Đăng ký dự án tỷ đô rồi chuyển nhượng

Sau gần 4 năm, dự án nhiều tỷ USD này mới giải ngân được hơn 38 triệu USD (trong ảnh đến hết tháng 7-2010, dự án mới đóng được hơn 1.200 cọc móng)
Sau gần 4 năm, dự án nhiều tỷ USD này mới giải ngân được hơn 38 triệu USD (trong ảnh đến hết tháng 7-2010, dự án mới đóng được hơn 1.200 cọc móng)
TP - Cách đây bốn năm, một dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Khu Kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi), với số vốn đăng ký hơn 1 tỷ USD. Tuy nhiên, thay vì vào để đầu tư, chủ đầu tư Đài Loan đã sang nhượng nhiều lần...

>> Bài 2: Cận cảnh dự án 16 tỷ USD

Sau gần 4 năm, dự án nhiều tỷ USD này mới giải ngân được hơn 38 triệu USD (trong ảnh đến hết tháng 7-2010, dự án mới đóng được hơn 1.200 cọc móng)
Sau gần 4 năm, dự án nhiều tỷ USD này mới giải ngân được hơn 38 triệu USD (trong ảnh đến hết tháng 7-2010, dự án mới đóng được hơn 1.200 cọc móng) . Ảnh: Trí Quân

Xí phần

Ngày 8-9-2006, Tập đoàn Tycoon Worldwide Group (Đài Loan) chính thức được cấp giấy phép đầu tư dự án Nhà máy thép Guang Lian - Dung Quất công suất 5 triệu tấn thép tấm, cuộn cán nóng, cuộn cán nguội/năm.

Ngay từ khi chủ đầu tư được phép lập dự án này, nhiều chuyên gia đã cảnh báo về tính khả thi của dự án, bởi năng lực đầu tư, cả về tài chính và công nghệ của tập đoàn này thấp. Bởi ngay từ khâu viết đề án đã phi thực tế, khi chủ đầu tư chỉ bỏ ra 1,056 tỷ USD nhưng lại xây nhà máy có công suất tới 5 triệu tấn/năm.

Theo các chuyên gia, với số tiền trên, kể cả sử dụng công nghệ và thiết bị được cho là rẻ của Trung Quốc cũng không thể thực hiện được.

Tài liệu của Giáo sư Nozomu Kawabata, Đại học Tohoka (Nhật Bản) tháng 8-2007, khi phân tích về số vốn đầu tư của Tycoon trong Liên hợp thép này đã nêu dẫn chứng: Ngay tại Trung Quốc để làm dự án quy mô như vậy cũng cần số vốn gấp hơn 2 đến 3 lần số vốn mà tập đoàn này đăng ký đầu tư vào Việt Nam. Điển hình như Ningbo Iron and Steel xây dựng liên hợp 4 triệu tấn/năm cần tới 2,18 tỷ USD; Tập đoàn An Sơn xây dựng liên hợp 5 triệu tấn/năm cần 3,4 tỷ USD.

Ngoài ra, các chuyên gia và Hiệp hội Thép Việt Nam còn cảnh báo cơ quan chức năng, ngay từ thời điểm đó Tycoon chỉ là sản xuất thép dây quy mô nhỏ ở Đài Loan và Thái Lan đã không sở hữu công nghệ sản xuất gang thép và thép tấm, thép cuộn cán nóng và cán nguội.

Tuy nhiên, những cảnh báo trên không được lưu tâm. Sau đó, Tycoon vẫn được cấp chứng nhận đầu tư, được nhận hơn 300 ha đất mặt bằng trong Khu Kinh tế Dung Quất.

Thực tế sau đó, ngay khi làm xong thủ tục, nhận đất, Tycoon nhượng 40% cổ phần cho Jinnan (Tế Nam, Trung Quốc). Sau khi nhận chuyển nhượng, Công ty Jinnan cũng không triển khai dự án. Hai năm sau, dự án lại được sang tên cho E-United 90%. Tycoon lúc này chỉ giữ 10% và tổng vốn đầu tư dự án được điều chỉnh lên 3 tỷ USD. Đến ngày 18-7-2008, dự án phải chuyển đổi Giấy chứng nhận đầu tư đến lần thứ tư.

Tới tháng 3-2008, dự án mới làm lễ động thổ, khởi công xây dựng. Gần một năm sau, tới tháng 12-2009 mới làm công tác chuẩn bị đầu tư. Dù đăng ký rồi nâng vốn đầu tư lên tới 3 tỷ USD. Sau đó chủ đầu tư lại đề nghị nâng tổng vốn đầu tư lên 4,5 tỷ USD và nâng công suất lên 7 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, sau hơn 4 năm, đến tháng 5-2010, nhà đầu tư Công ty TNHH Guang Lian Steel Việt Nam (thuộc E-United) mới giải ngân được 38,5 triệu USD để thực hiện dự án.

Dự án có thành hiện thực?

Đề nghị tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu đối tác Đài Loan cam kết thực hiện tiến độ đã lập trong luận chứng. Theo nhận định của Hiệp hội Thép Việt Nam, việc Công ty Guang Lian xin điều chỉnh để giữ đất, giữ dự án nhưng không rõ ý đồ triển khai xây dựng

Dù đã qua tay khá nhiều chủ nhưng cho tới nay, dự án FDI này chưa biết có thành hiện thực. Ngày 28-6-2010, Hiệp hội Thép có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, chỉ ra những bất hợp lý trong các báo cáo của Công ty TNHH Guang Lian Steel Việt Nam quanh việc xin điều chỉnh cơ cấu sản phẩm của dự án cũng như xác định lại số tiền thực chi cho dự án tính đến nay.

