Thêm ba trường hợp nghi bị bọ xít hút máu ở Đà Nẵng

Cán bộ TT Y tế dự phòng Đà Nẵng giới thiệu những cá thể bọ xít tiếp nhận trong ngày 2-7. Ảnh: Tr.Q
Cán bộ TT Y tế dự phòng Đà Nẵng giới thiệu những cá thể bọ xít tiếp nhận trong ngày 2-7. Ảnh: Tr.Q
TP - Từ vụ việc người dân gõ cửa Trung tâm Y tế Dự phòng địa phương báo cáo bệnh lạ do côn trùng gây ra nhưng không được tiếp nhận, cho thấy cần sớm cải thiện cơ chế tiếp nhận hiện tượng lạ này từ các trung tâm và cơ sở y tế.

>> Chị Thanh từng đến cơ sở y tế ở Đà Nẵng điều trị

Cán bộ TT Y tế dự phòng Đà Nẵng giới thiệu những cá thể bọ xít tiếp nhận trong ngày 2-7. Ảnh: Tr.Q
Cán bộ TT Y tế dự phòng Đà Nẵng giới thiệu những cá thể bọ xít tiếp nhận trong ngày 2-7. Ảnh: Tr.Q.

Hôm qua, BS Tôn Thất Thạnh - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP Đà Nẵng, cho biết, trong ngày 2-7, có 4 trường hợp người dân mang mẫu bọ xít lạ đến Trung tâm nhờ kiểm tra, tư vấn. Ngoài chị Cẩm Thanh mà báo Tiền Phong đã nêu, còn có chị Nguyễn Thị Thu T. (quận Sơn Trà), Võ Thị Thanh H. (phường Tam Thuận, quận Thanh Khê). Riêng trường hợp thứ 4 là chị Trần Thị V. (phường Thạc Gián), cách đây 10 ngày, người nhà bị loại bọ xít này đốt gây mẩn ngứa, mệt mỏi, hiện không còn cất giữ được con nào.

“Ngày 5-7 tới đây, đoàn công tác của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn sẽ ra Đà Nẵng để điều tra dịch tễ loại bọ xít này, lấy mẫu máu của những người từng bị đốt để xét nghiệm. Đồng thời khảo sát tìm hiểu những hộ dân xung quanh” - BS Thạnh cho biết.

Trước đó, Tiền Phong là báo đầu tiên phản ánh hiện tượng bọ xít hút máu người, trong đó có một trường hợp tại Đà Nẵng. Sau đó, một số báo cho rằng, sự việc trên tại Đà Nẵng chỉ là tin đồn không có thật. Thậm chí một quan chức Sở Y tế Đà Nẵng nói trên một tờ báo ngày 1-7, rằng: “Những thông tin bọ xít cắn người (tại Đà Nẵng – PV) là bịa đặt...”.

“Về cơ chế tiếp nhận những hiện tượng lạ từ người dân, sau sự việc này chúng tôi sẽ lưu ý hơn. Như trường hợp chị Cẩm Thanh, nếu là tôi trực tiếp xử lý, tôi sẽ tiếp nhận tìm hiểu bước đầu, và liên lạc với Viện chuyên môn tại Quy Nhơn để bệnh nhân được tư vấn chuyên sâu hơn” – BS Thạnh khẳng định.

Về điều này, BS Thạnh lý giải: “Do không tìm ra địa chỉ nên chúng tôi đã thông tin cho báo địa phương đăng tải với mục đích để tìm bệnh nhân này !?”. Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Đà Nẵng cũng thừa nhận: “Tôi nghe cán bộ khoa dịch tễ báo lại là khoảng tháng 4-2010, có một phụ nữ mang loại bọ xít này đến. Thường nhiệm vụ của chúng tôi là dùng hóa chất để diệt ruồi, muỗi để phòng các bệnh thông thường, chứ chưa bao giờ được nghe về loại bọ xít này, nên đã tư vấn cho khách hàng là nếu chị có yêu cầu thì hợp đồng với chúng tôi để diệt muỗi, diệt ruồi...”.

Trước câu hỏi: “Tại sao Trung tâm Y tế Dự phòng địa phương ngoài công việc thường quy, lại không cắt cử người, hoặc có trách nhiệm trong việc tư vấn, hướng dẫn giới thiệu người dân gặp hiện tượng lạ về dịch tễ đến các đơn vị chuyên ngành?” bác sĩ Thạnh cho biết: Trung tâm hiện nay khó thu hút nhân lực về y tế dự phòng, nhất là bác sĩ. “Nhân lực thiếu hụt, chúng tôi chỉ làm những công việc thường quy theo chuyên môn được giao cũng đã mệt rồi. Người dân thỉnh thoảng mang đến con bọ chét, hoặc con gì đấy để hỏi, mà không mô tả được bệnh tình, thì chúng tôi cũng không đủ sức chạy theo những vấn đề như thế”.

MỚI - NÓNG