Tuyển VN: Chuyện nhỏ mà không nhỏ

Tuyển VN: Chuyện nhỏ mà không nhỏ
Đội tuyển Việt Nam đã chính thức tập luyện trở lại vào hôm qua 24-1, một đội hình tương đối trẻ với điểm nhấn là hai cầu thủ Việt kiều từ Cộng hoà Czech trở về để góp mặt. Điều đáng mừng là bầu không khí ở đội tuyển đang tốt dần lên sau những tháng ngày ngột ngạt bởi các chuyện nhỏ nhưng không vặt.

Tuyển VN: Chuyện nhỏ mà không nhỏ

> 'Thiếu tự tin thì tôi đã không về nước'

> Có nhiều 'mối', Công Vinh vẫn thất nghiệp 

Đội tuyển Việt Nam đã chính thức tập luyện trở lại vào hôm qua 24-1, một đội hình tương đối trẻ với điểm nhấn là hai cầu thủ Việt kiều từ Cộng hoà Czech trở về để góp mặt. Điều đáng mừng là bầu không khí ở đội tuyển đang tốt dần lên sau những tháng ngày ngột ngạt bởi các chuyện nhỏ nhưng không vặt.

Đội tuyển với diện mạo mới, nhiều nụ cười hơn
Đội tuyển với diện mạo mới, nhiều nụ cười hơn. Ảnh: Quang Minh
 

Với nhiều cầu thủ, việc góp mặt ở đội tuyển là một giấc mơ nhưng giấc mơ ấy có thể là một cơn ác mộng không chừng. Không phải vô cớ khi giới cầu thủ luôn cho rằng, ở đội tuyển mà không có “dây” thì chỉ có nước làm người thừa, thậm chí chẳng may chấn thương cũng là điều không phải không có.

Ngược lại thời gian, người nổi tiếng là cá tính, cứng rắn nhưng tiền vệ của đội Công an Hà Nội Vũ Minh Hiếu cũng đã từng xin ra khỏi đội tuyển chỉ sau vài ngày tập trung. Hoặc như tiền vệ đội trưởng Tấn Tài của đội tuyển hiện nay cũng đã từng phải năn nỉ để được ra khỏi đội tuyển. Tất cả đầu bắt đầu từ chuyện nhỏ, người ta thường nói thế để tránh khỏi phải giải thích tường tận hơn, nhưng ai cũng biết, những cuộc ra đi như vậy không hề là chuyện vặt.

Việc đội tuyển có “dây” chẳng mới, nó xuất phát từ rất lâu thuở mà ông Weigang nổi nóng với vài cầu thủ khi chỉ mặt cho rằng họ thi đấu có ý đồ, khi mà Huỳnh Đức ghi bàn bị coi là “đá bể nồi cơm” của dây khác. Để “buôn có bạn, bán có phường”, ắt hẳn ở đội hình chính của đội tuyển ắt phải có thủ lĩnh, phải có thành phần nòng cốt.

Và ngày Minh Hiếu rời khỏi đội tuyển Việt Nam sau cuộc nói chuyện hàng tiếng đồng hồ với ông A. Riedl, người hâm mộ cũng hiểu rằng, bất chấp Minh Hiếu có tài năng đến mấy thì cơ hội có mặt trong đội hình của đội tuyển Việt Nam khi ấy là rất thấp.

Đơn giản như Minh Hiếu thừa nhận khi ấy, đội Công an Hà Nội và Thể Công khi ấy là kình địch ở giải trong nước, đội tuyển với số đông các cầu thủ Thể Công góp mặt, vậy “cửa” nào để Minh Hiếu cạnh tranh với Hồng Sơn, Trương Việt Hoàng đây.

Sau Minh Hiếu, Tấn Tài cũng khốn khổ khi là một cầu thủ từ giải hạng nhì bất ngờ được gọi vào đội tuyển. Tài khó ở khi từ đôi giày, cách ăn uống cũng bị các đàn anh lấy ra làm trò đùa.

Trên sân mặc cho Tài cầu thị đến cỡ nào mặc kệ, hoặc không có bóng, hoặc bóng được đưa trong tình huống nếu đưa chân vào tranh chấp là đau ngay. Cuối buổi tập, Tài thui thủi một mình vì chẳng biết nói chuyện với ai, chẳng còn cách nào khác, Tấn Tài đành xin ra khỏi đội tuyển.

Đó là một trong vài minh chứng cụ thể nhất cho việc các cầu thủ “cần dây” thế nào. Chuyện dây nhợ càng lúc càng lằng nhằng hơn đến độ ở câu lạc bộ nếu không thân cũng khó sống.

Không phải vô cớ mà Lee Nguyễn vừa trở về Mỹ chơi ở giải đấu được đánh giá chuyên môn cao hơn hẳn lại toả sáng, trong khi ở Hoàng Anh Gia Lai rồi Bình Dương, Lee Nguyễn chỉ là cái bóng mờ trên sân. Cũng chẳng phải vô cớ mà hàng loạt cầu thủ Việt kiều trước đây hăm hở xin được cống hiến cho quốc gia, để rồi “bật bãi” vì đứng mãi trên sân như cây cột mà chẳng ai thèm chuyền bóng, về câu lạc bộ cũng chẳng xong.

Trước khi đội tuyển tập trung, đã có nhiều người lo rằng lần này Mạc Hồng Quân và Michal Nguyễn cũng sẽ rơi vào tình trạng tương tự, bất chấp việc hai cầu thủ được đánh giá là cầu thủ trẻ đầy triển vọng ở Czech. Rất may, ở thời điểm mà bóng đá Việt Nam buộc phải làm lại từ đầu, buộc phải trẻ hoá bởi cơn bão suy thoái quét qua, ông Hoàng Văn Phúc đã được bật đèn xanh lấy đội tuyển để chuẩn bị cho SEA Games.

Dựa trên nền tảng ấy, ông Phúc quyết định gạn lại từ đội tuyển những cầu thủ ít bị điều tiếng nhất, có cách sống tương đối ổn nhất để kèm cặp các cầu thủ trẻ. Ông Phúc lẫn VFF đã không che giấu tín hiệu, sẽ ưu tiên trẻ hoá đội hình, thế nên để tồn tại cách tốt nhất là các “cựu binh” nên biết dìu các cầu thủ trẻ để có một đội hình mới, thay vì trông chờ vào việc sẽ lại gặp những gương mặt cũ kỹ, quá hiểu nhau từ mấy năm về trước.

Chuyện Tấn Tài, Thành Lương hay Văn Quyết lần này rủ cầu thủ trẻ đi ăn cùng, khen nhau vài tiếng, thậm chí là chuyền nhau vài đường bóng dễ tưởng chuyện nhỏ hoá ra không vặt chút nào. Nó báo hiệu một đội tuyển đang hồi sinh dần, chí ít là từ trong cách hành xử.

Và chẳng ngạc nhiên khi các cầu thủ Việt kiều đã bắt nhịp ngay từ ngày đầu tập trung, họ có cơ hội cạnh tranh sòng phẳng dựa trên năng lực thật thay vì cần thêm “dây”.

Vấn đề là ông Phúc và VFF sẽ giữ được điều này bao lâu mà thôi; bởi cũng theo thông lệ, phòng thay đồ luôn có thủ lĩnh, tuỳ vào thủ lĩnh ấy là người thế nào.

Theo Tất Đạt
Sài Gòn Tiếp Thị

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG