Chờ xướng tên Ngô Bảo Châu

Giáo sư Ngô Bảo Châu
Giáo sư Ngô Bảo Châu
TP - Nhà khoa học uy tín của Viện Toán học Việt Nam, người từng dạy Ngô Bảo Châu khẳng định chắc chắn Châu sẽ nhận giải thưởng Fields, được xem là Nobel Toán học, tại Đại hội Toán học Thế giới tổ chức ở Ấn Độ vào ngày mai.

>> Những người bạn lớn của toán học VN
>> GS Ngô Bảo Châu: Sẵn sàng về Việt Nam 3 tháng mỗi năm
>> Tôi tin GS Ngô Bảo Châu sẵn sàng
>> Mời giáo sư Ngô Bảo Châu về nước làm việc

Giáo sư Ngô Bảo Châu
Giáo sư Ngô Bảo Châu.

Tại Đại hội Toán học Quốc tế khai mạc ngày 19-8, ở Hyderabad (Ấn Độ), danh sách 4 nhà Toán học trẻ tuổi thế giới đoạt giải Fields, giải thưởng danh giá nhất trong lĩnh vực toán học và có uy tín ngang giải Nobel, sẽ được xướng lên. Đứng đầu danh sách đó, cộng đồng toán học trong nước và quốc tế kỳ vọng rất nhiều vào một ứng viên người Việt, GS Ngô Bảo Châu, 38 tuổi.

Một ngày trước khi diễn ra sự kiện này, Tiền Phong có cuộc trao đổi với GS.TSKH Hà Huy Khoái, Ủy viên Hội đồng Khoa học, Viện Toán học Việt Nam, người từng dạy Ngô Bảo Châu thời phổ thông, về nhà khoa học trẻ tài năng này cũng như về giải thưởng mà anh xứng đáng được nhận.

Sức mạnh của sự trừu tượng

Trong một bài viết cuối tháng 12-2009 đăng trên website của Viện Khoa học&Công nghệ Việt Nam, ông đã khẳng định: "Hầu như chắc chắn Ngô Bảo Châu sẽ nhận được Giải thưởng Fields tại Đại hội Toán học Thế giới năm 2010". Đến hôm nay, ông có còn kiên trì với nhận định ấy nữa không?

Nếu là hôm nay thì tôi sẽ bỏ chữ "hầu như" trong câu trên, mà khẳng định là chắc chắn!

Ngày mai, 19-8, tại buổi khai mạc Đại hội Toán học Thế giới 2010 ở Hyderabad, Ấn Độ, giả sử dự đoán của ông không thành hiện thực thì ông nghĩ sao?

Tôi không nghĩ về điều mà tôi tin là không xảy ra.

Xin ông cho biết ý nghĩa cơ bản của Bổ đề Cơ bản mà GS Ngô Bảo Châu chứng minh thành công năm 2004. Dư chấn của Bổ đề Cơ bản có thể lan tỏa đến lĩnh vực nào mà người bình thường có thể cảm nhận được?

Có thể ví công trình của Ngô Bảo Châu như việc lấp đầy một thung lũng giữa hai quả núi, để Toán học (và cả vật lý lý thuyết) có thể vượt từ đỉnh núi này sang đỉnh núi kia và tiếp tục tiến lên. Cũng có thể xem Ngô Bảo Châu như người hoàn thành việc lắp một cây cầu nối liền hai bờ sông, để một hàng dài các "phương tiện vận tải chở những thành tựu toán học" tiếp tục tiến lên phía trước.

Công trình chứng minh Bổ đề Cơ bản của Ngô Bảo Châu là cột mốc quan trọng trên chặng đường dài mà khoa học muốn tìm kiếm sự thống nhất giữa các ngành toán học khác nhau (đại số, hình học, giải tích) và, hơn nữa, sự thống nhất giữa toán học và vật lý. Thế giới tự nhiên về bản chất là thống nhất. Khoa học, trong buổi khởi đầu, cũng là thống nhất. Archimed, Aristote, Platon, Ptoleme, v.v..., vừa là những nhà vật lý, nhà toán học, và nhà triết học.

Cùng với sự phát triển của mình, các ngành khoa học có vẻ như ngày càng rời xa nhau, trong khi đối tượng của nó - tự nhiên- vẫn luôn là một thể thống nhất. Đã đến lúc, các ngành khoa học cần và có thể thống nhất lại trên đỉnh cao của nó để con người có cơ hội hiểu biết sâu hơn, rộng hơn về tự nhiên. Ý nghĩa triết học của công trình của Ngô Bảo Châu có lẽ là ở chỗ đó.

