Buộc chặt lại các ô lồng nuôi hải sản. Ảnh: Thành Duy. |
Ngày 16-7, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn Hải Phòng họp khẩn để triển khai các biện pháp phòng chống cơn bão số 1. Hải Phòng dồn sức vào công tác nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi bằng mọi biện pháp kiểm đếm và thông tin hướng dẫn cho các tàu thuyền thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm để di chuyển về nơi tránh trú bão an toàn.
Đến 20 giờ ngày 16-7, 3.523 tàu thuyền, 594 lồng bè, gần 14.000 ngư dân Hải Phòng và các tỉnh đánh bắt thủy sản ngoài biển khu vực Hải Phòng đã vào nơi trú bão an toàn. Gần 5.000 dân ở các xã trũng ven biển ở huyện đảo Cát Hải, huyện Tiên Lãng và Vĩnh Bảo được sơ tán về các trụ sở xã, trường học... để tránh bão.
20 giờ 30 ngày 16-7, trao đổi với PV Tiền Phong qua điện thoại, GĐ Sở NN&PTNT Hải Phòng Bùi Trọng Tuấn cho biết, gần 5.000 dân, chủ yếu là người già và trẻ em, phải sơ tán được vận động đến nhà người thân ở nơi cao ráo tránh bão lũ. Gia đình nào thiếu chỗ ở được chính quyền xã bố trí ăn ở tại trụ sở xã, trường học, trạm y tế xã. Chính quyền địa phương bố trí, chu cấp lo ăn ở hợp vệ sinh.
Nếu bão số 1 đổ bộ vào Hải Phòng, hơn 4.000 dân hiện đang trụ lại nhà ở đảo Cát Hải sẽ được sơ tán khẩn cấp vào khu vực an toàn. Chính quyền các địa phương có người dân sơ tán tránh bão đã có các phương án cụ thể đón và lo việc ăn ở. Khi bão đổ bộ vào Hải Phòng, số người dân phải sơ tán lên đến gần 10.000 người.
Ở những nơi dự báo trực diện với bão
Đến chiều 16-7, người dân Quảng Ninh đã cơ bản triển khai xong các biện pháp phòng chống siêu bão Conson.
Tại các huyện có nhiều tàu thuyền, ngư dân như Hải Hà, TP Móng Cái, TP Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Yên Hưng, Cô Tô…, ngư dân đã khẩn trương neo cột các lồng bè, nhổ neo di chuyển các lồng bè về nơi an toàn.
Theo thống kê của UBND tỉnh Quảng Ninh, đến chiều 16-7, tất cả 12.000 tàu bè của ngư dân đã về nơi neo đậu. Hàng nghìn ô bè đã được chằng, buộc, neo chắc chắn và được di chuyển vào nơi kín gió. Hơn 12.000 m3 đá hộc, hơn 94.000 bao tải, 3.195 rọ cái, 50.600 m2 bạt chắn sóng đã được phân bổ cho các địa phương để sẵn sàng ứng phó các tình huống xảy ra tại các đê xung yếu, đê yếu và những đoạn đê đang nâng cấp, cải tạo…
Tại huyện đảo Cô Tô, nơi được dự báo sẽ là nơi đón bão, tất cả tàu bè đã cập âu thuyền lớn nhất. Nhiều tàu thuyền nhỏ đã được người dân đưa lên bờ tránh bị sóng đánh chìm. Người già, trẻ em, phụ nữ đã được đưa lên bờ. Vân Đồn là huyện có số lượng ô lồng nuôi trồng thủy hải sản lớn nhất tỉnh Quảng Ninh cũng khẩn trương ưu tiên áp dụng các biện pháp bảo đảm an toàn cho các ô lồng nuôi hải sản.
Ông Phạm Quốc Bình, Cảng trưởng Cảng tàu khách du lịch Bãi Cháy cho biết từ 6 giờ sáng 16-7, Cảng đã dừng cấp phép cho các tàu, thuyền hoạt động đưa khách tham quan Vịnh Hạ Long và thông báo tình hình khẩn cấp của cơn bão Conson đề nghị các tàu, thuyền di chuyển đến nơi tránh, trú bão an toàn. Hiện hơn 400 tàu du lịch đã vào nơi neo đậu an toàn.
Tuy nhiên, tại TP Hạ Long vẫn còn nhiều nơi có nguy cơ sạt lở cao tại phường Hồng Gai, dưới chân cầu Bãi Cháy. Người dân tại phường Hồng Hà, TP Hạ Long lo ngại dự án đồi T5 khiến nước mưa, đất đá trôi vào nhà dân bởi những mái taluy rộng hàng trăm mét vuông như máng hứng nước ở phía trên khu dân cư…
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư trong buổi làm việc với tỉnh Quảng Ninh chiều ngày 16-7 cho biết, tỉnh Quảng Ninh là địa phương sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão số 1. Nhiều nơi sẽ có mưa to, đến rất to. Do đó, nguy cơ sạt lở, úng lụt cục bộ và lũ quét tại các khu vực đồi núi, sông suối là rất lớn, người dân, chính quyền không thể chủ quan…
Hà Nội chuẩn bị chống lụt Hà Nội đã chỉ đạo cắt cành, tỉa tán, chặt hạ cây xanh có nguy cơ đổ gãy mất an toàn; kiểm tra các công trình cao tầng, chằng chống cần cẩu để đảm bảo an toàn khi mưa bão xảy ra... Rút kinh nghiệm sau trận mưa ngày 13-7, thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ việc đào đường, đào hè; dọn sạch các tuyến đường, hệ thống cống tiêu thoát để không gây úng ngập cục bộ; xử lý các mương bị co thắt, cản trở dòng chảy trên tuyến Phan Kế Bính; đảm bảo vận hành hệ thống bơm thoát nước cho hầm cơ giới Kim Liên. Lãnh đạo Cty thoát nước Hà Nội đã kiểm tra rà soát tất cả các công trình đang thi công, tháo dỡ các trường hợp làm cản dòng chảy; thực hiện hạ mực nước các hồ điều hòa, hạ mực nước trên các kênh dẫn, kênh bao và các con sông đến mức nước thấp nhất; Sẵn sàng mở các cửa phai để điều hòa nước khi có mưa. Các trạm bơm Yên Sở, Đồng Bông I, Đồng Bông II và các trạm bơm cục bộ khác sẵn sàng hoạt động 24/24 giờ để phục vụ chống úng ngập. Công ty cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc bố trí 100% lực lượng công nhân thực hiện ứng trực tại các vị trí theo kế hoạch thoát nước cho đến khi hết bão. |
Đoàn Thanh niên tham gia phòng chống bão Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương sáng 16-7-2010, để chủ động đối phó với bão Conson, Ban Bí thư T.Ư Đoàn yêu cầu Ban thường vụ các tỉnh, thành đoàn ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi; khu vực đồng bằng Bắc Bộ, khu vực miền núi phía Bắc, tổng biên tập các báo của Đoàn khẩn trương triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ, đồng thời sẵn sàng tham gia ứng cứu trong mọi tình huống nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do bão gây ra, kịp thời thông tin tuyên truyền về diễn biến cũng như tham gia phòng chống và khắc phục hậu quả sau bão. |