Con trai cố TBT Lê Duẩn: 'Tôi làm kinh tế tư nhân vì... '

Con trai cố TBT Lê Duẩn: 'Tôi làm kinh tế tư nhân vì... '
TP - Trong chuyến đi tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Ấn Độ, tôi và Lê Kiên Thành đã có một cuộc “đàm đạo” về vai trò lịch sử của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn. Ý kiến chúng tôi có nhiều chỗ đồng nhất, nhưng cũng có chỗ khác biệt.
Con trai cố TBT Lê Duẩn: 'Tôi làm kinh tế tư nhân vì... ' ảnh 1

Lê Kiên Thành nói: Vừa rồi trên báo Tiền Phong có một bài viết liên quan đến cha tôi, cả nhà tôi đều phản đối, khá gay gắt, nhưng tôi bảo: Tiền Phong là một tờ báo tôn trọng sự thật, tôi sẽ gặp anh Dương Kỳ Anh, Tổng Biên tập để trao đổi… 

Sau chuyến đi ấy, Lê Kiên Thành chuyển cho tôi khá nhiều tài liệu, trong đó có cuốn tạp chí Xưa nay của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, số 281 (IV-2007) nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của đồng chí Lê Duẩn.

Tôi chú ý đến bài “Qua một văn bản của Lê Duẩn ngẫm về những suy nghĩ của ông” của tác giả Đặng Phong. Đoạn mở đầu viết: Trong số tài liệu mà tôi tìm thấy trong phòng lưu trữ của Viện Kinh tế Việt Nam, có một văn bản mang tên “Đồng chí Lê Duẩn phát biểu tại Hội nghị Trung ương lần thứ 24”, thời điểm được ghi là 13/08/1975. Tài liệu in rô-nê-ô dày 14 trang.

Căn cứ theo lời văn thì thấy rằng đây là bản gỡ băng trực tiếp từ một bài nói của ông, nhằm chuẩn bị cho những cuộc thảo luận tại hội nghị Trung ương lần thứ 24. Câu đầu tiên của bài phát biểu: “Tôi phát biểu một số ý kiến để các đồng chí tham khảo trước khi đi vào thảo luận…”.

Bài viết của Đặng Phong khá công phu. Tôi chỉ xin trích vài điểm trong bài phát biểu của đồng chí Lê Duẩn. “Xưa nay miền Bắc chúng ta có một số sai lầm, là vì chúng  ta đã đi sai quy luật… Nay có được miền Nam là để chúng ta thấy lại cho rõ hơn nữa. Còn ta, chủ nghĩa xã hội nhưng chưa đi đúng quy luật xã hội chủ nghĩa của ta. Đúng mặt này, nhưng không đúng mặt kia…”.

Con trai cố TBT Lê Duẩn: 'Tôi làm kinh tế tư nhân vì... ' ảnh 2
Đồng chí Lê Duẩn và những người thân trong gia đình (1965)

“Tại sao người thợ ngoài này không bằng người thợ trong kia? Mình trả lời làm sao? Anh là chủ nghĩa xã hội mà tại sao anh lại không bằng trong kia, anh trả lời làm sao? Đảng ta phải có trách nhiệm về những điều sai như vậy. Có thể vì chiến tranh, vì nhiều thứ, tôi đồng tình như vậy, nhưng trong đó, cũng có khuyết điểm của mình chứ không phải không có khuyết điểm đâu”.

Ở một đoạn khác, theo Đặng Phong chính Lê Duẩn đã đưa ra những gợi ý về phương hướng và chính sách kinh tế cho miền Nam và cho cả nước. Quan điểm của ông lúc đó là không nên vội vã tiến hành cải tạo đối với công thương nghiệp tư doanh. Còn về nông nghiệp, không nên cưỡng ép nông dân vào hợp tác xã.

