Cận cảnh con tàu Vinashin: Tập đoàn 2N-Nóng và nợ

Cận cảnh con tàu Vinashin: Tập đoàn 2N-Nóng và nợ
TP - Sau một thời gian phát triển nóng, đã đến lúc chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận lại hiệu quả hoạt động của Tập đoàn này để có những điều chỉnh kịp thời, đưa con tàu khổng lồ Vinashin theo đúng hướng.

>> Đầu tư hàng trăm triệu đô “ôm” tàu quá đát
>> Cận cảnh con tàu Vinashin: Quản lý công nợ lạ lùng

Tập đoàn kinh tế  Vinashin được thành lập ngày 15 tháng 5 năm 2006. Đây là tập đoàn hoạt động sản xuất kinh doanh đa sở hữu, trong đó sở hữu Nhà nước là chi phối, trên cơ sở sắp xếp tổ chức lại Tổng Cty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, hoạt động theo mô hình công ty mẹ, công ty con.

Cận cảnh con tàu Vinashin: Tập đoàn 2N-Nóng và nợ ảnh 1
Ảnh: Đình Quân


Với hàng loạt hợp đồng đóng tàu được ký kết cùng đối tác nước ngoài, đã không ít lần Vinashin được xếp vào hàng “đại gia” trong lĩnh vực đóng tàu và đưa Việt Nam lên top 5 nước đóng tàu hàng đầu thế giới. Đằng sau những vinh quang hào nhoáng đó là gì? Tại thời điểm 31-12-2007, nợ phải trả theo báo cáo tài chính của Tập đoàn là trên 70.700 tỷ đồng ( chiếm 91,45% tổng tài sản của Tập đoàn). Có thể gọi đây là Tập đoàn 2N: Nóng và nợ

Giá trị Vinashin = nợ là chính!

Chỉ một năm rưỡi sau ngày thành lập Tập đoàn,  số đơn vị thành viên của Vinashin đã tăng thêm 46. Trong đó, Tập đoàn thành lập mới 37 đơn vị  và tiếp nhận từ các đơn vị khác 9 công ty.

Sự phát triển về số lượng doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh là rất nóng và hệ quả kéo theo là các khoản vốn đầu tư tăng lên chóng mặt. Qua thanh tra tại 11 đơn vị thành viên Tập đoàn có 48 công ty con đã lộ ra nhiều con số đáng quan tâm.

Theo báo cáo của Công ty mẹ và các công ty thành viên, tổng giá trị tài sản của Tập đoàn đến hết năm 2007 là 77.322 tỷ đồng. Cơ cấu nguồn vốn đảm bảo giá trị gồm: Vốn chủ sở hữu: 6.613 tỷ đồng chiếm 8,5%. Còn lại là nợ chiếm tỷ lệ 91,4%, tương đương gần 71.000 tỷ đồng.

Thanh tra tại 10 đơn vị  thành viên của Tập đoàn cũng cho thấy, tổng giá trị tài sản của các đơn vị này là gần 37.100 tỷ đồng, nhưng vốn chủ sở hữu chỉ là con số rất khiêm tốn 464 tỷ đồng. 

Cận cảnh con tàu Vinashin: Tập đoàn 2N-Nóng và nợ ảnh 2
Trụ sở Tập đoàn Kinh tế Vinashin tại Hà Nội. Ảnh: Phạm Yên

Vốn điều lệ: chiếc bánh vẽ

Không chỉ tạo nên siêu giá trị bằng những khoản vay khổng lồ chiếm đến 91% tổng giá trị doanh nghiệp, qua quá trình kiểm tra cũng phát lộ nhiều vấn đề về việc đăng ký vốn điều lệ của Tập đoàn cũng như một số công ty thành viên của Tập đoàn Vinashin.

