Gỗ lậu bị kiểm lâm Ia Grai tịch thu về. |
Gỗ trên trời rơi xuống
Ngày 8-4-2010, Kiểm lâm Ia Grai (Gia Lai) kiểm tra việc trục vớt gỗ của Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 trong khu vực lòng hồ thủy điện Sê San 4 vị trí tại tiểu khu 335 nằm trên trục lộ 664 từ UBND xã Ia O - Ia Grai đi vào Đồn biên phòng 717, tại khu vực cách UBND xã Ia O khoảng 2km, phát hiện 136 lóng gỗ (191,543m3), trong đó có 100 lóng gỗ còn tươi.
Tiếp tục kiểm tra trên tuyến đường này, kiểm lâm phát hiện có bãi gỗ thứ 2 , cách UBND xã khoảng 3 km có 177 lóng gỗ (200,397m3), trong đó có 17 lóng gỗ có dấu búa kiểm lâm ký hiệu KL247 (đây là số hiệu búa Kiểm lâm do Hạt kiểm lâm Sa Thầy - tỉnh Kon Tum quản lý - PV).
Trong số gỗ này, kiểm lâm Ia Grai xác định có 30 lóng gỗ mới bị cắt. Kiểm lâm Ia Grai cho biết không có đối tượng nào đến nhận số gỗ này nên ngày 27-4-2010, đã cho lập biên bản vi phạm hành chính, thu giữ.
Ngày 11-5, kiểm lâm Ia Grai ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, sau đó chuyển giao hồ sơ vụ án sang Công an huyện Ia Grai tiếp tục điều tra làm rõ.
Một nguồn tin cho biết, sau khi Hạt Kiểm lâm Ia Grai, Gia Lai thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng tìm chủ sở hữu số gỗ trên thì có một người đến tự xưng là người của Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 đến nhận và xuất trình một số giấy tờ. Tuy nhiên, qua nghiên cứu hồ sơ, cơ quan Kiểm lâm xét thấy không hợp pháp nên lập biên bản vi phạm hành chính, nhưng người này bỏ đi không ký.
Theo cơ quan điều tra công an huyện Ia Grai, số gỗ gần 400m3 này chắc chắn có nguồn gốc từ địa phận huyện biên giới Sa Thầy - tỉnh Kon Tum giáp ranh với Ia Grai, bởi địa phận huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai không có gỗ.
Theo thông tin mà chúng tôi có được, trong những ngày qua, tại tiểu khu 749 thuộc lâm phần do Công ty Đầu tư Phát triển Lâm - Nông - Công nghiệp và dịch vụ Sa Thầy quản lý, đoàn liên ngành tỉnh Kon Tum phát hiện có 643 m3 gỗ bị chặt hạ trái phép, hầu hết là gỗ thuộc nhóm I quí hiếm. Số gỗ này đang nằm rải rác trong rừng, chưa vận chuyển ra khỏi lâm phần.
Gỗ ở đâu để xin trục vớt 1.000m3?
Ngày 1-4-2010, Quân đoàn 3 có tờ trình gửi UBND tỉnh Kon Tum, cho rằng: Ngày 22-12-2008 và ngày 18-7-2009, Quân đoàn 3 ký hợp đồng với Ban Quản lý thủy điện 4, Tập đoàn Điện lực Việt Nam thu dọn vệ sinh và trục vớt gỗ củi tại hồ thủy điện Sê San 4. Sau khi vớt gỗ bị chìm dưới đáy hồ, Quân đoàn 3 lập tờ trình trình UBND tỉnh cho phép quân đoàn được tận dụng những cây bị ngập nước nằm dưới lòng hồ thủy điện Sê San 4 vận chuyển về sử dụng vào việc làm mô hình học cụ, đóng bàn ghế, phản, giường nằm cho bộ đội: Về số lượng, quân đoàn xin khoảng 1.000m3”.
Tuy nhiên, về việc này ngày 29-4-2010, UBND tỉnh Kon Tum đã có công văn cho rằng: Qua báo cáo của các ngành chức năng tỉnh Kon Tum, hiện nay Quân đoàn 3 chỉ trục vớt được 37m3 gỗ tròn và 150 ster củi trên tổng số hơn 69m3 gỗ và 900 ster củi được UBND tỉnh cho phép tại Văn bản số 2390/UBND-KTN ngày 12-11-2009.
Như vậy lượng gỗ chìm tại lòng hồ Sê San 4 hiện còn không đáng kể. Do đó UBND tỉnh Kon Tum không thống nhất với đề nghị việc trục vớt những cây gỗ bị chìm dưới đáy hồ và tận dụng số cây bị ngập nước trong lòng hồ Sê San 4 của đơn vị này.
UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu các đơn vị trực thuộc ngừng mọi hoạt động trục vớt gỗ, củi tại khu vực Sê San huyện Sa Thầy, Kon Tum.
Ngày 28-5 làm việc với chúng tôi, lãnh đạo Chi cục Lâm nghiệp Kon Tum cho biết: Từ năm 2006, tỉnh Kon Tum đã tổ chức cho Cty Đầu tư Phát triển Lâm-Nông-Công nghiệp và Dịch vụ Sa Thầy khai thác thu gom gỗ trong lòng hồ Sê San 4. Hồ sơ thiết kế có 22.526m3 gỗ chính phẩm và 5.631m3 gỗ cành ngọn cùng 52.162 ster củi.
Tuy nhiên, quá trình khai thác số củi tăng lên nhưng lượng gỗ từ đường kính 25cm trở lên lại giảm. Từ khi hồ Sê San 4 tích nước rất khó xác định được gỗ còn nằm dưới lòng hồ này.
Vậy con số 1.000m3 gỗ xin được trục vớt lấy cơ sở từ đâu?