Còn để một người bình thường có thể cảm nhận được dư chấn của Bổ đề Cơ bản thì có lẽ cần thời gian.

Trong lĩnh vực toán học hiện nay, còn có các bài toán nào tầm cỡ như hoặc hơn Bổ đề Cơ bản không? Thách thức lớn nhất của toán học hiện đại là gì?

Toán học luôn có những vấn đề tầm cỡ của nó. Có những vấn đề do thực tiễn đặt ra, cũng có những vấn đề đặt ra trong sự phát triển nội tại của toán học. Đặc điểm nổi bật của toán học là ở chỗ sức mạnh của nó nằm trong sự trừu tượng hóa cao độ. Thách thức lớn nhất của toán học cũng ở đó, làm thế nào để từ đỉnh cao của sự trừu tượng mà quay về giải quyết được những vấn đề bức xúc của cuộc sống.

GS Ngô Bảo Châu (áo ca rô) cùng các thế hệ Toán học VN tại Viện Toán học VN, tháng 8 - 2010
GS Ngô Bảo Châu (áo ca rô) cùng các thế hệ Toán học VN tại
Viện Toán học VN, tháng 8 - 2010.


Toán, lĩnh vực của người lập dị?

Vì sao giải thưởng Fields chỉ khiêm tốn 10.000 USD trong khi trị giá giải thưởng Nobel lên đến 1,5 triệu USD?

Trước khi mất, Fields - nhà toán học Canada, người có sáng kiến đặt ra giải thưởng Fields- đóng góp 47.000 dollar Canada để làm quỹ giải thưởng. Đại hội Toán học Quốc tế năm 1936 quyết định rằng ông chủ tịch đại hội cần gặp Thủ tướng Canada để thoả thuận, nếu có thể, về một quỹ thường xuyên, có lãi suất, giành cho giải thưởng. Tuy nhiên, sự thỏa thuận đó chưa bao giờ đạt được.

Giá trị bằng tiền của Giải thưởng Fields hiện nay là vào khoảng 15.000 dollar Canada, tức khoảng 10.000 USD. Vì thế, khi ta nói rằng giải thưởng Fields tương đương giải thưởng Nobel trong các ngành khoa học khác là nói về giá trị khoa học và vinh dự của giải thưởng, chứ hoàn toàn không phải là sự tương đương về tiền bạc. Có lẽ điều đó cũng có phần hợp lý vì, nói chung, toán học chẳng tương đương với lĩnh vực nào, nếu xét theo thu nhập của những người đứng hàng đầu trong mỗi lĩnh vực.

Được biết, lúc đầu, Hội Toán học Quốc tế quyết định chỉ trao không quá hai giải thưởng trong mỗi kỳ đại hội. Thế mà nay lại thấy mỗi kỳ đại hội có thể xét trao đến 4 giải thưởng?

Từ năm 1966, Hội Toán học Quốc tế quyết định có thể trao đến 4 giải thưởng Fields trong mỗi kỳ đại hội. Điều đó là hoàn toàn hợp lý, vì toán học ngày càng đạt được những thành tựu lớn. Ngay cả khi nâng số giải thưởng lên con số 4 thì việc lựa chọn cũng không hề dễ dàng. Ta nên nhớ là đại hội chỉ họp 4 năm một lần nên trung bình mỗi năm có không quá một nhà toán học được giải. Trong khi đó, giải Nobel được trao hằng năm.

Năm 1954, nhà toán học Pháp Jean-Pierre Serre trở thành người trẻ tuổi nhất giành giải ở tuổi 27 và, đến nay, kỷ lục này vẫn chưa bị phá. Năm 2006, nhà toán học Nga, Grigori Perelman, từ chối nhận giải thưởng và cũng không tham dự Hội nghị Toán học Quốc tế năm đó.

Xin ông cho biết qua hai trường hợp cá biệt này?

Jean-Pierre Serre kể lại rằng, tia chớp lóe lên trong đầu ông về phân thớ đường thẳng. Tia chớp đã làm nên giải thưởng Fields, xuất hiện khi ông ngồi trên một chuyến tàu đêm trở về sau kỳ nghỉ. Lúc đó, ông đánh thức vợ dậy để kể về ý tưởng đó, mặc dù biết vợ không hiểu gì. Những tia chớp như vậy trong toán học không gặp thường xuyên như tia chớp trên bầu trời của chúng ta.