Theo tổng hợp đăng ký kinh doanh của các đơn vị thành viên thì vốn điều lệ của toàn tập đoàn đến hết năm 2007 lên đến 23.131 tỷ đồng. Tổng số vốn điều lệ này được cơ cấu: Góp bằng thương hiệu: 1.694 tỷ đồng; góp bằng tiền, tài sản: 18.993 tỷ đồng; góp từ các cổ đông khác là 2.443 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, cơ quan chức năng đã chỉ ra, tổng số nguồn vốn kinh doanh được phản ánh trên báo cáo tài chính của Tập đoàn tại thời điểm 31-12-2007 chỉ là 7.022 tỷ đồng. Qua đây có thể thấy rằng, vốn điều lệ thực có của Tập đoàn trên thực tế chỉ bằng 31%. Còn thiếu so với số vốn đã  đăng ký là 69% (tương đương 17.112 tỷ đồng).

Tại 10 đơn vị thành viên lớn của Tập đoàn Vinashin, vốn điều lệ theo đăng ký kinh doanh là 9.455 tỷ đồng, nhưng vốn chủ sở hữu thực có đến hết ngày 31-12-2007 chỉ là 464 tỷ đồng, chỉ chiếm 4,9% so với số vốn đã đăng ký.

Trong 10 đơn vị thành viên này có 48 Cty con với vốn điều lệ mà các Cty thành viên đầu tư vào các Cty con lên đến con số 5.872 tỷ đồng. Nhưng đến hết năm 2007, vốn thực có tại các Cty con chỉ là 502 tỷ đồng. Trong đó, các Cty thành viên đóng tiền và tài sản bằng 8,56% so với số vốn đã đăng ký.

Kiểm tra cho thấy các đơn vị thành viên đã sử dụng hết vốn chủ sở hữu của mình, đồng thời còn huy động thêm vốn vay để góp vốn vào các Cty con trực thuộc.  

Vay dài hạn: Gần 3 tỷ đô la

Như đã đề cập, Tập đoàn Vinashin chỉ trong một thời gian ngắn đã huy động các khoản vốn vay lên đến 70.700 tỷ đồng. Đặc biệt trong số đó có đến trên 43.700 tỷ đồng được vay dài hạn. Vậy tiền từ đâu đổ về Vinashin nhiều đến vậy, trong khi việc tiếp cận các nguồn vốn đối với hầu hết doanh nghiệp Việt Nam không phải là chuyện dễ?

Trước hết phải kể đến khoản vay 750 triệu đô la tương đương 12.085 tỷ đồng đã làm cho thương hiệu của Vinashin nổi như cồn. Và nhờ khoản vay này, Vinashin được xem như “người hùng” trong số các tập đoàn, tổng Cty nhà nước.

Tập đoàn có 150 đơn vị trực thuộc, với 71.000 lao động, gồm: Công ty mẹ, các công ty con gồm: 35 doanh nghiệp nhà nước, 33 Cty TNHH nhà nước một thành viên, 70 công ty cổ phần, 7 trường nghiệp vụ, 5 công ty liên doanh liên kết. Tổng sản lượng của toàn tập đoàn năm 2007 là 27.500 tỷ đồng.

Theo quyết định 914 ngày 1-9-2005, Thủ tướng Chính phủ cho phép tập đoàn Vinashin vay lại vốn phát hành trái phiếu Chính phủ phát hành ra thị trường quốc tế để thực hiện mục tiêu hiện đại hoá và nâng cấp ngành đóng tàu biển và giao cho Bộ Tài chính  theo dõi, quản lý.

Trái phiếu quốc tế được phát hành vào ngày 3-11-2005 lãi suất 6,875 %/năm, trả gốc một lần vào ngày 15-1-2016, trả lãi 6 tháng một lần vào ngày 15-1 và 15-7 hàng năm.

Để có khoản vay này, đơn vị được vay còn phải chịu một khoản phí gọi là phí phát hành  trái phiếu quốc tế trả một lần 168 tỷ đồng. Sau khi có khoản tiền lớn trong tay, Tập đoàn đã uỷ thác cho Công ty Tài chính Công nghiệp tàu thuỷ quản lý và cho các đơn vị trong Tập đoàn vay.

Ngoài khoản vay nói trên, Vinashin còn vay nước ngoài số tiền 600 triệu đô la, tương đương 9.657 tỷ đồng. Ngày 22-6-2007, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho Tập đoàn vay 600 triệu đô la của 15 ngân hàng và 2 quỹ đầu tư nước ngoài do ngân hàng nước ngoài (Credit Suisse CN Singapore) sắp xếp tín dụng cho vay.

