> SHB Đà Nẵng nhì, HAGL ba
> Khép lại V-League: HN.T&T vô địch, SHB.ĐN nhì
> Hạ màn V-League 2013: Chỉ còn Huy chương Đồng đáng giá
Các cầu thủ K.Kiên Giang luôn trong tình trạng sẵn sàng “tan đàn xẻ nghé” do thiếu kinh phí. ảnh: VSI. |
K.Kiên Giang hôm thứ Bảy kết thúc V.League 2013 với trận thảm bại 0-6 trước B.Bình Dương. Thật khó có thể đòi hỏi thầy trò HLV Lại Hồng Vân nỗ lực hơn trong bối cảnh đội thiếu nhiều trụ cột và lại đã chắc suất trụ hạng.
Có lẽ không đội bóng nào mong V.League sớm kết thúc như K.Kiên Giang. Trong suốt cả mùa giải vừa qua, đội bóng miền Tây luôn quay cuồng trong những tiếng ì xèo về chuyện tài chính. Đã có thời điểm, tưởng như đội bóng của HLV Lại Hồng Vân đã chắc chắn bỏ cuộc chơi.
Sự tháo chạy của nhiều doanh nghiệp khỏi bóng đá mà điển hình là sự cố XMXT Sài Gòn bỏ giải đã khiến lãnh đạo ngành thể thao “giật mình”. |
Tình hình tài chính khó khăn đã đẩy K.Kiên Giang vào tình cảnh “giật gấu vá vai”, thường xuyên trong cảnh nợ đọng lương, thưởng cầu thủ. Như tiết lộ của Chủ tịch LĐBĐVN (VFF) Nguyễn Trọng Hỷ, ông đã phải ra công thuyết phục để đội bóng này tiếp tục tham dự giải. Lâu lâu lại có tin cầu thủ K.Kiên Giang đình công để đòi lương.
Trước chuyến làm khách trên sân HA.GL hồi tháng trước, cầu thủ K. Kiên Giang thậm chí dọa bỏ thi đấu. Sau trận thua 0-1 V.Ninh Bình vòng đấu 20, K.Kiên Giang thêm một lần nữa đề cập đến khả năng rút lui.
Được biết, ngay sau trận thua B.Bình Dương vừa qua, K.Kiên Giang đã cho toàn đội “xả trại”, không hẹn ngày tập trung. Trao đổi với Tiền Phong, HLV Lại Hồng Vân cho biết, đội vẫn còn nợ cầu thủ 2 tháng lương.
“Lãnh đạo đội đã hứa sẽ giải quyết lương, thưởng cho cầu thủ sau khi nghỉ lễ xong. Hiện tại chúng tôi cũng chưa có kế hoạch gì cụ thể. Đội duy trì được như thế nào thì phải chờ lãnh đạo quyết” - ông Vân nói.
K.Kiên Giang không phải đội duy nhất rơi vào tình trạng quẫn bách về tài chính. Không phải ngẫu nhiên, rất nhiều người cho rằng quyết định rút khỏi V.League của XMXT Sài Gòn, nguyên nhân sâu xa cũng bắt nguồn từ việc đã “cạn vốn”.
Quyết định trừ 4 điểm có phần chủ quan, thiếu thuyết phục của VFF chỉ là bề nổi của vấn đề. Đội bóng của bầu Thủy vốn dĩ đã lấp lửng ý định rút khỏi V.League nhiều lần.
Trước XMXT Sài Gòn, một đội bóng khác ở miền Bắc là The Vissai Ninh Bình cũng từng úp mở khả năng bỏ bóng đá sau khi liên tục phải khất nợ lương, thưởng cầu thủ.
Hà Nội T&T vốn được tiếng là chịu chi, nhưng trong hơn 1 năm trở lại đây cũng “cờ rủ, trống êm”, không còn mạnh tay đầu tư như trước. Đội bóng của HLV Phan Thanh Hùng thậm chí rơi vào tin đồn nợ tiền thưởng thành tích cả mùa giải vì tình hình tài chính khó khăn.
Dự đoán chung của nhiều người, V.League 2014 tình hình các CLB vẫn chưa thể một lúc trở nên sáng sủa hơn. Trao đổi với Tiền Phong, TGĐ Công ty CP bóng đá SLNA Nguyễn Hồng Thanh cho rằng, ngoại trừ các đội bóng nhận được sự hỗ trợ mạnh của địa phương, các đội bóng khác đơn thuần nhờ nguồn tiền tài trợ trực tiếp của doanh nghiệp sẽ tiếp tục gặp khó khăn.
B.Bình Dương, Thanh Hoá nằm trong số ít các đội bóng có thể tạm ổn về kinh tế. Thanh Hoá thậm chí trở thành đội chi tiêu mạnh tay nhất, nhì V.League 2013 nhờ nguồn tài chính từ các doanh nghiệp trong tỉnh và ngân sách tỉnh.
Thông tin của Tiền Phong cho biết, sự tháo chạy của nhiều doanh nghiệp khỏi bóng đá mà điển hình là sự cố XMXT Sài Gòn bỏ giải đã khiến lãnh đạo ngành thể thao “giật mình”.
Trao đổi với Tiền Phong, một lãnh đạo Bộ VH-TT&DL cho rằng, trong bối cảnh tình hình kinh tế hiện nay, bóng đá rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Đây có lẽ cũng là lý do khiến vừa qua, Bộ và Tổng cục TDTT đều có chủ trương tăng cường sự quản lý đối với bóng đá.
“Doanh nghiệp, doanh nhân thì mục tiêu hàng đầu vẫn là lợi nhuận. Trong khi bóng đá ở ta hiện tại chưa thể làm ra tiền. Nếu thiếu sự quản lý và định hướng của Nhà nước rất dễ dẫn đến những chuyện tiêu cực như vừa qua. Họ cũng sẵn sàng bỏ bóng đá khi không còn trụ được” - lãnh đạo nói trên cho biết.