“Tôi có may mắn biết Châu từ khi anh còn là học sinh phổ thông, qua một số buổi dạy cho đội tuyển toán của khối chuyên Trường Đại học Tổng hợp. Ấn tượng của tôi, Châu là một học sinh đặc biệt xuất sắc. Những hôm Châu nghỉ học, tôi thường kèm thêm trong số “bài tập về nhà” của em một giả thuyết chưa được chứng minh, để thử sức cậu học trò.
Về sau, tôi chứng kiến Châu trưởng thành rất nhanh. Không chỉ trở thành nhà toán học xuất sắc, anh còn có vốn văn hóa cao, hiểu biết nhiều về lịch sử, triết học, văn học, cả phương Đông và phương Tây. Hình như kiến thức của mọi lĩnh vực đi vào con người anh mà không gặp một trở ngại nào”. - (GS.TSKH Hà Huy Khoái)
Làm việc căng thẳng, mụn mọc đầy mặt
“Lần đầu tiên tôi gặp Châu là năm 1990 khi tôi học ở Matxcơva, Nga. Lúc ấy, Châu từ Paris sang thăm mẹ, làm cộng tác viên khoa học về khoa học xã hội. Năm 2007, anh Châu ở Paris mời tôi sang làm seminar về toán tại Đại học Paris 11 Sud. Tôi từ Đức sang, ở nhờ nhà anh hai đêm.
Châu mới mua ngôi nhà ấy ở ngoại ô Paris sau khi nhận học hàm giáo sư ở Đại học Paris 11 Sud. Nhà nhỏ nhưng vườn rộng. Châu kể anh mất cả mùa hè năm 2006 làm thềm gỗ để mọi người có thể ngồi chơi buổi chiều ngoài trời. Đấy cũng là lúc anh kết thúc công trình Bổ đề Cơ bản, bản thảo dài 150 trang.
Anh nói làm việc căng thẳng đến mức mụn mọc đầy mặt. Khi anh kể chuyện ấy cho Gerard Laumon, thầy dạy của anh và là một nhà toán học xuất sắc của Pháp, cười và đùa lại “Sao cậu làm toán vất vả thế. Tôi làm toán nhàn hơn nhiều”. Ông thầy này cũng có một học trò đoạt giải thưởng Fields năm 2002, tên là Lafforgue.
Cả nhà anh chuyển sang Đại học Chicago, Mỹ từ hai năm nay… Sở thích của Châu lúc ấy là hút xì gà nhưng bây giờ thôi rồi”. - (TS Phùng Hồ Hải, Viện Toán học VN)
GS Toán Robert Fefferman (ĐH Chicago):
GS Châu - Nhà toán học vĩ đại!
Ngay sau khi giành được Huy chương Fields ở Ấn Độ ngày 19-8, hiệu ứng GS Ngô Bảo Châu lan tỏa trên khắp các báo mạng của Việt Nam. Theo thống kê của Alexa, từ nhiều ngày nay, mức tăng trưởng của Diễn đàn Toán học đạt tới hơn 60%, điều tưởng chừng không bao giờ có được với một diễn đàn chuyên ngành như vậy. Không chỉ giới khoa học cũng như cư dân mạng trong nước, báo mạng của Trung Quốc cũng nhận định Bảo Châu sẽ giành giải Fields.
“Ngô Bảo Châu là một trong những nhà toán học vĩ đại của thời đại”, giáo sư toán Robert Fefferman, trưởng khoa Vật lý Đại học Chicago nhận định trên Newswise.com.
Mạnh Cường (st)
Hòa thượng thích toán, mê… thơ
GS Ngô Bảo Châu tự nhận “đã nhiễm căn bệnh thế kỷ” là thích đọc và viết blog. Trên blog thichhoctoan. wordpress.com, anh ví mình là vị hòa thượng trong lĩnh vực toán học với lời phi lộ: “Blog này chỉ nói đến kinh kệ toán học: từ lý thuyết số, đại số, hình học, giải tích đến tổ hợp và có thể lan man sang vật lý”.
Nhưng không chỉ toán học, Ngô Bảo Châu còn làm thơ trong lúc ngẫu hứng toán học: Lô-gic bần đạo không rành/Cháo chay quy nạp lại thành cháo khê/Xơi vào lại hóa cháo mê/Quy đi nạp lại biết về lối nao? (Cháo chay quy nạp). Hay những lúc trải buồn: Cất nỗi buồn vào tài khoản tiết kiệm/Để ngày mới là niềm vui tươi rói/Còn cho ta rảnh chân thanh thản/Rảo bước với thời gian…(Cất nỗi buồn vào đâu?). Có những lúc anh lại ước: Có một con đường ta đi/ Giá chi không bao giờ tới đích.