Ông nói: “Miền Bắc trước đây phải hợp tác hóa ngay lập tức… Nhưng miền Nam bây giờ không thể làm như vậy. Miền Nam bây giờ phải để cho giai cấp tư sản phần nào đấy, phải cho nó phát triển phần nào đã. Phải để kinh tế mấy thành phần thì nông dân mới theo ta. Liên minh mới chặt chẽ. Bắt hợp tác hóa là không đúng, năng suất thấy xuống thì hỏng hết cả. Họ sẽ không theo giai cấp vô sản nữa. Không thống nhất được đâu.

Người nông dân làm ra những sản phẩm. Người ta muốn bán, nếu chúng ta không cho bán thì nông dân chọi lại với chúng ta, nguy hiểm lắm. Không thể được. Nếu chúng ta không có một hình thức kinh tế để kéo nông dân đi tới thì ta không thống nhất được. Vì vậy, Bộ Chính trị sau khi nghiên cứu thấy rằng cần phải để mấy thành phần kinh tế là quy luật cần thiết trong giai đoạn đầu này…”.

Con trai cố TBT Lê Duẩn: 'Tôi làm kinh tế tư nhân vì... ' ảnh 3
Tổng Bí thư Lê Duẩn và các con trai Lê Hãn, Lê Kiên Thành, Lê Kiên Trung (1978)

Thế nhưng, thực tế lại không đúng như vậy, ít nhất là trong 10 năm từ 1975 đến 1985. Tác giả Đặng Phong viết “Một người có vị trí hàng đầu trong Đảng, và có uy tín cao nhất nước vào lúc đó như Lê Duẩn, nếu đã có sẵn những tư duy kinh tế sáng suốt và đúng đắn như trong bài phát biểu kể trên thì tại sao vẫn không vượt qua được những rào cản của cả một bề dày tư duy cũ kỹ, bảo thủ, trì trệ mà chính ông đã coi là nguy hiểm lắm. Và thực tế đã dẫn tới những khó khăn và tổn thất không nhỏ của đất nước trong hàng thập kỷ sau đó?”.

Trong bài viết này, tôi không định đi sâu về những câu hỏi mà theo Đặng Phong “Còn là những thách đố đối với giới nghiên cứu”. Tôi muốn nói đến những vấn đề hiện nay, nói đến chính những suy nghĩ của Lê Kiên Thành.

Lê Kiên Thành sinh năm 1955. Lúc mẹ anh, bà Nguyễn Thụy Nga một cán bộ Hội phụ nữ Nam Bộ, quê ở Biên Hòa, Đồng Nai bước xuống con tầu tập kết ra Bắc, anh còn nằm trong bụng mẹ.

Bố anh, đồng chí Lê Duẩn xuống tầu lần ấy, đi cùng mẹ anh là để che “mắt” giặc. Tầu khởi hành, ông quay lên bờ, trở về Nam Bộ. Sau này, mẹ anh kể rằng, khi tạm biệt mọi người, ông ôm lấy đồng chí Lê Đức Thọ và nói “Anh ra thưa với Bác, 20 năm sau mới gặp Bác được”.

Theo Lê Kiên Thành đó là một lời tiên đoán thú vị. Đúng hai mươi năm sau, miền Nam mới được giải phóng, nước nhà mới thống nhất, non sông thu về một mối.

Lê Kiên Thành có hai bà mẹ. Mẹ đẻ của anh, bà Lê Thụy Nga sinh được 3 người con: Lê Vũ Anh, Lê Kiên Thành và Lê Kiên Trung. Mẹ cả, người Quảng Trị có 4 người con: Lê Hãn, Lê Minh Cừ, Lê Tuyết Hồng và Lê Thị Muội.

Những chuyện cảm động về gia đình anh đã được đăng trên báo Tiền Phong và một vài tờ báo khác. Câu chuyện giữa tôi và Lê Kiên Thành, là chuyện hôm nay.

Con trai cố TBT Lê Duẩn: 'Tôi làm kinh tế tư nhân vì... ' ảnh 4
Lê Kiên Thành

“Anh thừa hưởng ở bố điều gì?”.

“Tình thương người”.

“Chỉ có tình thương thôi ư?”

“Cả đời ông sống vì tình thương, thương người như thể thương thân, từ thương vợ, thương con, đến thương nhà, thương nước…”.

