Hà Nội có thể động đất cấp 8

Hà Nội có thể động đất cấp 8
TP - Hà Nội có thể đối mặt với hiểm họa động đất, cao nhất là cấp tám, cấp chín (cấp độ hủy diệt), TS Nguyễn Hồng Phương, Phó giám đốc Trung tâm Báo tin Động đất & Cảnh báo Sóng thần (Viện Vật lý Địa cầu, Viện khoa học Công nghệ Việt Nam) cho biết.
Hà Nội có thể động đất cấp 8 ảnh 1
Nhiều người đổ ra đường lúc 16giờ00 ngày 16/5/2007 khi, tại Hà Nội, cảm nhận được dư chấn cấp ba của trận động đất xảy ra từ vùng Bắc Lào. Ảnh: Vũ Lương

TS Phương cho biết thông tin trên tại hội thảo “Hiểm họa động đất tại Việt Nam” tổ chức ngày 12/3 tại Hà Nội.

Các khu vực có nguy cơ động đất tại Hà Nội là quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, và một phần của quận Thanh Xuân, Hoàng Mai.

Các vùng có nguy cơ động đất cấp tám là Thanh Trì, phần đất dọc bờ sông Hồng thuộc quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai. Nguyên nhân là cấu tạo nền đất mềm yếu từ bùn cát, bùn sét, sét, hay cát trầm tích mới tạo thành ven sông.

Cũng tại hội thảo, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương cho biết, hiện nay, chưa thể yên tâm với các đập thủy điện lớn và các hồ chứa nước lớn nằm ở những vùng có nguy cơ động đất cao như Hòa Bình, Sơn La, Thác Bà.

Khi xây dựng, các công trình này được tính toán để chúng có khả năng đối phó với động đất từ cấp ba đến cấp tám, nhưng những dự báo mang tính xác suất và định hướng đó có thể bị phá vỡ do các hoạt động nội tại của trái đất có chiều hướng gia tăng cả về chiều sâu và cường độ.

Hơn nữa, Việt Nam có kiến tạo địa chất phức tạp, tuy không trực tiếp nằm trên các đai động đất núi lửa nhưng không phải là đất bền vững.

Trong khi đó, tuyệt đại đa số công trình xây dựng đều có nguy cơ cao khi động đất xảy ra. Nhiều công trình công cộng, dân dụng ở hai thành phố này được xây dựng từ thời bao cấp chỉ cần động đất nhẹ cũng có thể để lại các tác hại cực kỳ ghê gớm.

Nhóm nghiên cứu của Viện Vật lý Địa cầu tiến hành xây dựng ba kịch bản động đất tại khu vực quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Kịch bản thứ nhất là trận động đất nhỏ được tạo ra bởi tất cả các yếu tố có thể gây rung động nền tại khu vực. Với kịch bản này khoảng 30 phần trăm nhà cửa bị phá huỷ.

Kịch bản thứ hai là một trận động đất 6,5 độ richter xảy ra trên đứt gãy Vĩnh Ninh (Thanh Trì) với chấn tâm nằm rất gần vùng nội thành Hà Nội. Đây là kịch bản có khả năng xảy ra cao. Với kịch bản này, 40 phần trăm nhà cửa bị phá huỷ.

Kịch bản thứ ba là kịch bản cực đoan, kịch bản không tưởng, nhằm cảnh báo mức độ phá huỷ lớn nhất có thể xảy ra là một trận động đất 6,5 độ richter tại Hồ Gươm. Mức độ tàn phá của trận động đất này là 80-100 phần trăm nhà cửa bị phá huỷ...

Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn đang trình Chính phủ dự án nâng cao nhận thức cộng đồng và phòng tránh thiên tai. Khi đề án này được phê duyệt, mọi vùng có nguy cơ động đất đều được học kiến thức về động đất ở các cấp học. 

Các nhà khoa học cho rằng, Thủ tướng Chính phủ đã ký quy chế ứng phó với động đất và sóng thần năm 2007, nhưng quy chế này ít đi vào cuộc sống. Đây là sự chậm trễ đáng tiếc cần phải được khắc phục.
MỚI - NÓNG