>> Chậm chân, Vedan có thể phủi trách nhiệm
LS Nguyễn Văn Hậu (đứng) hội ý với Chủ tịch HND TPHCM Nguyễn Văn Phụng (ngồi bên trái) và Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Đoàn Văn Sơn về việc khởi kiện Vedan. Ảnh: LT |
Tính đến chiều cùng ngày, Hội Nông dân (HND) huyện Cần Giờ đã nhận được 839 đơn yêu cầu bồi thường của các hộ dân ngụ tại xã Thạnh An. Căn cứ vào thống kê thiệt hại của UBND huyện Cần Giờ, Viện Tài nguyên và Môi trường xác định, tổng số tiền mà Vedan phải bồi thường cho người dân huyện Cần Giờ lên tới 107 tỷ đồng.
“Phía Vedan cam kết trong ngày 28-7 sẽ chính thức có công văn gửi UBND TPHCM. Về nguyên tắc, khả năng giải quyết thông qua thương lượng vẫn còn, song chúng tôi vẫn quyết định xúc tiến các thủ tục khởi kiện trong thời hiệu quy định để tránh tình trạng Vedan cò kè, kéo dài thời gian, gây bất lợi cho các hộ nông dân bị thiệt hại” – Ông Hậu khẳng định.
Ngày 26-7, ông Ao Văn Thinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản gửi Hội Luật gia, Hội Nông dân, Tòa án nhân dân, Sở TN&MT, UBND huyện Long Thành, Nhơn Trạch đề nghị thống nhất quan điểm bảo vệ quyền lợi cho người dân bị thiệt hại do Cty Vedan xả thải.
Theo đó, Hội Nông dân và Hội Luật gia tỉnh sẽ thành lập 2 tổ công tác tại huyện Long Thành, huyện Nhơn Trạch để hướng dẫn người dân lập hồ sơ, chứng cứ liên quan để yêu cầu Vedan bồi thường.
Đối với người dân lựa chọn hình thức khởi kiện tại tòa án, Hội Luật gia hướng dẫn, giúp đỡ thủ tục khởi kiện và làm đại diện nếu được ủy quyền. Hội Nông dân tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn người dân chọn hình thức thương lượng hoàn thành các hồ sơ liên quan, đồng thời làm đại diện cho họ nếu được ủy quyền, để thương lượng với Vedan.
Tỉnh Đồng Nai sẽ trích kinh phí từ Quỹ Bảo vệ môi trường để hỗ trợ dân làm hồ sơ, thủ tục. Các hộ thuộc diện khó khăn sẽ được Tòa án nhân dân tỉnh miễn, giảm án phí, kinh phí lập hồ sơ, khiếu kiện.
Trong khi đó, Cty Vedan vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị nâng mức hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại ở 4 xã thuộc huyện Long Thành, Nhơn Trạch lên 30 tỷ đồng (trước đây là 15 tỷ đồng). Tuy nhiên, tỉnh Đồng Nai vẫn yêu cầu Vedan thỏa thuận mức bồi thường cho người dân theo tính toán của Viện Môi trường và Tài nguyên.