lô đất. Điều này đồng nghĩa số tiền thu được từ phiên đấu giá đã bị hụt tổng cộng 218,9 triệu đồng vì quyết định khó hiểu của ông Phó Chủ tịch huyện.

Bất bình trước việc làm của ông Đạo, ông Bảy gặp trực tiếp lãnh đạo Huyện ủy báo cáo sự việc và viết đơn gửi Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện Kỳ Sơn tố cáo việc làm sai trái gây thất thoát tiền Nhà nước qua phiên đấu giá 17 lô đất ở phố Ngọc. Lãnh đạo Huyện ủy hứa sẽ xem xét nhưng mọi việc vẫn đâu lại hoàn đấy.

Ít lâu sau, khi lá đơn tố cáo được gửi đi, một tối trên đường từ cơ quan về nhà, ông Bảy bị bốn người đi trên hai chiếc xe máy bất ngờ ép xe ông Bảy, khiến ông ngã xuống đường. Qua cuộc nói chuyện bằng tiếng Mường giữa nhóm người trên trước khi bỏ đi, ông Bảy thoáng hiểu việc đâm xe này là có chủ ý.

Trở lại làm việc những ngày sau đó, công việc tại phòng của ông cũng xuất hiện những trục trặc. Có những dấu hiệu cho thấy có người đang tìm mọi cách để ông mắc phải sai lầm, bị khuyết điểm.

Cuộc chiến cô lập người chống tiêu cực có xu hướng mở rộng khi các thành viên hội đồng đấu giá đất ban đầu cũng rất ủng hộ việc ông Bảy phản đối nhưng sau đó lại lặng lẽ rút lui. Những người bạn, nhân viên cũ cũng sợ không dám lai vãng đến thăm, chia sẻ chuyện trò với ông Bảy vì sợ mang tiếng chơi với người chống lãnh đạo.

Thậm chí, ông Bảy còn bị tố ngược đã tham mưu không đúng quy định về quản lý tài chính; Chi sai nguồn dự phòng năm 2007 để lấy tiền ngân sách của UBND xã Mông Hóa với tổng số tiền 36,5 triệu đồng; Gây mất đoàn kết nội bộ trong phòng kéo dài; Tham mưu đấu giá đất tại xã Trung Minh không đúng quy định và có ý gài bẫy lãnh đạo UBND huyện phải mắc khuyết điểm.

Sau khi đơn được gửi đi, lãnh đạo huyện cũng đánh động tới vợ ông Bảy về việc điều chuyển ông lên tỉnh làm việc; không bổ nhiệm lại chức trưởng phòng, phải làm nhân viên. Vụ việc căng thẳng tới mức có người trách cả vợ ông Bảy là không biết can ngăn chồng.

Đến 'mất chức' khó hiểu

Cuộc đấu tranh chống tiêu cực của ông Bảy dường như đi vào bế tắc khi mọi đơn từ tố cáo sai phạm của ông không được xử lý. Ngày 24-4-2008, ông Bảy nhận được Quyết định số 500/QĐ-UBND về việc điều động và bổ nhiệm cán bộ do ông Đinh Đăng Điện, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn ký điều chuyển và giáng xuống làm Phó phòng Công Thương dù ông Bảy không bị bất cứ một hình thức kỷ luật nào.

Sau khi tham khảo ý kiến vài người bạn thân, ngày 27-4-2008, ông Bảy tiếp tục viết đơn tố cáo việc ông Nguyễn Hồng Đạo, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn có những sai phạm gây thất thoát tiền của Nhà nước trong phiên đấu giá tại phố Ngọc gửi tới Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình, Chủ tịch UBND tỉnh và Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hòa Bình. Những ngày sau đó ông tiếp tục đi làm bình thường. Đến ngày 8-5-2008, ông Bảy thấy choáng váng thực sự khi phòng làm việc của ông bị niêm phong.

Quá bức xúc với hành động trù dập vô lí, ông Bảy tìm gặp trực tiếp lãnh đạo Huyện ủy tuyên bố: Nếu các anh thấy tôi sai, thấy tôi có vi phạm thì cứ xử lý. Thấy tôi đáng là trưởng phòng, phó phòng hay thậm chí là bảo vệ hoặc phải đứng sau song sắt nếu có vi phạm thì cứ quyết định, để tôi được thanh thản hơn. Hai ngày sau đó, ông Bảy mới được cán bộ huyện cho mở cửa phòng làm việc để lấy tư trang, tài liệu trong phòng làm việc.

Ngày 18-8-2008, gần một năm sau khi gửi đơn đấu tranh với tiêu cực, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hòa Bình ra Thông báo số 56-TB/UBKTTU, nêu rõ: Đồng chí Nguyễn Hồng Đạo, với nhiệm vụ được giao là Chủ tịch Hội đồng đấu giá đất huyện Kỳ Sơn, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đã chỉ đạo tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất không đúng quy định, làm thất thu cho ngân sách Nhà nước 208.903.000 đồng gây dị nghị hoài nghi của dân trong huyện...

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy cũng yêu cầu Huyện ủy Kỳ Sơn kiểm điểm, xem xét xử lý kỷ luật hoặc đề xuất hình thức xử lý với ông Đạo.

Ngày 7-11-2008, Huyện ủy Kỳ Sơn ra quyết định thi hành kỷ luật với ông Nguyễn Hồng Đạo với hình thức cảnh cáo. Sau đó ông Đạo thôi giữ chức Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn và chuyển công tác khác.

Sau khi ông quan phó huyện Kỳ Sơn bị cách chức, sức ép từ hành động đấu tranh với cấp trên của ông Bảy không vì thế mà giảm bớt. Ông nhận được thông tin rằng, ông sẽ bị xử, có người cảnh báo, ông sẽ bị trả thù. Một thời gian dài sau đó, ông Bảy được phục chức lên Trưởng phòng Công Thương huyện Kỳ Sơn. Những người làm việc cùng ông cũng hiểu và bắt đầu hợp tác hơn trong công việc.

Suy ngẫm về những việc mình đã làm, ông Bảy cho biết: “Thực tế, mấy ai muốn vạch áo cho người xem lưng, nhất là khi đấu tranh với lãnh đạo trực tiếp của mình. Nhưng việc làm sai trái cần được đưa ra xem xét xử lý”.

MỚI - NÓNG