Chánh thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Trần Minh Dũng, thừa nhận, công nghệ “rút” xăng ngày càng tinh vi.
Ông Dũng đồng thời cũng cho biết những thông tin mới nhất của chiến dịch thanh tra diện rộng về đo lường và chất lượng xăng dầu đang tiến hành trên cả nước, kéo dài từ tháng 6 – 10/2008.
Tính đến 17/8/2008, qua thanh tra 1312 cơ sở kinh doanh xăng dầu, đã phát hiện 255 cơ sở vi phạm về đo lường. Các địa phương có nhiều cơ sở vi phạm là Cà Mau, Gia Lai, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình, Long An... Hình thức và hành vi vi phạm rất đa dạng và có chiều hướng ngày càng tinh vi, phức tạp.
Về đo lường, ngoài các hành vi thông thường như sử dụng phương tiện đo lường chưa được kiểm định; sử dụng phương tiện đo đã quá thời hạn kiểm định hoặc phương tiện đo có chứng chỉ kiểm định rách, nát, mờ... chiếm 13,7% tổng số lượt cơ sở vi phạm (28 cơ sở), các vi phạm phổ biến là sử dụng phương tiện đo không đạt yêu cầu chiếm 16,1% (33 cơ sở); hành vi sai số phép đo trong bán lẻ chiếm 29,3% (60 cơ sở).
Hiện tượng gian lận đo lường trong kinh doanh xăng dầu hiện nay là hết sức phổ biến, đặc biệt việc lắp các thiết bị, mảng mạch điện tử vào phương tiện đo nhằm điều chỉnh làm sai lệch kết quả đo để bớt xén xăng dầu của người mua đã xuất hiện hầu khắp các vùng miền, địa phương.
Hiện tượng gian lận trong đo lường xăng dầu đã diễn ra khá phổ biến Ảnh minh họa của Phạm Yên |
Chẳng hạn, tại Đắc Lắc, đoàn thanh tra phát hiện 2 cửa hàng kinh doanh xăng dầu sử dụng IC với mã số bí mật được gây sai số tới 5,6%; tại Gia Lai, phát hiện 3 cơ sở lắp bảng vi mạch điện tử gây sai số tới 9,3%;
Tại Hưng Yên phát hiện doanh nghiệp Đức Thuấn gắn mảng vi mạch điện tử vào dây xung bộ điện tử của cột đo xăng A92 để điều khiển gian lận xăng dầu của người mua;
tại Nam Định phát hiện 2 cột đo được gắn chip điện tử làm sai lệch kết quả đo; tại Phú Thọ phát hiện 1 cửa hàng thay đổi IC trong bộ vi xử lý của phương tiện đo để điều khiển ăn bớt xăng dầu của khách mua; tại Quảng Nam phát hiện 2 cột đo xăng A92 gắn hệ thống công tắc nối với mạch điện tử để làm sai lệch kết quả đo; tại Nghệ An phát hiện gắn mạch điện tử vào cột đo làm sai lệch đến 7,8%, v.v...
Về chất lượng: đã phát hiện 46 cơ sở (22,4%) có vi phạm về chất lượng và bị xử lý. Các hành vi chủ yếu là trộn loại xăng có trị số ốc tan thấp với xăng có trị số cao ốc tan hơn (A92), nhưng vẫn niêm yết giá bán với giá chung là A92; hoặc có cơ sở ghi bán xăng A92 nhưng trị số ốc tan nhỏ hơn A92.
Tại sao việc gắn chíp điện tử tại cây xăng để “móc túi” khách hàng đã xảy ra từ lâu, nhưng đến nay vẫn tái diễn với số lượng lớn như vậy, thưa ông?
Việc phát hiện ra gian lận trong đo lường xăng dầu bằng việc gắn các thiết bị hiện đại được phát hiện từ năm 2003. Chính trong năm đó chúng tôi đã tổ chức thanh tra diện rộng về đo lường và chất lượng xăng dầu, sau đó yêu cầu các Sở sửa thành nhiệm vụ thường xuyên, đặc biệt lưu ý việc sử dụng công nghệ cao như lắp bo mạch, đổi IC, điều khiển từ xa, bằng mật mã hoặc bằng bàn phím máy tính.