Còn Grigori Perelman thì từ chối mọi giải thưởng vì, với ông, ngoài toán học ra chẳng còn gì cần nghĩ đến nữa. Làm việc cô lập nhiều năm, không công bố một công trình nào nên ông bị loại khỏi biên chế của Viện Toán học. Cho đến khi được giải thưởng Fields, ông vẫn sống trong một căn hộ nhỏ cùng mẹ già, với số lương hưu ít ỏi của mẹ. Có lẽ trong toán học, tỷ lệ những người bất thường có cao hơn trong đời thường chăng?

GS Ngô Bảo Châu tại buổi thuyết trình cách đây hai tuần ở Viện Toán học Việt Nam
GS Ngô Bảo Châu tại buổi thuyết trình cách đây hai tuần ở Viện Toán học
Việt Nam.


Thức dậy niềm tin cho cả giới lãnh đạo

Việc GS Ngô Bảo Châu giải được Bổ đề Cơ bản thuộc Chương trình Langlands có bất ngờ với giới toán học Việt Nam không?

Với những người biết Ngô Bảo Châu từ trước, điều đó không quá bất ngờ. Ngay khi làm luận án tiến sĩ, anh đã chứng minh Bổ đề Jacquet-Langlands, một vấn đề trong Chương trình Langlands rồi. Năm 2004, anh được tặng Giải thưởng Clay (cùng với thầy dạy Laumon) về chứng minh Bổ đề Cơ bản trong một trường hợp riêng quan trọng. Ngay năm đó, Laumon đã phát biểu, Ngô Bảo Châu trong tương lai hoàn toàn có thể được giải thưởng Fields.

Công trình của GS Ngô Bảo Châu, theo ông, có tác dụng cụ thể gì đối với nền toán học nước nhà?

Để thành công trong khoa học (và không chỉ trong khoa học), niềm tin có một vai trò quyết định. Ngô Bảo Châu đã trao cho giới trẻ niềm tin vào khả năng của người Việt Nam, hy vọng rằng anh cũng góp phần làm cho những nhà lãnh đạo của Việt Nam tin là chúng ta có thể đạt được những thành tựu ở đỉnh cao của thế giới nếu biết cách đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài.

Để thành công trong khoa học (và không chỉ trong khoa học), niềm tin có một vai trò quyết định. Ngô Bảo Châu đã trao cho giới trẻ niềm tin vào khả năng của người Việt Nam, hy vọng rằng, anh cũng góp phần làm cho những nhà lãnh đạo của Việt Nam tin là chúng ta có thể đạt được những thành tựu ở đỉnh cao của thế giới nếu biết cách đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài. 

Việc Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân mới đây quyết định mời GS Ngô Bảo Châu về nước công tác với nhiều điều kiện ưu đãi, theo ông, có khả thi không? Theo ông, cần làm gì để tận dụng tối ưu tài năng của GS Ngô Bảo Châu?

Tôi nghĩ lời mời của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chứng tỏ sự đánh giá cao của Nhà nước đối với đóng góp của Ngô Bảo Châu. Tôi tin Ngô Bảo Châu sẽ biết cách làm thế nào để đóng góp nhiều nhất cho đất nước trong hoàn cảnh của anh.

Ông đánh giá thế nào những mặt được và chưa được của toán học Việt Nam hiện nay? Toán học Việt Nam cần làm gì để có thể tạo điều kiện sớm làm xuất hiện thêm những Ngô Bảo Châu trong tương lai?

Một câu hỏi không quá khó để trả lời. Nói thế nào cũng sẽ thiếu sót, tuy nhiên nếu mạnh dạn thì xin được trả lời như sau. Cái được của toán học Việt Nam hiện nay là đã hình thành một cộng đồng làm toán với nhiều thành tựu ngang tầm quốc tế, làm cơ sở cho việc đào tạo toán học với chất lượng nhất định ở bậc phổ thông và đại học.

Cái chưa được, và là cái ta mong muốn, là làm thế nào để hình thành nhiều tập thể (trường phái) mạnh về toán, đặc biệt, làm thế nào để có thể đủ sức giải quyết được những vấn đề mà thực tiễn xây dựng và bảo vệ tổ quốc đặt ra cho toán học. Để đạt mục tiêu đó, chứ không phải là để xuất hiện Ngô Bảo Châu mới, có nhiều việc phải làm, từ phía các nhà toán học, từ phía những người lãnh đạo, sự phát triển của xã hội nói chung.

Cám ơn ông!

Quốc Dũng thực hiện

MỚI - NÓNG