Thứ nhất, theo Hiệp hội Thép, nếu tăng công suất thêm 2 triệu tấn/năm nhưng lò cao của nhà máy chỉ tăng 50m3 (từ 4.300 m3 lên 4.350 m3) nên điều này là không thể được. Trong khi đó dung tích lò chuyển lại bị rút đi quá nhiều. Từ 3 lò 180 tấn/mẻ (tổng công suất 540 tấn) rút còn 2 lò 230 tấn/mẻ (tổng công suất 460 tấn).

Việc xây dựng 4 trạm biến áp 115 KW là quá nhỏ, không phải là biến áp cho liên hợp luyện kim. Ngay cả số diện tích đất tăng thêm cho dự án (tăng 24 ha) là không thực tế. "Với những giải trình thay đổi về mặt kỹ thuật của Công ty Guang Lian, Hiệp hội thấy rằng không có khả năng tăng công suất từ 5 triệu tấn/năm lên 7 triệu tấn/năm và việc tăng vốn từ 3 tỷ USD lên 4,5 tỷ USD cũng chỉ gây ảo tưởng công trình có vốn đầu tư hoành tráng, mà thực chất chỉ là để kéo dài thời gian"- Hiệp hội Thép đánh giá.

Theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, qua theo dõi cả quá trình hình thành và triển khai dự án, Hiệp hội nhận thấy nhà máy Liên hợp Dung Quất có quá nhiều lần thay đổi chủ đầu tư và vốn đầu tư.

Theo đánh giá, việc tăng vốn đầu tư trong giai đoạn kinh tế thế giới đang khó khăn như hiện nay, đầu tư và liên hợp thép ở Việt Nam đối với các tập đoàn Đài Loan là không dễ dàng.

Trong khi triển khai dự án quá chậm, Hiệp hội đề nghị Bộ Công Thương và tỉnh Quảng Ngãi điều tra kỹ lưỡng năng lực tài chính thực tế của Công ty TNHH Guang Lian Steel Việt Nam, những công việc đã làm với các công ty cung ứng công nghệ và thiết bị trước khi quyết định cho điều chỉnh dự án hay không.

Chủ đầu tư nói gì?

Ngày 30-7, PV Tiền Phong có mặt tại công trường dự án Nhà máy thép Guang Lian Dung Quất. Khởi động lại dự án sau thời gian dài trì trệ, việc đóng những chiếc tim cọc móng đầu tiên được tiến hành từ ngày 22-3-2010.

Đến thời điểm này đã hoàn thành trên 1.200 tim cọc (đường kính 600-800 mm, sâu 25-30 m), trong đó có nhiều cọc ngầm tại các khu vực lò gió nóng, khu vực 3,4 thuộc lò luyện cốc, đang tiến hành tiếp tại khu vực lò chuyển thuộc xưởng luyện thép và khu vực xưởng thiêu kết. Hạng mục này gồm khoảng 30.000 - 40.000 tim cọc, chủ đầu tư dự kiến đến cuối tháng 12 - 2010 sẽ hoàn thành.

Theo Chủ tịch kiêm TGĐ Công ty TNHH Guang Lian Steel (Việt Nam) - ông Hsueh Hung Yi (Đài Loan), dự án đã hoàn thành khoảng 22 hồ sơ, thủ tục pháp lý cần thiết, trong đó nhiều hồ sơ đã được bộ ngành chức năng phê duyệt. Dự án đã hoàn tất ký kết hợp đồng cung ứng thiết bị chủ yếu cho cả hai giai đoạn với Tập đoàn Xây dựng và Luyện kim Trung Quốc (MCC ).

Cũng theo ông Hsueh Hung Yi, ngoài 22 triệu USD vốn đầu tư thực tế năm 2009, 6 tháng đầu năm 2010, dự án đã đầu tư thêm 16,5 triệu USD, trong đó chi gần 10 triệu USD tiếp tục tiến độ san lấp mặt bằng giai đoạn I, hạng mục đóng cọc móng, tiếp tục xây 2 tòa nhà C, D và nhà giải trí thuộc khu ký túc xá nhân viên, ký kết các hợp đồng quan trọng khác, phần còn lại chi trả một phần giá trị của các hợp đồng thiết kế, chế tạo thiết bị; phát lương cho gần 300 nhân viên người Việt Nam, 40 chủ quản người Đài Loan và gần 20 cán bộ kỹ thuật người Trung Quốc.

Về số vốn khổng lồ 4,5 tỷ USD xây dựng nhà máy, lãnh đạo dự án nhà máy thép Guang Lian Dung Quất, khẳng định: Sau những nỗ lực đàm phán, tháng 4-2010, Ngân hàng Công Thương Trung Quốc đã phát hành Ý định thư đồng ý cho Công ty Guang Lian vay vốn với tổng số vốn vay tối đa là 4 tỷ USD. Các điều khoản cụ thể đang được hai bên tích cực hoạch định, dự kiến đến tháng 11-2010 sẽ chính thức ký kết hợp đồng vay vốn với phía ngân hàng.

MỚI - NÓNG