Đến năm 2007, khi giá xăng dầu thế giới tăng cao, chúng tôi xác định đây là thời điểm việc gian lận trong đo lường và chất lượng xăng dầu dễ xảy ra nên đã tham mưu cho Bộ KHCN ra Công văn 875 ngày 18/4/2008 đề nghị UBND các tỉnh TP giao cho Sở KHCN chủ trì tiến hành thanh tra đo lường và chất lượng xăng dầu và gas.
Từ tháng 5/2008 chúng tôi đã tổ chức tập huấn cho cán bộ và đến tháng 6/2008 bắt đầu tiến hành thanh tra.
Mức phạt cao nhất hiện nay đối với vi phạm về đo lường trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu là 20 triệu đồng. Hiện Bộ KHCN đang xây dựng nghị định mới thay thế Nghị định 95 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo lường chất lượng, trong đó, mức trần cao nhất là 40 triệu đồng. Vi phạm về đo lường được ghi nhận chủ yếu là từ các cơ sở kinh doanh của tư nhân hoặc nhập khẩu xăng từ các nguồn khác. |
Nhiều cơ sở vi phạm hơn là do trước đây thanh tra theo kế hoạch, báo trước rồi mới thanh tra. Mà đối với xăng dầu, báo trước thì thanh tra gần như là vô nghĩa.
Chỉ cần họ tắt công tắc hoặc thay đổi phím điều khiển là hết. Lần này chúng tôi đề nghị thanh tra đột xuất.
Trước khi thanh tra đã có sự điều nghiên, trinh sát kỹ để xác định những đối tượng trọng tâm.
Hiện đã phát hiện ra cơ sở nào sản xuất các thiết bị điện tử dùng để “rút ruột” xăng dầu hay chưa?
Chúng tôi chưa xác định được nguồn gốc của các mặt hàng này. Các cơ sở vi phạm thường chỉ khai báo là họ mua trôi nổi với giá từ 1 – 4 triệu đồng, hoặc hơn đối với mỗi bộ thiết bị này.
“Nguồn” của các thiết bị này có thể là thợ giỏi của các tổ chức, đơn vị có chức năng sản xuất các cột đo nhiên liệu đã được tổng cục phê duyệt mẫu, nay bỏ ra ngoài làm ăn. Họ nắm được bí quyết bẻ khóa, biết được mật mã của các chương trình và dễ dàng cài đặt chương trình khác.
Ngoài ra, có thể là các chuyên gia tin học giỏi bẻ khóa, họ thay đổi IC trong chương trình điều khiển, cài lại chương trình phần mềm, sau đó chào mời các cơ sở kinh doanh xăng dầu. Chúng tôi đang kiến nghị bên công an vào cuộc để xác định nguồn gốc các thiết bị này.
Làm thế nào để người dân có thể phát hiện được cơ sở xăng dầu có vi phạm trong đo lường, thưa ông?
Chúng tôi đang đề nghị các Sở công bố đường dây nóng để người dân có thể tham gia vào mạng lưới giám sát chất lượng và đo lường xăng dầu.
Để phát hiện, có thể căn cứ vào động tác lạ của nhân viên trạm xăng trước khi thực hiện thao tác bơm. Vì nếu gắn công tắc điều khiển, họ thường gắn trên thân máy, chôn dưới đất hoặc để trong nhà, có dây dẫn và thường có thao tác bật công tắc trước khi bơm.
Tuy nhiên, với việc đổi IC, thay đổi các chương trình phần mềm tại cột xăng thì rất khó phát hiện. Người tiêu dùng nên căn cứ vào cảm quan của mình về lượng xăng hao hụt khi được bơm vào bình. Nếu thấy hao hụt bất thường so với những lần đo trước, với cùng một lượng tiền bỏ ra, thì có thể nghi ngờ và gọi điện đến đường dây nóng.
Cảm ơn ông!