>> Sau 1-7 doanh nghiệp Nhà nước chưa chuyển đổi: Nhiều rủi ro
Vì đâu mà vội?
Bởi vì thời hạn phải chuyển đổi xong là 24h00 ngày 30-6-2010; và ngay sau đó, từ 0h00 ngày 1-7-2010, tất cả các doanh nghiệp nhà nước đều phải hoạt động theo Luật Doanh nghiệp được Quốc hội thông qua ngày 29-11-2005, có hiệu lực từ 1-7-2006.
Điều 166 của Luật Doanh nghiệp quy định việc chuyển đổi công ty nhà nước như sau: “Thực hiện theo lộ trình chuyển đổi hàng năm, nhưng chậm nhất trong thời hạn bốn năm kể từ ngày luật này có hiệu lực, các công ty nhà nước thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp Nhà nước năm 2003 phải chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần theo quy định của luật này”.
Điều 169 của Luật Doanh nghiệp cũng quy định: “Doanh nghiệp do Nhà nước thành lập kể từ ngày Luật có hiệu lực phải được đăng ký, tổ chức quản lý và hoạt động theo quy định của luật này và pháp luật có liên quan”.
Nói cách khác, tất cả các doanh nghiệp nhà nước được thành lập sau 1-7-2006 đều phải tuân thủ Luật Doanh nghiệp và các doanh nghiệp được thành lập trước ngày đó có thời hạn 4 năm để chuyển đổi và thời hạn đó chấm dứt vào ngày 30-6-2010.
Đã có rất nhiều doanh nghiệp nhà nước được chuyển đổi thành công ty cổ phần hay thành lập dưới dạng công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên trong các năm qua nhưng, xét về tổng tài sản, nguồn lực của các doanh nghiệp nhà nước thì hơn 20 tập đoàn và tổng công ty vừa được chuyển đổi mấy ngày qua chiếm tỷ lệ áp đảo.
Hiểu theo nghĩa đó, có thể nói là nước đến chân mới nhảy cũng được. Nhưng đó chỉ là bề ngoài. Sẽ có người lý giải việc này là do sự chuyển đổi phức tạp, phải chuẩn bị kỹ lưỡng nên đến hạn chót mới hoàn thành. Rất có thể như vậy.
Phúc lợi của cập rập?
Nhưng phải chăng còn một lý do nữa để lý giải cho sự cập rập, “nước đến chân mới nhảy” này. Dưới Luật Doanh nghiệp Nhà nước (2003) hay dưới sự giao thời, tranh tối tranh sáng thì hoạt động của doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn. Và doanh nghiệp cố gắng tranh thủ sự thuận lợi đó cho đến những ngày cuối cùng. Đến hạn chót buộc phải làm thì họ mới làm; nước đến chân thì họ mới nhảy.
Theo tôi đấy là tính toán hợp lý của các doanh nghiệp. Đương nhiên là các doanh nghiệp sẽ tìm cách tác động và tận dụng chính sách để có lợi nhất cho mình. Chính sách hay luật áp dụng càng mơ hồ càng dễ bề xoay xở. Và việc thành lập các tập đoàn là một việc tạo ra cái khung khổ như vậy.
Trước khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực (1-7-2006), các tập đoàn (mà cho đến tận ngày nay vẫn còn bàn cãi về khung pháp lý cho chúng) được ồ ạt thành lập. Theo luật hiện hành, không có thực thể pháp lý nào là tập đoàn cả, vì thế việc chúng hoạt động theo một cái khung mơ hồ rất thuận tiện cho việc xoay sở.
Hay việc chuyển đổi của các tập đoàn được thành lập sau 1-7-2006 cũng vậy. Theo Điều 169 của Luật Doanh nghiệp, chúng phải hoạt động theo luật này ngay từ ngày đầu tiên và như thế không cần chuyển đổi gì cả. Nhưng chúng ta vẫn được thành lập và vẫn chuyển đổi trong những ngày vừa qua.
Chỉ liệt kê ngày thành lập của vài tập đoàn được thành lập sau 1-7-2006 và vừa được chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mấy ngày vừa qua để thấy sự trái khoáy rất hợp lý như vậy: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được thành lập ngày 29-8-2006; Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, 30-10-2006; Tập đoàn Viettel được thành lập (cũng có thể gọi là chuyển đổi thành hay được lên tập đoàn) ngày 12-1-2010; Tập đoàn Sông Đà được thành lập (hay nâng cấp) ngày 12-1-2010; Tập đoàn Phát triển Nhà&Đô thị ngày 12-1-2010.
Nếu không vì lý do tận dụng sự tù mù và mơ hồ của khung pháp lý lúc giao thời thì thật khó để hiểu tại sao, từ 1-7-2006, các tổng công ty này lẽ ra phải được chuyển đổi theo Luật Doanh nghiệp thì chúng đều được lên tập đoàn và vừa trở thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên vài ngày vừa qua.
Với việc Chính phủ phải ra tay cơ cấu lại Vinashin và chuyển nó thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, phải chăng mô hình tập đoàn đã sụp đổ như cảnh báo của rất nhiều chuyên gia suốt bốn năm qua? Đã đến lúc cần nghiêm túc nhìn nhận và cải tổ tận gốc rễ các doanh nghiệp nhà nước, trước tiên bằng sự đoạn tuyệt với mô hình tập đoàn.