“Anh có nghĩ rằng, bố anh đã có những sai lầm, nhất là sau khi nước nhà thống nhất?”.

“Tôi đã chuyển cho anh bài viết của Đặng Phong… Tôi chỉ biết tin vào lịch sử!”.

“Anh không nối nghiệp bố làm chính trị, lại đi làm kinh tế, kinh tế tư nhân?”.

“Tôi nhập ngũ năm 1972. Năm 1973 đi học lái máy bay, học kỹ sư hàng không ở Liên Xô; năm 1977 về nước, từ đó đến năm 1983 tôi làm việc ở Viện Kỹ thuật Không quân, là kỹ sư hàng không. Cuối năm 1983 tôi sang Đúpna làm tiến sĩ…

Năm 1991, tôi làm ở công ty công nghệ vật liệu… Tôi chỉ được biên chế B mà thôi, nghĩa là không có lương biên chế… Năm 1994, tôi tham gia sáng lập Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank). Tôi làm Chủ tịch Ngân hàng Techcombank đến năm 2004.

Hiện nay, tôi làm Giám đốc Công ty TNHH thương mại Thiên Minh… Tôi đi làm kinh tế tư nhân bởi vì, tôi là con trai một người cộng sản, một người cộng sản đúng nghĩa nhất của từ này”.

“Nhiều người nói rằng, anh đã có một gia tài cả chục triệu đô la?”.

“Tôi mua nhà ở Phú Mỹ Hưng lúc giá còn rất rẻ, bây giờ bán ra mấy triệu đô…”.

“Anh đã thành công trong kinh tế, bây giờ mới nghĩ đến việc làm chính trị?”.

“Tôi tự ứng cử đại biểu quốc hội khóa vừa rồi…”.

“Vì danh chăng?”.

“Không! Nếu vì danh tôi đã không làm. Về danh, sẽ không vượt quá cái danh là con trai cố Tổng Bí thư Lê Duẩn”.

“Anh đã không trúng đại biểu Quốc hội, đúng không?”.

“Khi tự ứng cử, tôi biết 99% là trượt”.

“Thế mà anh vẫn ứng cử, vì sao vậy?”.

“Khóa tới, tôi lại tiếp tục ứng cử… Tôi muốn đóng góp một điều gì đó cho đất nước…”.

“Điều gì đó, là điều gì vậy?”.

“Chẳng hạn như, quy định 10% đại biểu Quốc hội ngoài Đảng là chưa thỏa đáng. Tôi muốn tỷ lệ này cao hơn… Trong chiến tranh giải phóng đất nước, có đến 90% những chiến sĩ hy sinh ngoài mặt trận không phải là đảng viên. Có nghĩa là, gần 100% người Việt Nam đều yêu nước…”.

“Điều quan trọng nhất với anh là gì?”.

“Uy tín. Tôi làm gì cũng luôn nghĩ đến phải giữ uy tín cho mình, và không làm giảm sút ý chí…”.

“Trong những kỷ niệm về người cha, kỷ niệm nào đáng nhớ nhất?”.

“Tôi sống với bố từ nhỏ, tại ngôi nhà số 6 phố Hoàng Diệu. Ngày bé, tôi rất sợ bố. Bố ít khi bế bồng, ôm ấp anh em chúng tôi… Càng lớn, tôi càng hiểu bố hơn.

Có lần, người ta biếu gia đình tôi một rổ khoai lang. Bố tôi bảo đem luộc, chia cho mọi người cùng ăn… Có một bác nông dân từ quê ra, khi ngồi ăn khoai, bác bảo: Không biết bao giờ mới có được những củ khoai ngon thế này mà ăn! Bố tôi đã khóc. Tôi thấy nước mắt ông chảy dài trên má…”.

“Và, anh đã thừa hưởng ở ông…”.

“Tình thương người… bây giờ người ta sống với nhau…”.

“Thực tế hơn?”.

“Thực dụng…!”.

“Và anh tự hào?”.

“Là con của một người cộng sản. Một người cộng sản chân chính. Một người cộng sản đúng nhất của từ này!”.

3/2008

MỚI - NÓNG