Sau đó, ngày 25-6-2007, Tập đoàn nhận được số tiền vay 600 triệu đô la, lãi suất Libor 6 tháng + 1,5%/năm (năm 2007 lãi suất bình quân 6,8%/năm) trả nợ gốc 6 tháng một lần vào ngày 25-6 và 25-12 hằng năm mỗi lần trả 60 triệu đô la...

Để vay được số tiền này, Vinashin cũng phải nộp khoản phí thu xếp tín dụng cho vay trả một lần 8 triệu đô la. Số tiền vay nước ngoài 600 triệu đô la, Tập đoàn cũng ủy thác cho Công ty Tài chính Công nghiệp tàu thủy quản lý và cho các đơn vị thuộc Tập đoàn vay.

Ngoài hai khoản vay khổng lồ trên trong năm 2006 và 2007, Tập đoàn còn nhận được nguồn vốn từ 6 lần phát hành trái phiếu trong nước với số tiền 8.300 tỷ đồng, gồm: Phát hành đợt 1 (tháng 9-2006) số tiền 500 tỷ đồng; Đợt 2 (tháng 11-2006), số tiền 300 tỷ đồng. Đợt 1 và đợt 2 lãi suất phát hành là 9,6%/năm. Đợt phát hành thứ 3 (tháng 1/2007), số tiền 500 tỷ đồng, lãi suất 10,5%/năm, sau 5 năm trả gốc một lần.

Chỉ 13 ngày sau, 18-1-2007, Vinashin phát hành lần thứ 4  số tiền lên đến 1.000 tỷ đồng, lãi suất 10,5%/năm, sau 10 năm trả gốc một lần. Đáng lưu ý là đợt phát hành thứ 5 số tiền lên đến 3.000 tỷ đồng, đợt  phát hành thứ 6 cũng có số tiền lên đến 3.000 tỷ đồng. Số tiền này đều được Vinashin đầu tư vào các dự án đóng tàu, nâng cấp hạ tầng công nghiệp đóng tàu tại các đơn vị thành viên...

Ngoài các khoản vay quốc tế, 6 đợt phát hành trái phiếu trong nước, Vinashin còn có các khoản vay khác lên đến 13.672 tỷ đồng. Trong đó Công ty mẹ vay 805 tỷ đồng, các Cty con trực tiếp vay 12.866 tỷ đồng.

Như vậy, chỉ các khoản vay dài hạn đã biến Vinashin thành con nợ khổng lồ với số tiền lên đến trên 43.700 tỷ đồng, tương đương với gần 3 tỷ đô la (theo tỷ giá năm 2007). Ngoài ra, Tập đoàn này còn lãnh khoản nợ ngắn hạn 26.993 tỷ đồng. 

Vay để cho vay cao hơn lãi suất huy động

Điều đáng lưu ý là, ngay sau khi đi vay được vốn, Tập đoàn Vinashin lại đóng vai là bên cho các đơn vị con vay lại với lãi suất cao hơn lãi suất huy động.

Cận cảnh con tàu Vinashin: Tập đoàn 2N-Nóng và nợ ảnh 3

Tàu đang được hoàn thiện tại nhà máy đóng tàu Nam Triệu. Ảnh: P.D


Cụ thể: Lãi suất cho vay từ nguồn trái phiếu quốc tế cao hơn 2,96%/năm; các khoản cho vay khác cao hơn từ 2 đến 3%/năm. Như vậy thay vì tạo sự thuận lợi vì được nương nhờ ở Tập đoàn (Công ty mẹ), việc được vay với lãi suất cao đã ảnh hưởng lớn đến giá thành sản xuất của các công ty con, làm cho giá thành sản xuất cao hơn so với các đơn vị không vay vốn của Tập đoàn mà tự huy động vốn tại cùng thời điểm.

Chỉ trong thời gian ngắn sau khi lên Tập đoàn, Vinashin đã gánh trên mình khoản nợ 70 ngàn tỷ đồng. Trong lúc nợ nần chồng chất, đáng ra Tập đoàn này phải biết chắt chiu từng đồng vốn nhưng trái lại Tập đoàn này đã vung tay quá trán.

MỚI - NÓNG